Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản phát hiện ra rằng một loại thuốc kháng viêm nonsteroid có thể ngăn chặn sự lây lan của bệnh ung thư ở chuột và cũng làm giảm sức đề kháng của bệnh với hóa trị liệu.
Kết quả này làm tăng hy vọng về liệu pháp chữa căn bệnh ung thư đã giết chết hơn 5.000 người ở Anh chỉ riêng trong năm 2014.
Ung thư bàng quang có thể chia thành hai loại: ung thư không xâm lấn cơ, với tỷ lệ 90 phần trăm sống sót trong 5 năm, và ung thư xâm lấn cơ, ở giai đoạn 4 có tỷ lệ 10 phần trăm sống sót sau năm năm.
Loại ung thư sau thường được điều trị với thuốc chống ung thư phổ biến như cisplatin, tuy nhiên bệnh có xu hướng kháng thuốc theo thời gian và lây lan đến các cơ quan khác.
Tuy nhiên, trong các thử nghiệm tại Đại học Hokkaido, các tế bào ung thư bàng quang của người được gắn với một enzym phát sáng, cho phép các nhà khoa học theo dõi phản ứng của các tế bào với thuốc. Sau đó, các tế bào này được tiêm cho chuột. Ở chuột, các tế bào bắt đầu sinh sôi và sau 45 ngày khối u di căn đã thấy ở gan, phổi và xương.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiêm axit flufenamic, là loại thuốc đôi khi được dùng để điều trị cảm lạnh, đã làm giảm khuynh hướng xâm lấn của các tế bào ung thư và lại làm cho các loại thuốc hóa trị có hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Shinya Tanaka, nghiên cứu mới nhất này có thể mở đường cho các cơ sở y tế sử dụng axit flufenamic, là loại thuốc chữa cảm rẻ hơn nhiều, bất ngờ được chứng minh là có hiệu quả chống lại bệnh ung thư.
Ung thư bàng quang là loại ung thư đứng thứ chín gây tử vong nhiều nhất ở châu Âu. Có khoảng 165.100 người tử vong do bệnh này trên toàn thế giới trong năm 2012.