Cô trò sáng chế nước tẩy rửa đa năng từ quả dứa và bồ hòn

GD&TĐ - Từ nguyên liệu chính là quả dứa kết hợp với bồ hòn và sả, nhóm giáo viên Trường THCS Lê Thành Công (TPHCM) đã sáng chế nước tẩy rửa đa năng.

Sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ của nhóm giáo viên.
Sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ của nhóm giáo viên.

Loại nước tẩy rửa đa năng này đạt hiệu quả cao, an toàn cho da và môi trường.

Tận dụng rác thải hữu cơ

Cô giáo Đặng Hồng Trúc Linh, nhóm giáo viên Tổ Lý - Hóa - Sinh, Trường THCS Lê Thành Công cho biết, các nguyên liệu sinh học được nhóm lựa chọn là quả bồ hòn, quả dứa và thân cây sả. Với công thức pha chế bảo đảm chất lượng đã cho ra sản phẩm có thời gian bảo quản lâu hơn.

Quả bồ hòn chứa nhiều saponin (khoảng 18%). Các saponin trong dược liệu đều có dược tính mạnh như Sapindosid A, B, E, E1, C, Y2, X, Y… Ngoài ra hạt bồ hòn còn chứa 9 - 10% dầu béo.

Enzym bồ hòn vừa có khả năng tẩy rửa, làm sạch, vừa chứa lượng lớn vitamin C, rất tốt cho da. Vitamin C có khả năng detox giải độc da, ngăn ngừa lão hóa. Enzym bồ hòn vừa có khả năng tẩy rửa, làm sạch, vừa chứa lượng lớn vitamin C, rất tốt cho da.

Quả dứa (thơm) có một chất men tiêu hóa là bromelin (tập trung nhiều ở lõi trắng của chồi dứa). Bromelin có thể thủy phân trong vài phút một lượng protein bằng 1.000 lần trọng lượng của nó, có thể so sánh được với pepsin và papain. Dịch chiết bromelin ở pH 3,5 sau khi đun sôi 60 phút vẫn còn hoạt tính.

Ngoài ra trong dứa còn có iod, mangan, potassium, magnesium, calcium, sắt, lưu huỳnh (sulfur), phosphorus. Bên trong vỏ dứa có chứa thành phần enzym có khả năng làm sạch tương tự nước rửa chén, nhưng lại an toàn cho sức khỏe người dùng, thân thiện với môi trường và có chi phí rẻ hơn.

Quy trình làm ra nước tẩy rửa sinh học khá đơn giản. Nguyên liệu được chọn và xử lý, sau đó ủ lên men, cho vào lọc để pha chế. Nguyên liệu ban đầu cần được làm sạch để loại đi các chất bẩn, giúp quá trình lên men được dễ dàng, tránh bị hỏng. Bồ hòn mua loại đã lột vỏ và bỏ hạt. Vỏ dứa rửa sạch cắt lát mỏng. Sả rửa sạch và đem đập dập, cắt khúc nhỏ khoảng 3cm.

Ủ lên men là bước quan trọng, quyết định đến chất lượng của nước rửa. Cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào thùng, đảo đều, đậy nắp. Dán nhãn, ghi ngày sản xuất lên thùng chứa để dễ dàng kiểm tra và theo dõi thời gian lên men. Trong 7 đến 10 ngày đầu, đảo đều thùng mỗi ngày 1 lần.

Đậy kín nắp thùng sau khi đảo. Trong quá trình lên men, bề mặt hỗn hợp ủ có một lớp màu trắng, đây là xác vi sinh vật nổi lên. Khi tiếp tục đậy kín lại sau vài tuần váng trắng sẽ hết và không ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm lên men.

An toàn cho môi trường và sức khỏe

Theo nhóm tác giả, thời gian ủ và lên men khoảng từ 40 - 45 ngày. Khi kiểm tra thấy dung dịch có mùi thơm, hơi chua đặc trưng là nguyên liệu lên men đã phân hủy hoàn toàn.

Dùng vải loại bỏ phần bã thực vật và chiết ra các chai nhỏ ta được dung dịch nước tẩy rửa thô. Để dung dịch sau 1 - 2 ngày để phần cặn lắng xuống rồi tách chiết lấy phần dung dịch trong suốt phía trên và dùng để sản xuất nước rửa chén bát, nước lau kính, nước lau nhà...

Phần dung dịch có chứa cặn phía dưới được dùng để rửa bồn cầu, thông cống rãnh… Còn phần bã thực vật được sử dụng làm phân bón cũng có tác dụng cải tạo đất tốt.

Để xác định chất saponin có nhiều cách, nhóm dựa trên các tính đặc trưng của nó, đơn giản nhất là sự hình thành bọt cho sản phẩm. Dựa vào chỉ số bọt là độ pha loãng của nước sắc nguyên liệu cột bọt cao trên 1 cm sau khi lắc trong ống nghiệm, tiến hành qua nhiều phép thử và so sánh.

Dung dịch nước tẩy rửa sinh học từ thiên nhiên không có chất tạo đông, chất tạo bọt saponin từ tự nhiên có thể sử dụng để rửa bát, lau nhà, rửa kính, lau chùi nhà bếp một cách dễ dàng, an toàn. Ngoài đặc tính an toàn với da tay, sản phẩm còn giúp khử sạch mùi tanh, các vết dầu, mảng bám cứng đầu trên chén bát, đồ dùng ăn uống…

Để chứng minh độ an toàn, sau mỗi lần rửa chén hay nước đã qua tẩy rửa, nhóm lấy nước đi tưới rau cải và rau muống… đang trồng trong vòng 2 tuần. Qua quan sát cho thấy những cây rau đã được tưới bằng nước tẩy rửa này vẫn xanh tốt.

Theo cô Đặng Hồng Trúc Linh, dù có các ưu điểm như vậy, song nhược điểm của sản phẩm là thời gian bảo quản không dài, chỉ từ 15 - 20 ngày khi để ở nhiệt độ phòng và khoảng 35 - 40 ngày khi bảo quản trong tủ lạnh.

Sản phẩn còn ít bọt nên lượng nước sử dụng mỗi lần nhiều hơn khi sử dụng nước tẩy rửa hóa chất. Hiện, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra công thức hiệu quả hơn, thời gian bảo quản lâu hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ