“Cởi trói” cho ngành Giáo dục

GD&TĐ - “Ngành GD đang bị trói tay, trói chân ở một số việc, không được toàn quyền hành động trong lĩnh vực tài chính, nhân sự - hai yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những thành công “GD là quốc sách hàng đầu” không chỉ là luận điểm mang tính khẩu hiệu, mà thấm vào xương thịt những người có trách nhiệm soạn thảo những văn bản cho Nhà nước” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý GD, nhận định khi phân tích thực trạng quản lý Nhà nước (QLNN) trong GD hiện nay.

Để GD-ĐT thực sự đổi mới mạnh mẽ, ngành GD phải có quyền tự chủ cả về nhân sự lẫn tài chính. Ảnh: K.L
Để GD-ĐT thực sự đổi mới mạnh mẽ, ngành GD phải có quyền tự chủ cả về nhân sự lẫn tài chính. Ảnh: K.L

Luật giằng xé…luật

Theo PGS Đặng Quốc Bảo, trong QLNN tổng thể có quản lý về chuyên môn học thuật; về nhân sự; tài chính. Trong thực tế, ngành GD đang rơi vào một nan đề khi chỉ được quản lý về chuyên môn, không được quản lý về người và tiền một cách trọn vẹn. “Câu chuyện của QLNN trong GD giống như hình ảnh của một gia đình bảo con phải tự chủ hàng ngày để rèn luyện, nhưng không được tự chủ ăn, uống. Lúc muốn ăn thì phải hỏi ý kiến mẹ, muốn uống thì phải hỏi bố. Như vậy thì làm sao đứa con rèn luyện được?” - PGS Đặng Quốc Bảo băn khoăn.

Giờ học Tiếng Anh của HS Trường THP Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: T.G
  • Giờ học Tiếng Anh của HS Trường THP Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: T.G

Vị chuyên gia về quản lý GD nhìn nhận, nhu cầu vô cùng bức thiết hiện tại là ngành GD phải được tự chủ về ngân sách, nhân lực. Chỉ tính riêng về việc nhận người đúng năng lực, khai trừ những nhân viên không đạt, đã có Luật GD, Luật Lao động, Luật Viên chức… nhưng thực tế triển khai thì Luật này lại giằng xé với luật kia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh phải xây dựng Nhà nước kiến tạo và liêm chính, thực tế cho thấy, Nhà nước của chúng ta đang tiến tới hai mục tiêu này. Nhưng chỉ có thể trở thành Nhà nước kiến tạo và liêm chính bền vững khi có nền GD kiến tạo. Muốn có nền GD kiến tạo, nền GD đó phải được tự chủ một cách hài hòa trên cả 3 phương diện: Học thuật, tài chính và nhân sự.

 
PGS Đặng Quốc Bảo

Nói một cách khác, ngành GD đang không được tự chủ để làm đúng mục tiêu mà Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD - ĐT đặt ra khi vấp phải những nút thắt, điểm nghẽn, trở thành bước cản trong những quyết sách của ngành. Giống như lưu thông trên đường, cỗ xe GD có tốc độ chưa được nhanh vì cứ đi một đoạn lại gặp nút thắt, điểm nghẽn. Theo đó, kết quả của đổi mới GD không diễn ra theo đúng tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện.

Đưa ra một ví dụ về việc nếu được chủ động về nhân sự, ngành Giáo dục đã có những thành tựu rực rỡ trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn gian khổ, PGS Đặng Quốc Bảo nhắc đến Trường Bắc Lý, Trường Thanh niên Lao động Xã hội Hòa Bình…, những tượng đài về GD đã làm rất tốt cả về phương diện đào tạo nhân cách và chi tiêu. Lúc đó có những Giám đốc Sở GD&ĐT (hồi đó gọi là Trưởng Ty GD) tuyệt vời, ông Phạm Xuân Phơ, Trưởng ty GD Hà Nam, một con người có tầm nhìn rộng, thoáng. Đội ngũ GD hồi đó do chính ngành GD, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chọn và bổ nhiệm.

Làm sao để đồng tiền “nhảy múa” một cách minh bạch?

Về tài chính trong GD, PGS Đặng Quốc Bảo cho rằng đối với các nhà trường, các cơ sở GD, bên cạnh quản lý, phải chú ý đến quản trị. “Trị” ở đây là hưng trị, thịnh trị - điều hành đơn vị làm sao để làm cho “đồng tiền nhảy múa” một cách minh bạch, công khai, chất lượng đào tạo được nâng cao, đời sống của GV được tốt hơn. Trên nguyên tắc chung, ở các nước, hiệu trưởng được giao trách nhiệm tối đa về sản phẩm đào tạo ra, căn cứ vào định mức đào tạo có toàn quyền sử dụng tài chính cho mục tiêu đặt ra. Nếu làm sai, phạm vào các chế tài, quy định chi tiêu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước xã hội, trước cấp trên. Các nước có quy định vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng về tài chính cho GD như vậy.

HS Trường THPT Lâm Bình (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) trong giờ học Tiếng Anh. Ảnh: T.G
  • HS Trường THPT Lâm Bình (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) trong giờ học Tiếng Anh. Ảnh: T.G

Còn ở Việt Nam, ngân sách Nhà nước dành cho GD là 20%, trong đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có quyền trong 4%. Số tiền còn lại không rõ địa phương làm gì, như thế nào, hiệu quả đến đâu, có rót đúng vào nơi cần, nơi thiếu hay không, chưa kể đến việc thiếu công khai, liêm chính. Theo PGS Đặng Quốc Bảo, những con số này cho thấy tự chủ tài chính của ngành GD là rất hình thức. Ngành GD làm sao đổi mới căn bản, toàn diện được với số tiền được quyền chủ động hạn hẹp như vậy? Đòi hỏi GD phải đổi mới mạnh mẽ, nhưng các Luật định, quy định chính sách lại không tính tới điều kiện cho GD được tự chủ trọn vẹn.

Rõ ràng, GD Việt Nam đang bị hạn chế bởi không được giao quyền trọn vẹn về nhân sự và tài chính. Không giao cho ngành GD một quyền tương đối để quản trị được tốt. “Luật còn có bất cập, hạn chế, chúng ta phải sửa. Làm sao để giao cho các nhà trường tự chủ và giải trình trách nhiệm trước xã hội. Tự chủ như tay ga, còn giải trình trách nhiệm trước xã hội như tay phanh. Ga càng bốc thì phanh phải thật ăn. Nên mạnh dạn giao quyền về nhân sự, về tài chính cho ngành GD” - PGS Đặng Quốc Bảo đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ