Tuy nhiên, bản án phúc thẩm này của TAND tỉnh Thái Nguyên được dư luận quan tâm và gây nhiều tranh cãi về tính công bằng. Khi xảy ra tai nạn, cơ quan chức năng đã đo nồng độ cồn đối với 2 tài xế và xác định bị cáo Sơn có sử dụng rượu bia, còn bị cáo Hoàng thì không.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng, bị cáo Hoàng đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ nên khi 2 xe cách nhau 30m mới phát hiện xe Innova đang lùi, lúc đó mới nhấn phanh. Việc này vi phạm Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ; bị cáo Hoàng phạm lỗi vô ý do quá tự tin. Tòa phúc thẩm tuyên phạt Ngô Văn Sơn án 9 năm tù; Lê Ngọc Hoàng án 6 năm tù.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Lê Minh Thắng - Giám đốc Công ty Luật K và cộng sự, cho rằng: “Dư luận vẫn đang hoài nghi về tính công bằng của bản án mặc dù đã được xét xử qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ và điều này chắc chắn phải được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Bị cáo Hoàng có quyền làm đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, vì bản án hiện còn nhiều khuất tất cần phải làm rõ hơn”.
Theo luật sư Thắng, khi xem xét vụ việc này đầu tiên cần phải xem xét hành vi của bị cáo Sơn bởi tại thời điểm xảy ra tai nạn bị cáo Sơn đã không kiểm soát được tình hình khi vượt quá lối rẽ khỏi đường cao tốc, sau đó cho xe lùi lại. Về mặt chủ quan, cần phải xem xét về tốc độ lùi. Về mặt khách quan, lái xe còn phải chịu áp lực tâm lý của camera giám sát hành trình trên cao tốc và sự giám sát của cảnh sát giao thông. Ngoài ra tầm nhìn cũng hạn chế do điều khiển xe đi lùi.
“Bên cạnh đó, bị cáo Sơn khi tham gia giao thông đã sử dụng rượu bia, vi phạm Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ nên không thể nói lúc đó Sơn kiểm soát được tình hình, gây nguy hiểm cho các xe đi phía sau. Việc Bản án cho rằng một phần do lỗi của bị cáo Hoàng do không làm chủ được tốc độ vì không giữ khoảng cách an toàn khiến tôi thấy khó hiểu vì việc giữ khoảng cách chỉ khi hai xe chạy trên cùng 1 chiều và cùng tịnh tiến. Nhưng ở đây xe Innova lại lùi một cách mất kiểm soát như vậy nên việc 2 xe đâm vào nhau là điều đương nhiên” - luật sư Thắng phân tích.
Luật sư Thắng phân tích thêm, trong trường hợp này không thể buộc xe của bị cáo Hoàng phải giữ khoảng cách, vì nếu muốn giữ khoảng cách với một xe chạy lùi như vậy thì xe container bắt buộc cũng phải chạy lùi. Qua đây, có thể thấy công tác khám nghiệm hiện trường có nhiều bất cập như chưa đo được tốc độ của xe Innova khi đang chạy lùi và xe Innova có ra hiệu nguy hiểm khi cho xe chạy lùi như vậy hay không.
Cũng theo luật sư Thắng, đối chiếu với các quy định của pháp luật, cần phải coi đây là sự kiện bất ngờ do bị cáo Hoàng không buộc phải thấy trước hậu quả của việc đâm vào xe Innova. Khi phát hiện xe Innova đang lùi như vậy, căn cứ vào vệt phanh để lại tại hiện trường cho thấy bị cáo Hoàng đã làm hết khả năng của mình để tránh va chạm.
Từ những phân tích nêu trên của luật sư Lê Minh Thắng, cho thấy vụ việc này cần phải xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án, đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan các chứng cứ. Nếu thấy rằng kết luận trong bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án thì cần phải được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để bảo vệ sự công minh của pháp luật.