Coi xã hội hóa như giải pháp đặc thù của giáo dục Hưng Yên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 8/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.
Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là trưởng đoàn giám sát; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát. Cùng dự có ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện các bộ ngành có liên quan, trong đó có Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Về phía tỉnh Hưng Yên có Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn và lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan của tỉnh Hưng Yên.

Chuẩn bị sớm cho triển khai chương trình mới

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, Hưng Yên là đơn vị thứ 6 trong số 8 địa phương trên cả nước Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trực tiếp. Nhấn mạnh các nội dung về lựa chọn, phát hành SGK; tài liệu giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; kinh phí thực hiện chương trình…

Trưởng đoàn Giám sát mong muốn địa phương có những chia sẻ thẳng thắn, không né tránh, khách quan trên tinh thần xây dựng; đặc biệt có kiến nghị thật cụ thể để trên cơ sở đó đoàn giám sát tổng hợp, xây dựng báo cáo.

Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc tại buổi làm việc.

Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc tại buổi làm việc.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:

Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 346 trường phổ thông, gồm: 138 trường tiểu học; 141 trường THCS công lập; 141 trường THCS công lập; 28 trường tiểu học và THCS công lập; 35 trường THPT (24 trường công lập, 11 trường tư thục); 1 trường THCS và THPT; 3 trường tiểu học, THCS và THPT tư thục; 172 cơ sở giáo dục thường xuyên.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện và cụ thể hóa các nhiệm vụ tại địa phương.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo đoàn Giám sát.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo đoàn Giám sát.

Cụ thể, đã có 4 văn bản của Tỉnh ủy, 18 văn bản của Hội đồng nhân dân tỉnh, 35 văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng nhiều văn bản của Sở GD&ĐT tổ chức triển khai thực hiện.

Các điều kiện triển khai chương trình mới như đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được chuẩn bị tích cực.

Năm 2023, UBND tỉnh đã tạm giao tổng số người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT. Trong đó có cả giáo viên môn mới theo chương trình phổ thông 2018.

Hiện tại, Sở GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng đối với số giáo viên được giao bổ sung và số giáo viên chưa sử dụng, trong đó có giáo viên của 2 môn Mỹ thuật và Âm nhạc trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm học 2022-2023, theo báo cáo của các trường THPT, chưa có học sinh đăng ký lựa chọn học môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Vì vậy trước mắt chưa xuất hiện khó khăn đối với 2 bộ môn này.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Chương trình mới tại Hưng Yên được triển khai đồng bộ, từ việc xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục của các nhà trường; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đến đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; đổi mới về quản trị các cơ sở giáo dục...

Hưng Yên đồng thời triển khai lựa chọn SGK theo đúng quy định, tất cả học sinh đều có SGK để phục vụ học tập. Tài liệu giáo dục địa phương được tổ chức biên soạn theo đúng kế hoạch…

Về khó khăn, hiện nay, số lượng người làm việc trong các cơ sở THCS công lập của tỉnh còn thiếu so với quy định về định mức giáo viên/lớp. Cụ thể, tổng số giáo viên theo định mức là 10.869; số giáo viên hiện có mặt là 9.282; như vậy, tổng số còn thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT cho năm học 2022-2023 là 1.586 giáo viên.

Do thay đổi về chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 nên nguồn tuyển dụng đối với cấp tiểu học, THCS và cả mầm non còn hạn chế. Tình trạng số biên chế chưa sử dụng còn nhiều, chưa bảo đảm số giáo viên giảng dạy trong các nhà trường.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục còn chưa đồng bộ. Việc khai thác sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế. Một số đơn vị trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng. Một số công trình phụ trợ của các đơn vị trường xây dựng đã lâu nên có tình trạng xuống cấp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Những vấn đề cần làm rõ

Ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Hưng Yên, Đoàn giám sát đề xuất các vấn đề cần tiếp tục làm rõ. Trong đó có việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện. Đánh giá thêm về nội dung, đối tượng chủ yếu trong xã hội chưa đạt được sự đồng thuận và định hướng tập trung tuyên truyền trong thời gian tới; tiếp nhận ý kiến, đóng góp của dư luận xã hội về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Về triển khai Chương trình GDPT 2018, Đoàn Giám sát đề nghị tỉnh đánh giá rõ hơn về khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Chương trình. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch giáo dục bổ sung kiến thức một số môn học cho học sinh lớp 5 và lớp 9 (theo Chương trình 2006) để có thể học Chương trình lớp 6, lớp 10 theo Chương trình 2018, địa phương đã triển khai nội dung này như thế nào?

Cùng với đó, đánh giá cụ thể hơn về những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học tại các cơ sở giáo dục; đánh giá kết quả, hiệu quả của đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Làm rõ tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh; khó khăn, vướng mắc, đề xuất liên quan đến quy định về lựa chọn SGK; việc phát hành SGK trên địa bàn tỉnh. Làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến dạy thực nghiệm khi biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; khó khăn trong biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và giải pháp của tỉnh.

Về chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đội ngũ nhà giáo, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh báo cáo về việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên để tổ chức tuyển dụng số lượng giáo viên còn thiếu; làm rõ nguyên nhân tại sao không tuyển dụng hết số biên chế được giao? Việc thực hiện Nghị quyết 102 và Nghị định 111 của Chính phủ trong hợp đồng giáo viên có giải quyết được hết những khó khăn vướng mắc trong việc tuyển dụng số biên chế ngành giáo dục còn thiếu hay không? Tỉnh đã xác định cơ cấu, nhu cầu giáo viên môn học tích hợp và môn học mới theo Chương trình GDPT 2018?...

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Khắc phục thiếu giáo viên trước áp lực tinh giản biên chế

Giải trình liên quan đến việc thiếu nhiều giáo viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hưng Yên Lê Quang Hòa cho biết, nguyên nhân quan trọng nhất liên quan đến việc phải thực hiện tinh giản biên chế; khó khăn trong nguồn tuyển, đặc biệt với cấp mầm non, THCS khi áp dụng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng là một trong những địa phương có tổng biên chế được giao rất thấp so với cả nước.

Trước khó khăn này, theo ông Lê Quang Hòa, địa phương đã có giải pháp giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách thay vì giảm biên chế. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Nội vụ tham mưu 2 nghị quyết về thu hút nhân lực chất lượng cao và thu hút giáo viên về tỉnh… Ông Lê Quang Hòa kiến nghị, Trung ương sớm giao biên chế năm 2023; sớm có định biên theo vị trí việc làm và định mức; đồng thời sớm hoàn thiện chính sách về tự chủ trong giáo dục…

Liên quan đến vấn đề chuyên môn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phê chia sẻ: Để chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, từ năm học 2014-2015 đến nay, ngành GD-ĐT Hưng Yên đã triển khai một số phương pháp, mô hình dạy học tiên tiến. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp về đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đây là điều kiện thuận lợi, là tiền đề cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá từ trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018 nên không gặp khó khăn trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thực hiện chương trình.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo trường tiểu học, THCS cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng giáo viên Tin học và Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí theo kế hoạch của UBND tỉnh. Sau khi giáo viên hoàn thành khóa học, được cấp chứng chỉ.

Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên, các trường đã chủ động xây kế hoạch dạy học, phân công giáo viên giảng dạy các bộ môn đã được bồi dưỡng ở lớp 3, 6, 7. Hiện tại cơ bản đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy môn học Tin học và Công nghệ ở khối lớp 3; môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở khối lớp 6, lớp 7.

Ở THPT, các trường đã xây dựng kế hoạch và sắp xếp tổ hợp nhóm 4 môn lựa chọn dựa trên điều kiện thực tế của đội ngũ giáo viên hiện có và hiện trạng điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Năm học 2022-2023, 100% các trường THPT đã tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học phù hợp với năng lực học sinh và đáp ứng được nhu cầu của người học.

Bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật hiện chưa có giáo viên. Tuy nhiên khi có học sinh đăng ký tự chọn học môn này, các nhà trường được phép hợp đồng giáo viên theo Công văn số 3018/UBND-NC của UBND tỉnh triển khai giải pháp quản lý đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Coi xã hội hóa là giải pháp đặc thù

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thông qua đây, Bộ GD&ĐT thu hoạch được rất nhiều để chuẩn bị cho các chính sách, chỉ đạo trong toàn ngành. Theo Bộ trưởng, qua cuộc giám sát để thấy được sâu hơn, thấu hơn công việc của ngành; ngành Giáo dục cũng qua đây được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn.

Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã rất quan tâm đến giáo dục, thể hiện qua các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo, chính sách cho ngành… Nhận định điều này, góp ý với báo cáo của tỉnh Hưng Yên gửi Đoàn giám sát, Bộ trưởng đề nghị cần tăng cường đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh; làm rõ từng sở, ngành, địa phương triển khai đến đâu, cùng với đó là hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Tăng thêm yếu tố chuyên môn cho báo cáo cũng là lưu ý của Bộ trưởng với tỉnh Hưng Yên. Bộ trưởng nhấn mạnh, cốt lõi nhất của đổi mới lần này là ở yếu tố chuyên môn - đó mới là chất, linh hồn của đổi mới. Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá thêm về những thay đổi của hoạt động dạy và học khi chương trình mới trao quyền chủ động, sáng tạo nhiều hơn cho địa phương, nhà trường, giáo viên.

“Giáo viên có gì thay đổi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới? Tâm trạng giáo viên ra sao? Mức độ đổi mới thế nào? Giáo viên đã được hỗ trợ chưa?...” đặt những câu hỏi này với yêu cầu làm rõ trong báo cáo, Bộ trưởng đồng thời khẳng định: mức độ đổi mới của giáo viên sẽ thể hiện mức độ thành công của đổi mới.

Nhấn mạnh đổi mới có mục tiêu cần làm ngay nhưng cũng có những khoảng để địa phương dần thực hiện từng bước, Bộ trưởng mong muốn, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã quan tâm thì tiếp tục “lăn xả” chỉ đạo, ưu tiên đầu tư. “Công cuộc đổi mới này phải có đầu tư đặc biệt, nhất là năm 2023-2024, trọng tâm đổi mới rơi vào 2 năm này. Lúc này cần trường học, lớp học, thiết bị, cần giáo viên... Nếu không cố gắng con em Hưng Yên thiệt thòi”, Bộ trưởng nói.

Đề cập tới những giải pháp đặc thù của từng địa phương, Bộ trưởng gợi mở: Hưng Yên phải coi việc đẩy mạnh xã hội hoá như một giải pháp đặc thù. “Khu vực này đời sống người dân tương đối tốt, yêu cầu trường học chất lượng tốt là có thật. Đẩy mạnh xã hội hoá như giải pháp đặc thù của Hưng Yên. Câu chuyện căng thẳng giáo viên giảm đi, huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục”. Bộ trưởng phân tích, đồng thời nhấn mạnh tỉnh Hưng Yên nên có chính sách riêng cho việc này.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư tỉnh ủy Hưng Yên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh hết sức quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết được triển khai rộng rãi. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa là rất rõ ràng và đã chuyển biến thành hành động thiết thực, đem lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn vấn đề tồn tại, hạn chế cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ.

Yêu cầu các sở ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đồng thời chia sẻ giải pháp của địa phương trước những khó khăn, vướng mắc; một trong số đó là triển khai xã hội hóa. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Xã hội hóa giáo dục là câu chuyện rất lớn đối với Hưng Yên và tới đây địa phương sẽ có giải pháp cụ thể, căn cơ để triển khai vấn đề này.

Sự nghiệp GD-ĐT là của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Các quốc gia đều quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT, khoa học - công nghệ. Đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ là đầu tư khôn ngoan cho sự phát triển. Sự nghiệp GD-ĐT là của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, không phải của riêng ngành Giáo dục.

Với tỉnh Hưng Yên, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý: Địa phương có nhiều mô hình, cách làm tốt, cần tổng kết, nhân rộng. Những vấn đề hạn chế, tồn tại cần tiếp tục phân tích, tìm nguyên nhân để quan tâm đầu tư xử lý. Trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính trong GD-ĐT. Tăng cường bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ giáo viên, bởi thầy tốt thì có trò tốt; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ; thu hút nguồn lực cho giáo dục. Giáo dục học sinh có trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình, xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh: Hưng Yên cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong toàn ngành. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm ở các cơ sở giáo dục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong ngành.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền mạnh mẽ về Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Nghị quyết 51, những vấn đề có liên quan đến GD-ĐT để xã hội, nhân dân đồng tình ủng hộ. Cuối cùng là đổi mới trong quản lý giảng dạy, học tập, tạo động lực phát triển toàn diện ngành Giáo dục…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ