Người viết sách giáo khoa phải có bản lĩnh

GD&TĐ - “Viết sách giáo khoa rất khó. Vì đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm nên người viết sách không chỉ phải là nhà khoa học, nhà giáo dục mà còn phải thực sự có bản lĩnh.” – đó là quan điểm của PGS.TS Mai Văn Hưng - Chủ nhiệm bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Người viết sách giáo khoa phải có bản lĩnh

-  PGS có thể nói rõ hơn yêu cầu đối với những người tham gia xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa?

Để có một bộ sách giáo khoa tốt, quan trọng nhất là người Tổng chủ biên. Tổng chủ biên là người kết nối tất cả các môn khoa học khác nhau để tạo thành một hệ thống; là người chọn lựa tác giả để viết các phần cụ thể, các môn cụ thể của sách giáo khoa.

Vì vậy, Tổng chủ biên phải có kiến thức tổng hợp, người này không chỉ giỏi về khoa học cơ bản mà phải giỏi về khoa học giáo dục. Không phải cứ nhà khoa học là viết được sách giáo khoa, cũng không phải cứ nhà giáo dục là viết được sách giáo khoa.

PGS.TS Mai Văn Hưng 

Tôi vẫn hay nói đùa, giáo trình có thể dễ viết, nhưng viết sách giáo khoa khó vô cùng. Từng câu, từng chữ ở trong đó phải mất rất nhiều công sức.

Bên cạnh đó, chương trình, sách giáo khoa cũng rất nhạy cảm với xã hội, nên ngoài kiến thức khoa học, kiến thức sư phạm, người viết chương trình, sách giáo khoa phải có bản lĩnh tốt, phải có khả năng phản biện tốt với các thông tin trái chiều, hoặc các thông tin ủng hộ mình.

- Liệu chúng ta có đủ lực lượng đáp ứng các yêu cầu như trên, thưa PGS?

Lực lượng của chúng ta không phải là thiếu, nhưng vấn đề là có tìm ra hay không, có tìm đuợc hết hay không. Đất nước này không thiếu nhân tài. Khi chúng ta tạo ra được một sân chơi, người tài sẽ xuất hiện.

- Là một nhà khoa học, đồng thời cũng là nhà sư phạm, PGS có thể góp ý gì cho việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới?

Chương trình chỉ có một, vì nó cần sự thống nhất về giáo dục cấp quốc gia. Còn sách giáo khoa có thể do nhiều đơn vị khác nhau viết, tùy theo khả năng của tổ chức đó.

Ví dụ, đơn vị viết sách giáo khoa có thể là nhà xuất bản, là các trường đại học, cũng có thể là các tổ chức khoa học kỹ thuật…

Nhưng dù là đơn vị nào cũng cần căn cứ vào chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành và dưới đó là chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT. Khi đó, chúng ta mới có một bộ sách giáo khoa tốt phục vụ cho một chương trình giáo dục chung nhất.

Tôi được biết, hệ thống các trường đại học trong nước đã có rất nhiều cuộc họp và đã đi đến thống nhất về chương trình đào tạo giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục. Với các cấp học từ tiểu học đến THPT, Bộ GD&ĐT cũng thực hiện rất nhiều hội thảo bàn về việc này.

Tôi cho rằng, công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay được thực hiện rất đồng bộ; đồng bộ từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên; kể cả cấp cơ sở cũng như tính logic của các nội dung kiến thức từ tiểu học đến trung học.

- Nói đến việc đào tạo giáo viên, theo PGS, để giáo viên tương lai tiếp cận, thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới, các trường sư phạm cần phải làm gì?

Trước đây, các trường đào tạo giáo viên thường ít quan tâm đến kết nối với trường phổ thông, đặc biệt là phổ thông cơ sở, vì trường đại học chủ yếu đào tạo giáo viên THPT. Tuy nhiên, một số năm trở lại đây, việc kết nối giữa trường sư phạm với trường phổ thông đã có những bước tiến triển. Và cá nhân tôi cho rằng, các trường đại học sư phạm hiện đã tiếp cận rất tốt với nhu cầu các trường phổ thông.

Chính vì cách tiếp cận rất tốt ấy tạo nên sự kết nối giữa đào tạo giáo viên ở trường đại học và sử dụng giáo viên ở trường phổ thông trong tương lai. Tôi cho rằng đây là điều rất thành công.

-  Dạy học tích hợp, liên môn là nội dung được tính đến trong chương trình, sách giáo khoa mới. PGS có thể cho biết, cần những yếu tố nào, ngoài việc chương trình, sách giáo khoa phải thiết kế cấu trúc theo nội dung định hướng tích hợp liên môn, để phương pháp dạy học này thực sự phát huy được hiệu quả?

Tôi cho rằng có 5 yếu tố. Thứ nhất, người giáo viên phải có bề rộng về kiến thức của nhiều môn học. Thứ 2, các bài giảng tích hợp liên môn phải rất hấp dẫn. Vì chỉ có sự hấp dẫn của bài giảng mới lôi kéo và tạo nên niềm đam mê ho học sinh. Khi học sinh có đam mê, việc dạy học tích hợp liên môn mới có hiệu quả.

Thứ 3, như trên đã nói, chương trình và sách giáo khoa phải được thiết kế cấu trúc theo nội dung định hướng tích hợp liên môn, để giáo viên căn cứ vào chuẩn đó thực hiện được vấn đề tích hợp, liên môn.

Thứ 4, các điều kiện cơ sở vật chất phải phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới ban hành. Khi đó mới tạo sự đồng bộ, giúp tích hợp, liên môn thành công.

Cuối cùng là vấn đề đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm phải có bước đột phá, đặc biệt đào tạo giáo viên dạy liên môn. Không chỉ đào tạo ở bậc đại học mà theo tôi cần đào tạo cả bậc thạc sĩ để tạo nên nhiều hơn nữa giáo viên dạy các môn khoa học, mà thực chất là các môn liên môn hiện nay.

- Xin cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ