Chát đắng vì đường nhập lậu

GD&TĐ - Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), chưa khi nào lượng đường tồn kho cao và tiêu thụ khó khăn như hiện nay. Nguyên nhân được xác định chủ yếu vẫn là do đường nhập lậu với giá rẻ từ Thái Lan và Trung Quốc tràn lan, cũng như sức tiêu thụ của thị trường kém, khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh đường trong nước bị... điêu đứng.

Chát đắng vì đường nhập lậu

Tràn lan đường lậu

Theo VSSA, hiện lượng đường tồn kho của các DN sản xuất trong nước là hơn 700.000 tấn. Đây là lượng đường tồn kho cao nhất so với cùng kỳ các năm gần đây... Nói về hiện tượng đường tồn kho nhiều, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch VSSA cho biết, ngoài yếu tố khách quan là ảnh hưởng của thời tiết khiến các nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn so với kế hoạch nên sản lượng dồn nhiều vào giai đoạn cuối thì tình hình nhập lậu từ Thái Lan diễn biến ngày càng phức tạp mới là nguyên nhân chính của vấn đề này.

Ông Doanh cho rằng, hiện nay các DN đường đang gặp khó khăn. Bởi trước đây, hoạt động nhập lậu chỉ tập trung ở biên giới các tỉnh phía Nam nhưng giờ đã lan rộng ra cả miền Trung - Tây Nguyên và phía Bắc nên lượng đường nhập lậu vào nước ta tăng hơn nhiều so cùng kỳ các năm. Đường nhập lậu ồ ạt đổ qua biên giới bằng nhiều hình thức tinh vi, địa bàn rộng khắp và giá bán rẻ hơn vài ngàn đồng so với đường trong nước khiến lượng đường tồn kho càng tăng cao kỷ lục.

Hiện giá bán buôn đường nhập lậu của Thái Lan thấp hơn đường sản xuất trong nước khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Công tác chống gian lận thương mại tuy có nhiều cố gắng nhưng không cải thiện được tình hình, thậm chí nạn buôn lậu mặt hàng này ngày càng tăng và khá tinh vi. Nhiều chuyên gia dự báo, khoản chênh lệch giá này có thể tiếp tục bị nới rộng do Thái Lan áp dụng bảo hộ xuất khẩu đối với mặt hàng này. Điều đó càng khiến sản phẩm của DN trong nước bị giảm sức cạnh tranh và tiêu thụ chậm.

Theo các chuyên gia, giá đường trong nước rất khó giảm để cạnh tranh do giá thu mua mía cao hơn Thái Lan 35 - 45%. Các nhà máy cũng ký kết giá thu mua mía với nông dân từ đầu vụ nên khó giảm. Hơn thế, trong khi Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ đường từ Thái Lan thì chính sách của Việt Nam lại mềm dẻo hơn nên đường liên tục tràn vào.

Bên cạnh đó, gian lận thương mại ngày càng tinh vi cũng tác động không nhỏ đến hoạt động của ngành mía đường trong thời gian gần đây. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn với tình trạng thu gom đường nhập lậu. Trong đó, cần quản lý việc đấu giá đường lậu sau khi thu giữ, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho lượng hàng này hoành hành.

Làm gì để ngăn chặn?

Hội nghị “Giải pháp tiêu thụ đường bền vững” vừa được VSSA tổ chức tại TPHCM nhằm gỡ khó cho ngành đường. Theo các chuyên gia, nhiều năm qua, các nhà máy đường trong nước đã tập trung vào việc cắt giảm chi phí để chuẩn bị cho hội nhập, tuy nhiên chi phí nguyên liệu chiếm đến 70%. Do vậy, để phát triển bền vững, các DN trong ngành cần đầu tư mạnh vào khâu sản xuất để nâng cao chất lượng, trữ đường; đồng thời tạo ra các sản phẩm sau đường như: Điện từ bã mía...

Còn VSSA đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường hiện nay như: Đề xuất Chính phủ dừng việc tạm dừng tái xuất; đề nghị các địa phương dứt khoát không cấp phép mới cơ sở sang bao đóng gói mà không có nhà máy; sớm hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành mía đường đến năm 2030… VSSA còn đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại thuế xuất nhập khẩu đường để bảo vệ hàng trong nước.

Đại diện Bộ NN&PTNT thì cho rằng, cần phải tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn nạn buôn lậu và gian lận thương mại đối với sản phẩm đường. Đây là việc khó khăn nên rất cần có sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các bên nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước, cũng như hạn chế thất thu khoản thuế khổng lồ cho Nhà nước.

Về phía DN, đại diện Bộ này cho rằng, vấn đề sống còn của DN chính là phải giảm giá thành. Để làm được điều này, vấn đề quy mô trang trại, giống mía, công nghệ chế biến, quy trình vận chuyển, lưu thông, đồng thời tăng cường các hoạt động chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm sau đường... cần được tính toán căn cơ. Chỉ khi cạnh tranh được về chất lượng và giá thành với đường Thái Lan, Trung Quốc... thì thị trường xuất khẩu mới được khơi thông và vấn đề dư thừa đường cũng sẽ được giải quyết.

Theo VSSA, hiện đang diễn ra tình trạng đường lậu với giá rẻ từ Thái Lan và Trung Quốc tràn vào qua nhiều cửa khẩu khác nhau với giá thấp hơn nhiều so với đường trong nước. Đây được xác định là nguyên nhân chính khiến tiêu thụ đường của các công ty mía đường trong nước giảm mạnh, khiến lượng đường tồn kho tăng kỷ lục kể từ năm 2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.