Coi trọng sự học

GD&TĐ - Nhờ có suy nghĩ tiến bộ luôn đề cao, coi trọng sự học của mẹ, nên sáu anh chị em tôi đều được ăn học đến nơi đến chốn.

Minh họa: Tiến Thành.
Minh họa: Tiến Thành.

Khi cái oi ả, chói chang của mùa Hè dần nhường chỗ cho hơi mát dìu dịu là lúc tiết Thu đã về, đó cũng là lúc báo hiệu năm học mới bắt đầu.

Học sinh mọi miền Tổ quốc nô nức đến trường. Ở thành phố không khí ấy càng nhộn nhịp, tấp nập. Ai cũng muốn sắm sanh đầy đủ mọi thứ từ trang phục, sách vở, cặp, bút… để con em mình yên tâm bước vào năm học mới.

Như một thước phim được giữ sâu trong ký ức và có dịp đem ra công chiếu, những hình ảnh xưa cũ cứ hiển hiện rõ nét.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhà nhà ăn cơm độn, cốt để no bụng. Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nên ít nhà chú trọng đến sự học của con em mình. Tuy vậy, vẫn có những gia đình đặt sự học của con cái lên hàng đầu và gia đình tôi là một trong số đó.

Tôi nhớ nhất là khi cả nhà chuẩn bị trang phục cho năm học mới. Thường trước ngày khai giảng một tuần, mẹ tôi sẽ lôi hết đống quần áo cả cũ, cả rung rúc ra để ướm thử cho từng đứa. Bộ đứa lớn mặc chật thì thành bộ đồ mới của đứa bé, thành ra nhà có sáu đứa con trong tuổi ăn học, nhưng đầu năm học mới mẹ tôi chỉ phải tốn tiền sắm quần áo cho đứa lớn nhất.

Quần áo cũ bị sứt chỉ, sờn rách, dưới bàn tay khâu vá khéo léo của mẹ nó lại lành lặn, phẳng phiu, sạch sẽ. Tôi là em út nên quanh năm mặc lại của các anh chị. Với tâm lý “cũ người mới ta” nên chúng tôi rất vui vẻ, hớn hở khi khoác lên mình những bộ quần áo “mới nhất” mà chúng tôi có để đi dự khai trường.

Vui cũng phải thôi, vì khi nhìn sang cái Thoa con cô Thương đi dự khai giảng mà nó còn chẳng có bộ vừa vặn như tôi để mặc, nó vẫn mặc chiếc áo hoa cũ, thâm xỉn, xoăn tít, cái quần thì ngẵn cũn cỡn. Nó là chị cả, nhà chưa có điều kiện mua quần áo mới nên nó đành mặc lại bộ đồ của năm học trước.

Khi trang phục cho năm học mới của mấy anh chị em tạm ổn, mẹ tôi lại lo đến đồ dùng học tập, nào là sách vở, nào là bút, cặp…

Những bộ sách giáo khoa được chúng tôi giữ gìn để truyền từ đứa nọ sang đứa kia. Mẹ tôi rất nghiêm khắc, nếu đứa nào không giữ sách cẩn thận mà vẽ bậy hay làm rách sách, hẳn nào khi về bà cũng cong ngón tay lại mà tặng cho cái “khếu” lên trán đau điếng.

Có lần, anh thứ hai của tôi thấy tờ bìa quyển sách Toán lớp Sáu đã hơi long, anh giật ra, bắt chước các bạn gập máy bay. Tối về, mẹ tôi phát hiện, bà không chỉ tặng cho anh cái “khếu trán” đau điếng, mà còn tuyên bố phạt không mua quần áo mới cho anh vào dịp Tết để lấy tiền đó mua sách.

Mỗi năm, chúng tôi chỉ trông chờ Tết đến để được mua quần áo mới, mẹ tôi phạt như vậy nên đứa nào cũng sợ. Chính vì cách trừng phạt nghiêm khắc của mẹ nên chúng tôi rất nâng niu và giữ gìn những quyển sách của mình, bởi vậy mẹ tôi không tốn tiền mua sách giáo khoa khi năm học mới đến.

Vở viết, không dùng lại được, mẹ sẽ mua cho tất cả sáu anh chị em bằng tiền bán đôi gà trong vườn. Không hiểu mẹ tôi tính toán nuôi kiểu gì mà cứ đầu năm học là gà đủ lớn để đem bán lấy tiền mua sắm đồ dùng học tập cho mấy anh chị em.

Những cuốn vở mẹ mua bao giờ cũng có màu thâm chứ không trắng, mẹ thường bảo “chất lượng giấy na ná nhau mà rẻ hơn thì mua loại trắng làm gì cho phí tiền”. Vì tính như vậy nên số tiền chắt chiu mẹ sẽ mua được nhiều tập vở hơn.

Bút viết thời đó là những chiếc bút máy cứ hết mực lại bơm đầy nên nếu biết giữ gìn có thể viết được nhiều năm. Ngòi bút mòn thay ngòi khác, ruột bút hỏng thay ruột khác. Nhớ khi đi học, tay tôi luôn trong tình trạng lem nhem cũng bởi chiếc bút quá cũ, luôn rỉ mực.

Có thể thấy, với tài thu vén của mẹ, cả sáu anh chị em tôi mới không đứa nào bị thất học trong những năm tháng khó khăn ấy.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Vui nhất là cái hôm mua cả chồng vở về, mẹ sẽ đếm và tự tay chia cho chúng tôi. Đứa lớp lớn học nhiều môn hơn cần nhiều vở mẹ sẽ chia cho nhiều, tôi học lớp nhỏ nhất nên bao giờ cũng được chia số ít nhất.

Khi có vở, chúng tôi ngồi chen chúc trên phản gỗ nghiến kê giữa nhà, cùng nhau cắt những tờ giấy trắng chưa viết hết của năm học trước để làm nhãn vở. Đứa nào cũng muốn tự tay nắn nót những nét chữ thật đẹp lên nhãn vở của mình.

Chị Hà, chị cả tôi, khéo tay nhất nhà, chị luôn vẽ những dây hoa làm đường viền điểm xung quanh nên nhãn vở của chị bao giờ cũng đẹp, bắt mắt.

Bố tôi làm văn thư ở xã, nên ông đem tất cả những sách báo ông mượn hoặc xin được về cho chị em tôi đọc. Chúng tôi, đứa nào đứa nấy đọc say mê, không sót một mục nào trên tờ báo.

Chính những tờ báo cũ ấy đã góp phần giúp anh chị em tôi có nghị lực học tập hơn hẳn các bạn cùng trang lứa ở trong làng xã. Những tờ báo khổ to lại được tận dụng để bọc sách vở, nên dù sách vở của chúng tôi chỉ được đựng trong chiếc túi “cám Con cò” nhưng hết năm học vẫn phẳng phiu, lành lặn.

Nói đến túi “cám Con cò”, đó là một loại túi được tận dụng từ bao nhỏ đựng cám chăn nuôi nhãn hiệu Con cò, rất phổ biến lúc bấy giờ để thay cho cặp sách. Hầu như học trò quê tôi thời ấy đều xách chiếc túi huyền thoại đó đi học, vừa bền, vừa không mất tiền mua.

Anh chị em tôi lúc đó vô tư hồn nhiên không nghĩ nhiều đến những khó khăn của bố mẹ mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới.

Phải nói rằng bố mẹ tôi là những người hiếm hoi trong làng xã coi trọng việc học của con cái, nên dù khó khăn, túng thiếu đến mấy bố mẹ vẫn cố gắng thu vén để tất cả anh em chúng tôi được đến trường.

Thời đó, một phần do kinh tế khó khăn, một phần không có phong trào học nên ở quê tôi, những bạn cùng trang lứa đa số bỏ học khi chưa hết cấp hai. Có lần, chị thứ ba của tôi viện cớ mẹ chưa mua cho quyển sách để ôn thi học sinh giỏi, chị trốn và đòi bỏ học. Mẹ tôi biết được, bà cầm roi tìm vòng quanh làng dẫn dòng đến tận lớp học.

Sau này, chị vẫn nhắc lại nhờ có buổi sáng mẹ cầm roi đi tìm mà chị không bị thất học. Kể cả khi bố tôi không còn đồng hành với mẹ, ông mất năm 1995, thì mẹ tôi vẫn một mình gắng gượng và kiên định nuôi những đứa con của mình ăn học nên người.

Nhờ có suy nghĩ tiến bộ luôn đề cao, coi trọng sự học của mẹ, nên sáu anh chị em tôi đều được ăn học đến nơi đến chốn. Từ đáy sâu trong lòng, anh chị em tôi thầm kính trọng, cảm phục, biết ơn và luôn tự hào về người mẹ nông dân lam lũ mới chỉ học hết lớp Bốn của mình.

Một năm học mới lại đến, tôi xin nhắc lại những kỉ niệm về một thời khó khăn để khẳng định rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào, chúng ta cũng phải coi trọng sự học. Càng khó khăn càng phải coi trọng sự học.

Đất nước đã thay da đổi thịt, ngày nay kinh tế không quá khó khăn như những thập niên cuối của thế kỷ trước, mong rằng tinh thần hiếu học sẽ lan tỏa đến tất cả mọi người, mọi nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ