Cổ phiếu DPM tăng cao nhất trong 15 năm

GD&TĐ - Trên sàn chứng khoán, mã cổ phiếu DPM có mức tăng giá cao nhất trong 15 năm. Giai đoạn nửa cuối tháng 5/2022, cổ phiếu này được nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt mua ròng hàng chục phiên liên tiếp.

DPM hưởng lợi nhờ giá phân bón thế giới tăng cao. Ảnh: IT
DPM hưởng lợi nhờ giá phân bón thế giới tăng cao. Ảnh: IT

DPM là mã chứng khoán của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, được niêm yết lần đầu ngày 5/11/2007 trên sàn Hose. Khối lượng cổ phiếu niêm yết trên 391,4 triệu đơn vị và vốn điều lệ là 3,9 nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của FireAnt, tính đến ngày 25/5, vốn hóa của DPM đã đạt tới trên 22,7 nghìn tỷ đồng.

Quá trình phát triển của DPM gắn với thương hiệu Đạm Phú Mỹ cùng các phân khúc sản phẩm như phân đạm (urê) hạt trong, phân NPK, Kali, SA, DAP…

Theo lịch sử giá, phiên giao dịch xa nhất của DPM là ngày 5/11/2007 với giá trị 29.400 đồng/cổ phiếu. Có giai đoạn như 2009, giá cổ phiếu DPM lao dốc còn khoảng 9.000 đồng/cổ phiếu.

Trải qua hơn 10 năm, đến ngày 19/4/2022 giá DPM đã tăng trên 77.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của cổ phiếu này là từ tháng 7/2021 đến nay với mức tăng trưởng đạt trên 285%.

Khi Vnindex đi vào giai đoạn suy thoái, cổ phiếu DPM cũng giảm giá liên tục trong khoảng 1 tháng (từ 19/4 đến 17/5) từ mốc 77.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 42.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu DPM đã lấy lại vị thế tăng trưởng. Đến phiên giao dịch 25/5, giá cổ phiếu này bật tăng hết biên độ và đạt mức giá gần 60.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), nhận định: DPM là mã cổ phiếu chất lượng tốt ở giai đoạn hiện tại. Điều này có được nhờ công ty liên tục làm ăn có lãi, cộng thêm lợi thế bất ngờ từ trong nước và thế giới.

Theo báo cáo Kết quả kinh doanh quý I năm 2022 của DPM, doanh thu thuần đạt trên 5,8 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 2,8 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,1 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo cân đối kế toàn quý I năm 2022 của DPM cho thấy, đơn vị này có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng tài sản là 15,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 11,5 nghìn tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 2,4 nghìn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 12,3 nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, DPM vẫn đang gặt hái thành công nhờ khối lượng phân bón bán ra thị trường ở mức cao và liên tục được đổi mới.

Ở giai đoạn cổ phiếu DPM giảm giá theo đà giảm của Vnindex, trong khi nhà đầu tư trong nước bán tháo cổ phiếu DPM thì nhóm đầu tư nước ngoài đã âm thầm thu gom. Khối lượng và giá trị thu gom tăng dần trong hơn 10 ngày trở lại đây.

Theo thống kê, giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài gom cổ phiếu DPM mạnh nhất là ngày 20/5 với giá trị đạt 130,8 tỷ đồng, ngày 24/5 gom gần 100 tỷ đồng, ngày 25/5 gom 58 tỷ đồng.

Những phiên trước đó, giá trị khớp lệnh của nhóm đầu tư nước ngoài luôn ở mức hàng chục tỷ đồng mỗi phiên. Tốc độ khớp lệnh của nhóm đầu tư nước ngoài với cổ phiếu DPM luôn đạt trên 20 nghìn đơn vị/phút.

Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, có 2 nguyên nhân trực tiếp khiến cổ phiếu DPM được hưởng lợi rất lớn. Thứ nhất là nhu cầu phân bón toàn cầu tăng cao khiến cho thị trường ngày càng mở rộng.

Điều này giúp các doanh nghiệp phân bón ổn định sản xuất, mở rộng thị trường. Thứ hai là xung đột thế giới trực tiếp tác động đến nguồn cung phân bón toàn cầu. Đây là nguyên nhân đẩy giá phân bón lên cao, và đương nhiên là các công ty sản xuất được hưởng lợi.

Do hưởng lợi từ giá sản phẩm, nên kết quả kinh doanh của DPM và các doanh nghiệp phân bón, hóa chất cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này khiến giá cổ phiếu tăng.

Mặc dù, cổ phiếu DPM đang có những xung lực mạnh nhờ các yếu tố khách quan, tuy nhiên, một số nhà đầu tư lo ngại về khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh của đơn vị này bị giới hạn – nhìn từ chỉ số báo cáo tài chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ