Sau cả tiếng ướp ủ tương, mẹ bắc nồi cá rói lót lá gừng rồi kêu con bé để mắt, thi thoảng nhớ lắc lắc. Động tác này không thừa đâu nhé, mẹo để cá không bị cháy khét khi kho trên bếp từ.
Rồi thì, lúc nào mẹ cũng yêu cầu nồi cá kho phải cạn rọt, có tiếng lép bép, phưng phức mùi ben bén thì mới được tắt bếp. Đấy là “bí quyết” kho cá mẹ học được từ bà nuôi bên xí nghiệp…
Năm ấy, bố mẹ quần quật lao động làm ra những viên gạch hồng xây nhà dựng cửa cho phố nọ, thị kia nhưng chưa khi nào đủ ăn cho 3 cái tàu há mồm. Có gạo mậu dịch mà ăn đã là diễm phúc nên chẳng đứa nào dám mơ về một bữa cơm trắng, cá kho. Thế nên, Chủ nhật nào bố mẹ cũng lùa mấy đứa vào nhà bà nuôi chơi. Bà là mẹ liệt sĩ neo đơn, bố mẹ là con kết nghĩa…
Cùng với việc quét sân, dọn vườn, hái chè ríu rít, chúng tôi luôn háo hức chờ đón bữa cơm trắng, cá kho của bà.
Dù bóng nhà vẫn nghiêng sân mà bà đã dọn mâm, hò đám nhỏ. Nhìn đĩa cá kho nhừ xương (có đủ loại: Trôi, chép, rói, bống, rô, diếc, trạch…), ánh màu kẹo đắng, phả hương bùi bùi, béo ngậy cùng những bát cơm gạo trắng như bông, dẻo dính đũa chứ không đỏ quạch, rời từng hạt như ở nhà, mà đứa nào đứa nấy nuốt ực nước miếng.
Rồi xoong cơm vùi tro xém cạnh, nồi cá kho khô đét vơi dần để cho những cái bụng tròn vo.
Bà nuôi không khi nào ăn cùng mà chỉ ngồi xới cơm, gắp cá và giục đám nhỏ đưa bát. Lúc chúng tôi chào bà để về thể nào cũng có nắm cơm gói lá chuối khô và đùm cá kho mang theo.
Rồi bà dặn, đừng cứ Chủ nhật mà bất cứ lúc nào đi học qua nhớ rẽ vào với bà cho vui cửa vui nhà. Và chẳng khi nào mà bà không phần cơm trắng, cá kho…