Được phát hiện vào năm 2015 tại vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Cartegena bởi chính phủ Colombia, con tàu có tên San Jose của Tây Ban Nha được gọi là “Chén thánh”.
Con tàu ba cột buồm được trang bị 62 khẩu súng là soái hạm và thuyền chiến lớn nhất của hạm đội Tây Ban Nha - được xác định chở đầy vàng, bạc, ngọc lục bảo và các hàng hóa có giá trị khác, trị giá nhiều tỷ đô la, từ các mỏ ở Potosi, Peru.
Người ta cho rằng, con tàu đang đi từ Panama đến Colombia thì bị đánh chìm cùng với 600 người trên tàu vào ngày 8/6/1708, trong trận chiến với các tàu Anh trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha.
Viện Nhân chủng học và Lịch sử Colombia (ICANH) - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát tất cả địa điểm khảo cổ ở Colombia, cho biết, giai đoạn đầu tiên của chuyến thám hiểm sẽ tập trung vào việc chụp ảnh con tàu bằng cách sử dụng các cảm biến từ xa "không xâm lấn".
Những hình ảnh này sau đó sẽ được sử dụng để xây dựng kho lưu trữ các khám phá khảo cổ học dưới đáy biển.
ICANH cũng đã tuyên bố địa điểm phát hiện này là “khu vực khảo cổ được bảo vệ” cấp quốc gia để “bảo tồn giá trị khoa học và khảo cổ của nó”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, họ cũng có kế hoạch sử dụng một tàu dưới nước với công nghệ định vị âm thanh, cũng như một phương tiện vận hành từ xa với nhiều cảm biến và công cụ khác nhau có thể đi xuống độ sâu của địa điểm xác con tàu.
“Chính phủ đang khám phá vụ chìm tàu nhằm tìm hiểu lịch sử và văn hóa”, Bộ trưởng Văn hóa Colombia Juan David Correa phát biểu trong một cuộc họp báo ở Cartagena hôm 21/5.
Cuộc chiến pháp lý trị giá hàng tỷ đô la
Khám phá xác tàu San Jose có ý nghĩa quan trọng đối với Colombia vì kho báu hiện vật có giá trị văn hóa và lịch sử trên tàu, và những manh mối mà chúng có thể cung cấp về môi trường kinh tế, xã hội và chính trị của châu Âu vào đầu thế kỷ 18.
Tuy nhiên, xác con tàu San Jose cũng đã gây ra một cuộc chiến pháp lý trị giá hàng tỷ đô la.
Colombia khẳng định, họ phát hiện ra San Jose lần đầu tiên vào năm 2015 với sự giúp đỡ của các nhà khoa học quốc tế.
Tuy nhiên, tuyên bố của họ đã bị phản đối bởi một công ty trục vớt hàng hải có trụ sở tại Mỹ tên là Sea Search-Armada (SSA), trước đây gọi là Glocca Morra, cho rằng, họ mới là những người phát hiện ra xác tàu vào đầu những năm 1980.
SSA đã phát động một cuộc chiến pháp lý chống lại chính phủ Colombia tại Tòa án Trọng tài Thường trực, tuyên bố họ được hưởng khoảng 10 tỷ USD - một nửa giá trị ước tính của kho báu trên tàu.
Chính phủ Colombia kịch liệt phản đối các tuyên bố trên của SSA.