Coi trọng khen thưởng để thúc đẩy nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và công bố quốc tế của Việt Nam đang được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới cũng được cải thiện nhờ vào các chính sách hỗ trợ khoa học thiết thực đến từ cơ quan quản lý Nhà nước và trường ĐH, trong đó có việc tăng cường chế độ khen thưởng.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Dược Hà Nội. Ảnh: Như Hùng
Nghiên cứu khoa học tại Đại học Dược Hà Nội. Ảnh: Như Hùng

Các trường chú trọng chính sách khen thưởng

Năm 2018, Bộ GD&ĐT ra quyết định số 2981/QĐ-BGDĐ về việc thưởng bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE năm 2017 với tổng số tiền thưởng là 5 tỉ đồng, mức thưởng tối thiểu cho một bài báo là 2 triệu đồng. Có 1.376 bài báo khoa học thuộc 28 đơn vị giáo dục được công bố. Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội dẫn đầu với 302 bài báo, nhận được gần 1,1 tỉ tiền thưởng của Bộ.

Tiếp nối chính sách khuyến khích khoa học của cơ quan quản lý Nhà nước cấp cao nhất, ĐHQG TPHCM đã hướng dẫn việc thưởng cho hoạt động khoa học công nghệ với mức thưởng tối đa 30 lần mức lương cơ sở cho một công trình (tương đương 40 triệu đồng). ĐHQG - HN cũng có cơ chế tương tự.

Trong các thành viên thuộc ĐHQG TPHCM, Trường Đại học Kinh tế Luật (UEL) là một trường chú trọng nghiên cứu khoa học điển hình khi ra quyết định ngày 18/9/2018 nâng mức thưởng lên gấp 14 lần.

Trước đó, bài báo khoa học đăng tạp chí ISI của một nhà khoa học thuộc UEL chỉ được thưởng 10 triệu đồng và đây là mức tối đa. Sang năm 2018, theo quy định mới, bài báo do nhà xuất bản uy tín ấn hành cũng được thưởng mức tối thiểu 20 triệu đồng. Riêng bài đăng tạp chí ISI đạt chất lượng khoa học theo tiêu chuẩn có thể nhận mức thưởng 140 triệu đồng.

Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG HN ngay từ năm 2010 đã có chính sách hỗ trợ 5 - 10 triệu đồng/bài báo quốc tế; 15 triệu đồng/bài đăng trên tạp chí thuộc ISI và Scopus có chỉ số trích dẫn cao. Năm 2018, nhà trường hỗ trợ từ 100 - 250 triệu đồng cho các sách chuyên khảo và kỷ yếu hội thảo khoa học được công bố quốc tế.

Ngoài các trường ĐH dựa vào sức mạnh hệ thống, các trường tự chủ đơn lẻ bắt đầu vươn lên khẳng định vị thế bằng chính sách khen thưởng.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM sẵn sàng chi từ 30 - 200 triệu đồng cho một bài công bố trên dữ liệu ISI, Scopus, ABDC. Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên tuyên bố thưởng 20 triệu cho cá nhân có công bố ISI mà không được hỗ trợ kinh phí của bất kỳ cơ quan nào.

Trường ĐH Duy Tân tuy là một trường ĐH địa phương ở Đà Nẵng nhưng luôn nằm trong top đầu danh sách nghiên cứu khoa học của cả nước. Mặc dù không thuộc hệ thống ĐHQG và mới nổi sau này nhưng Trường ĐH Duy Tân chi thưởng hàng năm cho các cá nhân có kết quả nghiên cứu xuất sắc từ 45 - 225 triệu đồng.

Ngoài mức thưởng hậu hĩnh, Trường ĐH Duy Tân còn áp dụng chính sách hỗ trợ thêm kinh phí 5 triệu đồng/tháng đối với giảng viên làm nghiên cứu sinh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Hoạt động khoa học được cải thiện nhưng bất cập vẫn còn

Nhờ các chính sách thiết thực, thành quả công bố quốc tế của nhiều trường ĐH được cải thiện trong một thời gian ngắn. Ở UEL, số lượng công bố quốc tế trong năm học 2017 - 2018 tăng đến 34 bài. Trường ĐH Tôn Đức Thắng dẫn đầu danh sách các trường ĐH Việt Nam có công bố đăng trên Scopus giai đoạn 2017 - 2018 với con số ấn tượng gần 1.200 bài. Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG HN cũng tăng thêm 22 bài công bố quốc tế so với năm 2017.

Số lượng công bố trên ISI của Việt Nam không ngừng tăng trưởng, vị thế khoa học vì thế cũng được cải thiện liên tục từ năm 2013 đến nay, chỉ xếp sau Thái Lan, Malaysia và Singapore tại khu vực ASEAN, dịch chuyển từ hạng 66 lên hạng 49 thế giới.

Mặc dù quá trình nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế được cải thiện nhờ các chính sách tiến bộ nhưng quan sát bảng đồ khoa học Việt Nam sẽ thấy thành quả chỉ được phân chia vào một số trường trọng điểm và điều này đã duy trì từ nhiều năm qua. Các chuyên gia cũng đánh giá hoạt động khoa học ở các trường ĐH còn gặp một số bất cập.

GS.TS Nguyễn Thị Cành của UEL thừa nhận trong tài liệu về Công bố quốc tế do ĐHQG TPHCM ấn hành hồi đầu tháng 1/2019 như sau: “Trong các trường ĐH, đa số giảng viên dành thời gian cho nghiên cứu ít, do ít đam mê, thu nhập từ nghiên cứu thấp so với thu nhập giảng dạy. Nghiên cứu có phạm vi quá rộng, không chuyên sâu, cách tiếp cận chủ yếu dựa vào tài liệu quá khứ, tổng hợp lại các ý kiến trước đó”.

Năng lực tiếng Anh học thuật hạn chế, thiếu kỹ năng viết bài chuyên môn, không có tinh thần phản biện, thiếu sự đầu tư thỏa đáng về thời gian, sức lực và chất xám là những yếu tố khiến cho bài viết của các nhà khoa học Việt Nam được đăng tải ít hơn các nước khác.

Một nhà khoa học khác từ UEL là PGS.TS Phan Đức Dũng cũng khẳng định nếu tác giả nghiên cứu chỉ được đào tạo trong nước thì việc công bố quốc tế gặp rất nhiều khó khăn so với các trường hợp được đào tạo từ nước ngoài, nhận sự hỗ trợ từ các nhà khoa học trên thế giới trong quá trình học tập và nghiên cứu.

Tài liệu về Công bố quốc tế của ĐHQG TPHCM cũng chỉ ra có nhiều viện nghiên cứu sở hữu hàng chục cơ sở nghiên cứu, đội ngũ khoa học hùng hậu nhưng chỉ đóng góp khoảng hơn 10 công trình. Hoặc có nhà khoa học tích cực đóng góp nhưng lại không được xem xét đầy đủ trong quá trình bình duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.