Còn… 1 phần trăm

GD&TĐ - Còn 1% là số liệu báo cáo của các đơn vị tham gia giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định), tính đến đầu tháng 6/2024.

Còn 1% là số liệu báo cáo của các đơn vị tham gia giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định), tính đến đầu tháng 6/2024. Thoạt nhìn con số 1% chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu thì ai cũng có cảm giác là “không đáng kể”.

Tuy nhiên, đây là “khúc xương” khó nhằn nhất trên toàn tuyến cao tốc dài 88km này kể từ hôm khởi công 1/1/2023. Chính “cục máu đông” này đã làm nghẽn mạch tiến độ thi công mà nhà thầu đã hứa với Thủ tướng Chính phủ là đến quý III năm 2026, toàn tuyến cao tốc này phải được hoàn thành.

Số liệu báo cáo của Quảng Ngãi cho biết, đến nay địa phương này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 489,4/494,14 hecta, đạt 99% tổng diện tích quy hoạch.

4,8 hecta còn lại với 53 hộ dân, chủ yếu là ở đầu tuyến đã “thúc thủ” trong ngôi nhà của mình chứ không chịu bàn giao mặt bằng vì những đề đạt của họ không được đáp ứng. Trong đó huyện Tư Nghĩa nằm ở đầu tuyến cao tốc, chiếm số lượng nhiều nhất với 3,3 hecta và 38 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

Sổ sách thì 38 hộ dân đang sinh sống trên diện tích 3,3 hecta nhưng thực tế có đến 82 ngôi nhà! Mấu chốt của “khúc xương” nằm ở chỗ này. Vì phần lớn những ngôi nhà này đều được làm trên phần đất ông bà họ để lại và cũng làm từ nhiều năm trước chứ không phải làm nhà để được đền bù như vẫn thường thấy lâu nay.

Nếu xét trên khía cạnh pháp luật, làm nhà trên đất nông nghiệp và không được phép như thế là sai. Nhưng số gia đình này cũng không còn quỹ đất ở nào khác mà chính quyền cũng không thể cấp đất ở để họ có thể dựng nhà.

Nhiều thế hệ ở chung một ngôi nhà thì buộc họ phải “phá rào” dù vẫn biết như thế là vi phạm luật. Ban đền bù giải phóng mặt bằng thì dựa vào luật để thực thi công vụ còn dân thì dựa vào thực tế. Đó chính là lý do để xuất hiện “cục máu đông” 1% kia.

Trước áp lực của Chính phủ là phải hoàn thành tuyến cao tốc đúng tiến độ, trong khi nhà thầu thì không có mặt bằng để thi công, mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã có chuyến thị sát thực tế “điểm nghẽn” này.

Sau khi nghe ý kiến của địa phương nói về những khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, trong đó lãnh đạo huyện Tư Nghĩa nhấn mạnh đến những trường hợp “có nhà thực tế, ở trên đất ông bà chứ không phải làm nhà để được đền bù”, bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nói: “Các hộ dân này làm nhà trên đất nông nghiệp là không đúng quy định nhưng các hộ này không có đơn vị đất ở nào khác nên buộc tỉnh phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là quyền có chỗ ở của người dân được Hiến pháp quy định”.

Vậy là “cục máu đông” 1% chưa giải phóng mặt bằng đã được khơi thông. Các bên liên quan hứa là sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu hạn chót là 30/6 này.

Những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế nhưng chỉ khi nào lãnh đạo “sát dân” thì mọi việc sẽ được trôi chảy mà thôi. Quanh chuyện giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là một ví dụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chương mới trong lịch sử Nhật Bản

GD&TĐ - Vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã bầu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba, 67 tuổi, làm Thủ tướng kế nhiệm ông Fumio Kishida.