Bạn nhắn tin cho cô bạn thân thời Đại học, hỏi có về lại thăm trường cũ không, bạn thèm khoai nướng lắm rồi. Vậy là nhanh chóng một cuộc hẹn diễn ra. Bạn cười, lòng hoan hỉ như được rắc thêm ngàn tia nắng ấm…
Dì Tư - cái tên thân thuộc gắn liền với hình ảnh một dáng người phụ nữ nhỏ bé, gầy gò, có phần già trước tuổi so với cái tuổi năm mươi của dì. Gọi là quán nhưng thực ra đó là một góc xép nhỏ, dì bày biện dăm cái ghế nhựa con con để khách ngồi uống trà. Trên chiếc bàn gỗ có dăm phong bao thuốc lá, ít thanh kẹo lạc.
Đến mùa đông, dì chiều khách, nhóm lên một bếp lửa bên cạnh, vùi thêm ít bắp ngô, củ khoai. Khách của dì chủ yếu là sinh viên và người lao động nghèo. Bạn thường ghé quán dì vào mùa đông để sưởi ấm mỗi lần tan học và gọi cho mình một củ khoai nướng lót dạ. Dì quen mặt bạn, lần nào đến, dì cũng đon đả và nồng hậu chào đón.
Khoai nướng là thức quà quen thuộc với bạn từ lúc bạn còn tấm bé, chân lấm bùn ở quê. Ngày ấy, một buổi tới trường, buổi còn lại bạn phải phụ giúp gia đình chăn trâu, cắt cỏ. Mùa đông quê bạn, cái lạnh buốt da buốt thịt.
Giữa cánh đồng mênh mông, bạn cảm tưởng như gió càng to thêm… cơ hội mà vần vũ, mà réo rắt trên làn da lũ mục đồng thơ trẻ. Đám bạn chăn trâu, nhà đứa nào cũng nghèo ơi là nghèo, trên người độc manh áo cộc mỏng manh. Rồi, chẳng biết là sáng kiến của ai, cứ mỗi lần đi chăn trâu thì có ngay một bếp lửa hồng tự chế được thắp lên giữa đồng.
Đứa kiếm củi vụn, đứa tìm rơm rạ khô. Bếp lửa thắp lên, lửa hồng ấm áp, tí tách reo vui, nhen lên bao ấm áp trong mùa đông lạnh giá. Ngồi bên bếp lửa mãi, có đứa lại nảy ra sáng kiến vùi khoai vào nướng chín và ăn. Thế là lần nào đi chăn trâu cũng có khoai nướng để ăn.
Khoai được mót dưới bãi, cạnh con sông bồi đắp phù sa màu mỡ. Lấy vội nắm rơm rạ chà chà cho sạch bớt đất rồi cho vào đống lửa đang cháy. Khi có khoai rồi thì dường như tâm trí của mỗi người không còn để tâm tới cái lạnh nữa mà dồn hết vào những củ khoai đang vùi trong bếp lửa.
Trên tay đứa nào đứa nấy đều cầm lấy một chiếc que thật dài, dùng để “thăm, thử” xem khoai đã chín hay chưa. Khi thấy vỏ khoai sém cháy và mùi thơm bốc lên thì lũ trẻ mới khều ra. Cũng có lúc khều ra vội, bẻ củ khoai ra, sượng trân rồi lại vội vàng vùi lại lớp than.
Cầm trên tay củ khoai nướng thơm lừng, bạn vẫn nhớ tới khoảnh khắc lúc đó. Thèm thuồng, háo hức vô cùng. Vì khoai mới khui ra từ bếp nên hơi nóng còn hầm hập, nếu vội vàng cầm thì bỏng tay như chơi. Đứa thì chuyền từ tay này tới tay khác, đứa lại dùng miệng thổi phù phù cho bớt nóng rồi mới bẻ củ khoai ra làm đôi.
Lúc khoai bẻ ra, mật ứa chảy vàng ươm, một mùi thơm khó cưỡng xộc lên ngào ngạt cả một không gian. Bạn khẽ cho một miếng vào miệng, vị ngọt lừ bám riết tận lưỡi, ăn đến miếng cuối cùng nhưng vẫn còn thòm thèm. Bạn nhớ cậu bạn tằn tiện hết sức, ăn khoai phải dùng hết mấy cái răng cửa cà sạch lớp thịt còn sót lại ở vỏ khoai cho đỡ tiếc.
Nhìn cách nó ăn bạn không tài nào nhịn cười nổi. Nó vừa nhồm nhoàm gặm vừa ước giá như ngày nào cũng được ăn khoai nướng, ăn thay cơm cũng được. Một cô bạn khác cũng từ những củ khoai nướng mà mơ ước sau này sẽ trở thành một người bán khoai. Thi thoảng câu chuyện cũ ngày xưa, đám bạn của bạn có dịp gặp lại vẫn nhắc nhớ, rôm rả cười nói lại vang lên, mùa đông tuổi thơ ùa về như mới ngày hôm qua.
Bạn lớn lên qua những mùa đông với những củ khoai nướng ngọt ngào như thế. Ký ức theo bạn lên phố. Trong những ngày chưa tìm gặp được quán của dì Tư, mùa đông bạn thao thức thèm vị khoai nướng biết nhường nào.
Với bạn, dù ăn khoai nướng qua bao nhiêu mùa, bao nhiêu lần khác nhau nhưng với quãng thời gian tuổi thơ là bạn cảm thấy ngọt ngào và đáng nhớ nhất. Lúc ngồi ăn khoai nướng nơi quán dì Tư, mắt bạn mơ màng, tâm hồn xao động nhớ về kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào.
Bạn thèm thật sự, một lần được trở lại cánh đồng mùa đông năm ấy với những khuôn mặt thân quen, với mùa đông lạnh giá, những buổi chiều gió thông thống thổi, bếp lửa được thắp lên, và những tiếng cười tinh khôi dịu dàng lan tỏa… cùng mùi khoai nướng thơm nồng…