Các đại biểu quốc tế, các chuyên gia GD và lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện (Bộ GD&ĐT), các Trường ĐH tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ cảm ơn Công ty Rising Stas - Vương quốc Anh đến với Việt Nam trao đổi kinh nghiệm xây dựng chương trình, phát triển tài liệu hướng dẫn dạy và học theo chương trình mới của Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết: Việt Nam đổi mới chương trình GD phổ thông theo hướng chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực của HS và thực hiện chủ trương có một chương trình, nhiều SGK là những việc mới.
Trong điều kiện như vậy chúng ta cần có những thay đổi trong việc xác định mối quan hệ giữa chương trình với SGK, giữa việc tổ chức dạy học với kiểm tra đánh giá theo chương trình giáo dục.
Bộ GD&ĐT, đặc biệt là bộ phận thường trực đổi mới chương trình SGK, Viện Khoa học GD Việt Nam, các trường sư phạm đã đi học tập kinh nghiệm nước ngoài, tổ chức các hội thảo để chúng ta có thể tiếp thu được kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm: Chúng ta cũng cần xác định đầy đủ và đúng hơn các tiêu chí đánh giá SGK theo chương trình giáo dục tiếp cận phát triển năng lực người học, phù hợp với điều kiện chung cả nước và điều kiện từng nơi khác nhau.
Vấn đề mới nữa là khi có nhiều SGK thì việc tổ chức lựa chọn SGK nào vào việc dạy học trong nhà trường cụ thể. Theo Nghị quyết 88, sẽ động viên nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, Bộ GD&ĐT tổ chức việc thẩm định SGK, hướng dẫn quy trình chọn SGK; việc chọn SGK là của các nhà trường dựa trên ý kiến của GV, có tham khảo ý kiến của phụ huynh, HS để hiệu trưởng quyết định chọn SGK. Làm thế nào để có hướng dẫn tốt việc tổ chức dạy học theo SGK hiệu quả.
Vấn đề khác, hiện nay chúng ta đang đổi mới chương trình SGK trong điều kiện thiết bị dạy học thiếu thốn, trong khi đó CNTT hỗ trợ rất nhiều cho việc này.
Tại Hội thảo nhiều kinh nghiệm và ý kiến đã được đưa ra như: Tổng quan về chương trình GD phổ thông mới của Anh và thực hiện ở các trường; SGK và nguồn học liệu; Tầm quan trọng của SGK và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước hiện nay; Chọn và mua thiết bị học tập như thế nào; Công nghệ trong GD và nguồn học liệu số hóa trong giảng dạy và học tập.
GS.TS Đinh Quang Báo - Ủy viên Hội đồng quốc gia GD và phát triển nhân lực - cũng đóng góp chuyên đề: "Dự thảo tiêu chí và quy trình đánh giá SGK mới của Việt Nam".
Nhìn chung, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SGK của một số nước tập trung tuân thủ hiến pháp và pháp luật; Cấu trúc và nội dung SGK; Tính sư phạm; Hình thức.
Do đó, đề xuất nội dung đánh giá SGK mới ở Việt Nam gồm các tiêu chí: Thể hiện chủ trương của Đảng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; Phù hợp và cụ thể hóa chương trình SGK giáo dục phổ thông, bảo đảm tính liên môn, phân môn và tính liên thông giữa các cấp học, các lớp; Cung cấp nội dung kiến thức; Hướng dẫn hoạt động học; Hỗ trợ hoạt động dạy; Ngôn ngữ; Ký hiệu; Quan hệ kênh chữ, kênh hình; Ứng dụng CNTT; Mỹ thuật và tiện ích sử dụng; Cấu trúc văn bản SGK.