Tối muộn, ông anh gọi điện hồ hởi:
- Chuẩn bị cho anh vay ít tiền sửa cái nhà nhé. Xập xệ bao năm nay rồi. Khổ quá.
- Nhà anh đang “dính” quy hoạch, ai cho sửa mà sửa?
- Có quy định mới rồi, được cấp phép xây dựng rồi chú ạ...!
- Ơ, thế à. Chúc mừng anh chị...!
Bởi theo quy định tại Mục 5, Khoản 33, Điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 quy định “Điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm thời” thì trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn là thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ.
Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai...
Nôm na, quy hoạch treo là quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, đã công bố nhưng không thực hiện. Và trước đây, công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực này “thường” sẽ không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới, chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.
Thực tế, quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho nhà ở riêng lẻ thuộc quy hoạch trên không phải mới mà đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch năm 2018. Chỉ có điều, vì chưa có quy định cụ thể nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thực hiện được. Thực tế nữa là hầu hết 63 tỉnh, thành trên cả nước đều có quy hoạch treo. Vấn đề chỉ là ít hay nhiều và thời gian “treo” là bao lâu mà thôi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là bởi chất lượng một số quy hoạch còn thấp, chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực. Là bởi quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rất rộng nhưng không tính toán nên không có nguồn lực để đầu tư. Là do công tác lập quy hoạch chưa gắn với xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn...
Nguyên nhân là thế. Cái khó, cái khổ khi “dính” quy hoạch treo không chỉ người trong cuộc mà cả người ngoài cuộc đều biết. Hệ lụy của quy hoạch treo cũng đã quá rõ ràng. Thế nhưng để tháo gỡ không phải đơn giản. Ngoài những quy định của pháp luật mang tính “cởi trói”, điều quan trọng là các địa phương phải có “thái độ” rõ ràng, quyết liệt: Xóa bỏ quy hoạch khi không thể thực hiện, tiến tới chấm dứt tình trạng “đánh trống, ghi tên”, “xí chỗ” để dành...