Combo du lịch giá rẻ dịp nghỉ lễ: Đề phòng 'sập bẫy'

GD&TĐ - Gần đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, combo du lịch, vé máy bay giá rẻ xuất hiện nhan nhản, tràn ngập trên các hội nhóm, diễn đàn.

'Combo du lịch giá rẻ' là một trong những hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
'Combo du lịch giá rẻ' là một trong những hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Bên cạnh những người mua được combo giá tốt, không ít khách hàng vô tình rơi vào bẫy của những đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Combo giá rẻ, hậu quả nặng nề

Chị P.K.L. (quận Ba Đình, Hà Nội) đã lên kế hoạch chuyến du lịch cho gia đình tới Phú Quốc vào dịp lễ 30/4 sắp tới. Chị đã tìm kiếm mua combo du lịch giá rẻ để gia đình chủ động lịch trình của gia đình mà vẫn tiết kiệm chi phí.

Theo tìm hiểu, chị đã lên mạng tìm mua từ một đại lý ở trên mạng combo du lịch Phú Quốc 4 ngày 3 đêm với giá 3 triệu/người. Giá vé đã bao gồm vé máy bay khứ hồi, nghỉ tại khách sạn 3 sao 3 đêm ở gần trung tâm thị trấn và buffet 3 bữa sáng.

Theo lời chị L. kể, để tìm hiểu thêm, vào trang cá nhân của người bán, chị thấy cũng có nhiều khách review, chia sẻ lại ảnh đi du lịch, chuyển khoản và bình luận ở dưới bài đăng. Nhiều comment tích cực, khen sự uy tín nên chị đã đặt mua ngay.

Người bán cũng có gửi ảnh thư điện tử đặt vé với hãng hàng không mang tên chị, nên chị nhanh chóng thanh toán toàn bộ combo cho cả gia đình. Tuy nhiên, gần ngày bay, chị gọi xác nhận với hãng hàng không và khách sạn lại nhận được thông báo mã vé bị hủy vì không thanh toán trong 24 giờ.

“Liên hệ qua điện thoại, qua Facebook và nhờ người quen kiểm tra hộ, mình mới biết bị lừa. Một phần cũng do mình chủ quan không hề nghĩ là những người bình luận trên Facebook đều là tài khoản ảo. Mã đặt chỗ trên hệ thống khi không thanh toán bị hủy. Lần trước đã từng săn combo giá rẻ 1 lần và hài lòng, nhưng lần này không nghĩ mình bị lừa”, chị L. chia sẻ.

Trường hợp tương tự, sắp đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, anh Nguyễn Huy Kiện (quận Hà Đông, Hà Nội) lên mạng xã hội săn tour du lịch giá rẻ cho cả gia đình đi Sapa. Sau khi khảo sát, anh Kiện quyết định mua combo Sapa 3 ngày, 2 đêm trên một hội nhóm thanh lý voucher, bán tour du lịch với giá 10 triệu đồng dành cho 3 người, bao gồm bữa sáng.

Vui vì đặt được tour du lịch giá rẻ nên mọi người trong gia đình anh Kiện ai cũng phấn khởi. Thế nhưng, khi gọi điện lên để check phòng khách sạn trên Sapa, anh Kiện mới tá hỏa khi người của khách sạn trả lời không có thông tin đặt phòng như anh thông tin. Ngay lúc đó, anh Kiện gọi điện cho người bán tour, nhưng không liên lạc được. Họ chặn từ số điện thoại, Zalo, Facebook của anh Kiện. Đến lúc này anh Kiện mới biết bị lừa.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng mạng xã hội, không ít người tiêu dùng vẫn tìm kiếm thông tin, tìm kiếm các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ hay “săn” voucher giảm giá trên mạng. Lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức đã dùng các chiêu trò tinh vi, tung các thông tin “siêu giảm giá” 30 - 50% so với giá gốc để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Chị Hà Phương Thu - CEO Travel TiKa chia sẻ, tình trạng xả tour, giảm giá sát những ngày lễ lớn không còn hiếm gặp. Đó có thể là chiêu bán hàng của nhiều đơn vị, du khách nên tỉnh táo lựa chọn để tránh lạc vào ma trận tour giá rẻ. Nhiều nơi khẳng định giá rẻ nhưng khi khách kiểm tra thì thấy không khác giá ngày thường hay giá đã công bố trước đó là bao.

Theo chị Thu, việc du khách mua được vé máy bay rẻ vào giờ chót, thậm chí rẻ hơn mức hãng công bố có thể là do các công ty du lịch tự giảm giá, cắt lỗ vì đã trót ôm quá nhiều vé máy bay trước đó.

Ông Hà Xuân Đức - Giám đốc Công ty Du lịch Đức Mới chia sẻ, hiện nay, nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng cao, các đối tượng cũng có nhiều chiêu trò để lừa đảo khách hàng. Đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý “ham rẻ” trong việc đặt tour và lựa chọn các dịch vụ du lịch để đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn.

Dấu hiệu nhận diện dễ thấy của những đối tượng này là: Làm giả fanpage/website của các công ty du lịch uy tín; Làm giả biên lai, hóa đơn thanh toán; Quảng cáo với mức giá hấp dẫn, nhiều tiện ích đi kèm; Sử dụng số tài khoản cá nhân để nhận cọc từ khách hàng…

Anh Nguyễn Thành Hoàng, quản trị viên nhóm Thanh lý voucher khách sạn, resort, cho biết, vào dịp nghỉ lễ, các đối tượng dùng tài khoản ảo để lừa đảo hoạt động mạnh hơn. Họ lợi dụng tâm lý thích giá rẻ và tình trạng khan phòng ở các điểm đến. Các tài khoản ảo thường dùng hình ảnh cá nhân, tên của người khác để truy cập vào nhóm và giao dịch thông qua tin nhắn, vì vậy, quản trị viên khó phát hiện và kiểm soát hết.

Vì vậy, khi mua combo trong các hội nhóm khuyến mãi, giá rẻ trên mạng xã hội, du khách có thể liên hệ với các quản trị viên nhóm hoặc đăng bài để nhờ kiểm chứng mức độ tin cậy. Trước khi giao dịch, du khách cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên lạc trùng với hình ảnh và tên sử dụng trên tài khoản Facebook, hoặc tên công ty, đại lý du lịch.

“Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo trực tuyến thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc. Do đó, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt.

Để chủ động bảo vệ mình, du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ, các chương trình khuyến mãi, tham khảo thị trường và cảnh giác trước những combo, tour giá rẻ bất thường vào dịp cao điểm. Du khách nên đặt dịch vụ của những công ty uy tín để có đầu mối phản ánh, khiếu nại khi gặp vấn đề trong quá trình giao dịch hay trên đường du lịch”, anh Hoàng đưa ra lời khuyên.

Thống kê từ Cục Hàng không, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay (trung bình 685 chuyến/ngày), tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các đường bay đi/đến TPHCM với 5.083 chuyến (trung bình 462 chuyến/ngày).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

BSCKII Kiều Mạnh Hà thăm khám cho bệnh nhân sau điều trị đột quỵ. Ảnh: L.N

Kiểm soát đột quỵ ở người trẻ

GD&TĐ - Nhiều trường hợp người trẻ tuổi, thậm chí là thiếu niên, rơi vào tình trạng nguy kịch vì đột quỵ mà không kịp cấp cứu trong 'thời gian vàng'.

Minh họa/INT

Nghĩ về cách đặt tên xã, phường

GD&TĐ - Dư luận rộ lên về cách đặt tên mới cho xã/phường khi đơn vị hành chính cấp huyện giải thể và sáp nhập nhiều xã/phường với nhau.