-Thưa ông, mới đây ca khúc “Phiếu bé ngoan” được phát hành rộng rãi trên các trang nhạc online khiến khán giả vô cùng bức xúc bởi những ngôn từ trong ca khúc quá tục tĩu, phản cảm.
Tuy nhiên, những ca sĩ thể hiện ca khúc này lại cho rằng ca khúc của họ không hề tục tĩu và phản cảm mà nó là âm nhạc hiện đại đáp ứng thị hiếu giới trẻ và âm nhạc này cũng đang được phổ biến ở Châu Âu. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
-Theo tôi, họ đang cố tình ngụy biện cho hành động sai trái và sở thích lệch chuẩn của mình. Thậm chí, sự ngụy biện của họ cũng đang xúc phạm tới giới trẻ, tới nghệ thuật âm nhạc và nền văn hóa Việt Nam. Âm nhạc và nghệ thuật luôn hướng đến những cái chân-thiện-mỹ, hướng người nghe tới những điều tốt đẹp.
Đa số giới trẻ đều có hoài bão, khát vọng vươn lên những thành tựu, những đích tốt đẹp mà họ hướng tới, để báo hiếu những bậc sinh thành, những người nuôi dưỡng và trách nhiệm công dân của một đất nước bằng tình yêu, tinh thần lao động, hành động yêu nước chứ không phải là những ca từ “bẩn” gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ, tới xã hội như vậy.
Nếu họ cho rằng thứ âm nhạc của mình là hay, là đẹp và đáp ứng thị hiếu giới trẻ vậy tại sao đa phần ý kiến người nghe mà đặc biệt là các bạn trẻ lại phản ứng dữ dội, lại quay lưng với thứ âm nhạc đó của họ?
Còn nói là thứ âm nhạc này đang được phổ biến ở châu Âu thì quả là sai lầm vì không có một đất nước nào lại đi cổ súy cho những thứ âm nhạc “bẩn”, “rác” và thô tục như vậy cả.
Nó chỉ là cái đơn nhất, phần ít phổ cập nhất mà một bộ phận rất nhỏ những người trẻ nhận thức lệch lạc tạo ra để đạt được thỏa mãn cá nhân và không chỉ ở Việt Nam, các nước phương Tây cũng đang lên án gay gắt hành động này.
Cá nhân tôi từng học, nghiên cứu và giảng dạy văn hóa nghệ thuật và âm nhạc 15 năm ở Nhạc viện P.Tchaikovsky Kiev mà chưa một lần nghe những thứ đó nơi công cộng chứ chưa nói gì trong môi trường nhạc viện.
Tuy nhiên, không loại trừ là không có những thứ đó ở Phương Tây, hay Âu, Mỹ. Tuy nhiên tôi khẳng định là chỉ tồn tại đâu đó ở những góc khuất và tối của văn minh con người.
Vì sao ở phương Tây có nhiều cái văn minh tốt đẹp thì lại không học hỏi, không bắt chước mà lại đi học hỏi những thứ bậy bạ, rác rưởi rồi mang về Việt Nam và đưa lên mạng để bắt mọi người nghe những thứ bậy bạ, rác rưởi đó.
Tự do của cá nhân không phải là việc tước bỏ tự do của người khác để thỏa mãn bản thân. Sống trong một cộng đồng thì việc cần thiết là phải tôn trọng nhau, tôn trọng những quy ước của xã hội.
Ai đó muốn được thể hiện bản thân, muốn được tự do làm những thứ mình muốn, mình thích nhưng không được lấy đi cái tự do của người khác bằng cách sáng tác và phổ biển những ca khúc tục tĩu, xấu xa như thế để đưa ra xã hội.
-Trước đây thì ca khúc “Phiếu bé ngoan 1” khi phát hành cũng từng bị lên án vì những ca từ dung tục, mô tả hành vi tình dục nhưng chưa bị nhắc nhở gì cả nên họ đã tiếp tục cho ra mắt “Phiếu bé ngoan 2” và nghĩ rằng chắc cũng chẳng bị “sờ gáy” đâu.
Tuy nhiên, khi báo chí, Bộ VHTTDL vào cuộc và có những động thái kiểm tra, xử lý thì các ca sĩ thể hiện ca khúc ngôn từ tục tĩu đó lại phản ứng khá dữ dội và thậm chí là thách thức cả Bộ khi cố lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình. Ông nghĩ sao về hành động này?
Thật đáng buồn cho những gia đình nào có những người con như vậy. Tôi không hiểu các bậc sinh thành có biết những việc làm của con mình hay không, hay họ ủng hộ những việc làm sai trái đó mà để con mình “ngông cuồng” như thế.
Nếu tài năng của họ tập trung để đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội, những sáng tạo của họ khích lệ và cổ súy cho cuộc sống ngày càng phồn vinh của con người thì họ sẽ được xã hội trân trọng biết bao .
Còn chuyện thách thức các cơ quan quản lý nhà nước thì càng vô lý, vô trách nhiệm. Mình đã làm sai rồi thì phải biết nhận lỗi, đằng này làm sai mà không dám nhận lại còn đi thách thức thì quả là không thể chấp nhận được.
Ca sĩ Yanbi có ý thách thức cơ quan chức năng về việc xử lý ca khúc thô tục của mình. |
- Được biết các ca sĩ này dự định quay Video clip cho ca khúc và đưa những hình ảnh như: em bé thích chơi game Contra bắn súng hay em bé mơ mộng làm siêu nhân và hiệp sĩ spatan với 1 thanh kiếm sắc bén... để mô tả cho những ngôn từ trong ca khúc của mình như một minh chứng về việc ca khúc họ sáng tác và thể hiện không hề tục tĩu. Như vậy có chấp nhận được không, thưa ông?
Nếu mà họ làm như vậy thì lại càng phản cảm hơn và thậm chí việc đưa trẻ em vào clip như thế này còn vi phạm pháp luật nhiều hơn nữa. Vì trẻ em cần được giáo dục một cách đúng đắn, có thẩm mỹ chứ đưa các em vào một clip ca nhạc mà lại toàn thấy gươm, giáo, bắn súng... đầy bạo lực thì chắc chắn các em sẽ bị ảnh hưởng về tư duy, tâm lý và có những suy nghĩ, định hướng lệch lạc.
Như vậy thì làm sao có thể giáo dục được các em nhỏ phát triển đúng hướng.
Trong Nghị định 79, Nghị định 103 đã nêu rõ rồi, sáng tác, thể hiện ca khúc tục tĩu, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam là trái quy định của pháp luật thì phải bị xử phạt.
-Theo Nghị định 79 và Nghị định 103 thì các ca sĩ này sẽ nhận mức phạt cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Bộ vẫn đang trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt và trong tuần này sẽ có kết luận cuối cùng là xử phạt như thế nào, mức phạt ra sao theo đúng quy định của pháp luật. Bộ trưởng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm và sẽ có quyết định chính thức.
Có thể ca sĩ thể hiện ca khúc, những đơn vị, cá nhân liên quan đã đưa các clip lên sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất, tùy theo thái độ và mức phạt cho phép.
Tôi rất hy vọng một khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc, đã làm thì phải làm cho rõ, xử phạt thật nghiêm minh, nếu không sau này chúng ta sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều đợt “rác” nữa.
-Theo quyết định số 95/QĐ-XPHC của Bộ VHTTDL thì một số trang nhạc online của Việt Nam đã bị xử phạt và gỡ bỏ ca khúc “Phiếu bé ngoan”, tuy nhiên một số trang chia sẻ nhạc có sever máy chủ đặt ở nước ngoài thì vẫn ngang nhiên đăng tải ca khúc này. Đối với những trang nhạc đó thì chúng ta phải xử lý như thế nào, thưa ông?
Đối với trường hợp này thì chúng ta cần phải có sự phối hợp giữa các quốc gia để cùng thực hiện. Còn nếu như có những trang web không chính thức mà đến cả nước ngoài cũng không xử lý được thì chúng ta cũng đành chịu.
Nhưng theo tôi thì dù ca khúc đó nó còn tồn tại ở một số trang nhạc nào đi nữa, thì hình phạt lớn nhất dành cho các ca sĩ trẻ đó là sự quay lưng của khán giả đối với sự hoen ố và nhận thức lệch lạc của những người tham gia những sản phẩm độc hại đó./.
Cảm ơn ông vì những gì mà ông đã chia sẻ.