Cơ sở II Trường ĐH Ngoại Thương tại TPHCM đón nhận Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT

GD&TĐ - Sáng 23/4, Cơ sở II của Trường ĐH Ngoại Thương tại TPHCM đã tổ chức lễ đón nhận Cờ thi đua, bằng khen của Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giảng dạy và NCKH.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT PGS.TS Nguyễn Văn Phúc trao bằng khen và Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho Cơ sở II Trường ĐH Ngoại Thương tại TPHCM
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT PGS.TS Nguyễn Văn Phúc trao bằng khen và Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho Cơ sở II Trường ĐH Ngoại Thương tại TPHCM

Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT PGS.TS Nguyễn Văn Phúc cùng đại diện các Vụ, Cục của Bộ.  

Chia sẻ về kết quả hoạt động giảng dạy của Cơ sở II, PGS.TS Bùi Anh Tuấn- Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Thương (FTU) cho biết: Với tầm nhìn “trở thành đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á” và mục tiêu chiến lược “trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Trường ĐH Ngoại Thương đã không ngừng đổi mới các chính sách KH&CN thời gian qua nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tri thức, công nghệ.

“Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu và lộ trình trên, thời gian qua ĐH Ngoại Thương đã đầu tư đột phá cho các Chương trình NCKH theo 4 hướng nghiên cứu mũi nhọn hướng tới gia tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế, đào tạo các nhà khoa học trẻ, hợp tác để thực hiện nghiên cứu liên ngành. 4 hướng nghiên cứu mũi nhọn gồm: Đổi mới thể chế kinh tế, xã hội hướng tới phát triển bền vững; Đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp; Kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội; Tái cơ cấu và đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Song song đó là công tác hỗ trợ thúc đẩy NCKH. Hiện trường có mức tài trợ kinh phí bình quân hơn 1 tỉ đồng/chương trình nghiên cứu nhóm 1 và hơn 500 triệu đồng/chương trình nghiên cứu nhóm 2.

Kết quả của sự quyết liệt và không ngừng đổi mới là chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư có trọng điểm, số lượng bài báo công bố quốc tế tăng 4 lần trong 5 năm, từ 34 bài năm 2016 lên 126 bài năm 2021, trong đó có 92 bài thuộc danh mục ISI/Scopus. Chỉ số H-index của các bài báo quốc tế ở mức cao là 18. Nhiều bài báo nằm trong số 1% các bài báo có ảnh hưởng nhất trong các lĩnh vực nghiên cứu thuộc danh mục Scopus.

Đặc biệt, Nhà trường đã thành lập 25 chương trình nghiên cứu. Các chương trình nghiên cứu đăng ký hơn 90 công bố quốc tế”- PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc phát biểu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc phát biểu.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết thêm: Không chỉ thúc đẩy hoạt động NCKH nơi giảng viên, Trường ĐH Ngoại Thương cũng đã triển khai nhiều giải pháp đột phá trong NCKH nơi sinh viên như: Xây dựng Working Paper Series công bố các kết quả NCKH của người học; Giao cho sinh viên làm chủ nhiệm và cấp kinh phí nghiên cứu các chuyên đề nghiên cứu; Thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho sinh viên làm chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở. Trong đó, Cơ sở II tại TP.HCM đã và đang đi tiên phong trong nhiều hoạt động của Nhà trường.

“Các viên chức, giảng viên Cơ sở II tại TPHCM đã đăng ký 7 chương trình nghiên cứu với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng, gần 30 công bố quốc tế. Từ năm 2016, đã triển khai 82 đề tài các cấp; Nhiều đề tài do các tổ chức, doanh nghiệp đặt hàng và chuyển giao tri thức cho cộng đồng, doanh nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2016, sinh viên của cơ sở II tại TP.HCM đã đạt được 10 giải thưởng sinh viên NCKH cấp Bộ. Đây thật sự là nền tảng và lực đẩy rất lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường”- PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ghi nhận và chúc mừng Cơ sở II của Trường ĐH Ngoại Thương tại TPHCM khi đã không ngừng nỗ lực đổi mới trong dạy và học để giữ vững thương hiệu trong đào tạo, NCKH.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận trong chặng đường hơn 20 năm hoạt động của mình, Cơ sở II Trường ĐH Ngoại Thương tại TPHCM không chỉ thể hiện sự nỗ lực bền bỉ trong công tác đổi mới hoạt động NCKH, giảng dạy mà còn thể hiện rất rõ và kiên định những định hướng phát triển của đơn vị khi không chỉ bó hẹp các hoạt động đào tạo, giảng dạy, NCKH trong phạm vi ban đầu mà đã mở rộng, thích ứng với sự thay đổi của hệ thống GDĐH trong nước và khu vực…Để từ đó giữ vững những thành quả trong suốt chặng đường dựng xây và phát triển.

Cơ sở II, Trường ĐH Ngoại Thương tại TPHCM đạt nhiều thành tích xuất sắc trong năm học 2020-2021
Cơ sở II, Trường ĐH Ngoại Thương tại TPHCM đạt nhiều thành tích xuất sắc trong năm học 2020-2021

“Nhìn vào những thành quả mà Trường ĐH Ngoại Thương nói chung, Cơ sở II tại TP.HCM nói riêng có thể thấy sự nỗ lực của tập thể đội ngũ CBQL, sư phạm của Nhà trường là rất đúng hướng. Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu quan trọng là đến năm 2030 phải đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á, đến năm 2045 phải đạt trình độ tiên tiến của thế giới và là nước có thu nhập cao.

Để đạt mục tiêu đó, ngành giáo dục nói chung, hệ thống GDĐH nói riêng xác định 3 trụ cột chính để thực hiện gồm: Quản trị đại học, NCKH và Đào tạo. Trường ĐH Ngoại Thương đang đi đúng và thực hiện đúng mục tiêu chiến lược chung của toàn ngành ”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Theo Thứ trưởng, để trở thành nước có thu nhập cao như mục tiêu đặt ra thì yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy nền kinh tế là yêu cầu bắt buộc. Vai trò của các trường đại học trong công tác đào tạo hết sức quan trọng.

"Trường ĐH Ngoại Thương đã và đang chứng minh rất rõ cho xã hội về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của mình khi có tới 99,2% sinh viên sau tốt nghiệp 6 tháng có việc làm. Các hoạt động thúc đẩy công tác NCKH nơi giảng viên, sinh viên mạnh mẽ trong thời gian qua đã và đang là nền tảng vững chắc để trường thực hiện các mục tiêu chiến lược về chất lượng, và xếp hạng trong học thuật quốc tế.

Trên cơ sở và nền tảng Nhà trường đã xây dựng, tôi mong muốn Trường ĐH Ngoại Thương đi nhanh hơn. Thực tế, với những thành tựu mà Nhà trường đã đạt được trong 5 năm qua (tạm gọi là giai đoạn thử nghiệm) Nhà trường nên mạnh mẽ thực hiện tốt các mục tiêu, lộ trình mà mình đã đề ra như tham gia sâu vào bảng xếp hạng các trường đại học tại Châu Á cũng như gia tăng chỉ số học thuật quốc tế"- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ