Thanh khoản thị trường ở mức cao
Kết phiên giao dịch đầu tuần (7/3), giá trị giao dịch Vnindex đạt 31.400 tỉ đồng. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, thép, nông nghiệp tăng mạnh giúp kéo chỉ số VNI chỉ giảm 0,42% về mốc 1.499 điểm so với phiên trước đó.
Cổ phiếu dầu khí tiếp tục là nhóm tăng trưởng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukrainne. Nga dừng xuất khẩu dầu, khí đốt cho châu Âu, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng chưa đưa ra biện pháp tăng sản lượng nhằm kéo giá dầu thế giới giảm.
Tâm điểm vẫn là nhóm cổ phiếu PVS, PVC, PVB, PVT, PVD, BSR, OIL, PET, GAS... tăng mạnh, thậm chí nhiều mã có vốn hoá lớn tăng hết biên độ như PVB, PVC, PVD...
Theo giới đầu tư, giá dầu mỏ sẽ chưa thể giảm ngay do những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Thêm nữa, giá dầu neo ở mức cao khiến cho lợi nhuận của nhiều nước thuộc khối OPEC cao kỷ lục vì vậy khó để kỳ vọng khối này sẽ tăng sản lượng. Thậm chí, ngay cả khi OPEC tăng tối đa sản lượng khai thác thì cũng không đủ để bù lấp vào khoảng trống mà Nga để lại.
Nhiều chuyên gia dự báo, cổ phiếu dầu khí tại Việt Nam cũng sẽ neo ở mức cao và phụ thuộc vào biến động của tình hình thế giới.
Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng đánh dấu chuỗi tăng trưởng liên tục. Các mã cổ phiếu HPG, NKG, HSG, POM, VSG, TLH, TVN... có gần 1 tháng tăng trưởng. Phiên giao dịch 7/3, các mã HSG, NKG đạt tỷ lệ tăng trên 4%, các mã còn lại tăng 2 - 3% với tổng giá trị giao dịch hàng nghìn tỉ đồng.
Nhóm ngành nông nghiệp và liên quan đến nông nghiệp cũng có chuỗi tăng mạnh. Đáng chú ý, nhóm phân bón như DPM, DCM, BFC tăng hết biên độ. Các mã HAG, HNG cũng tăng 3 - 5%. Ngoài ra, nhiều mã ngành nông nghiệp khác cũng tăng mạnh như DBC, QNS, PAN...
Đối lập với nhóm cổ phiếu thép, dầu khí, nông nghiệp, phiên giao dịch 7/3 cổ phiếu các ngành ngân hàng, bất động sản tiếp tục bị bán tháo. Vì nhóm ngân hàng chiếm tỉ lệ vốn hoá trên thị trường chứng khoán Việt Nam cao, nên việc bán tháo đã làm kéo chỉ số toàn thị trường giảm điểm.
Nhóm trụ VN30 cũng bị bán tháo và chỉ có 7 mã tăng trưởng, 1 mã tham chiếu còn lại 22 mã giảm điểm.
Tương lai nào cho cổ phiếu thép?
Theo phân tích kỹ thuật, một số mã cổ phiếu thép như HPG, HSG, NKG... đang trong giai đoạn tạo nền tăng trưởng.
Cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát đánh dấu sự trở lại của giới tạo lập với chỉ cố MCDX có nến đỏ đạt 10.00. Chỉ số MACD dương và chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) lên vùng quá mua.
Theo chỉ số Bollinger Bands, đường giá của HPG ngày 7/3 vượt Bands trên, đây là dấu hiệu cho thấy, cổ phiếu bước vào giai đoạn tăng giá phi mã.
Kết phiên giao dịch đầu tuần, có tới 38.456.100 cổ phiếu được trao đổi với giá trị đạt gần 2.000 tỉ đồng. Mặc dù vậy, đây cũng là phiên mà nhóm nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ròng về cuối phiên.
Các chỉ số MCDX, MACD, RSI, BB... đối với mã NKG và HSG cũng trong trạng thái tích cực. Đường giá bám Bands trên, có sự tham gia của giới tạo lập, RSI tích cực.
Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu dòng thép được dự báo là sẽ tăng liên tục và chạm mốc kháng cự cách đây vài tháng. Cụ thể, với HPG mức kháng cự sẽ là giá 58.000 nghìn đồng/cổ phiếu (đỉnh gần nhất vào ngày 18/10/2021), với NKG sẽ là giá 56.000 nghìn đồng/cổ phiếu, với HSG sẽ là giá 52.000 nghìn đồng/cổ phiếu... Nếu vượt các mốc kháng cự trước đó, cổ phiếu thép sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Theo Broker Mạnh Thiệp, Công ty VPS, nhóm cổ phiếu thép của Việt Nam được hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine. Ukraine là một trong những nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới. Chiến tranh khiến cho việc sản xuất thép của Ukraine bị đình trệ, để lại khoảng trống lớn trên thị trường.
Tại Việt Nam, các “ông lớn” ngành thép được kỳ vọng là sẽ tranh thủ lợi thế hiện có để lấp khoảng trống về thép mà các nhà cung cấp khác để lại. Đồng thời, đây cũng là thời cơ để gia tăng lợi nhuận khi mà giá thép thế giới có thể neo ở mức cao, giống như nhóm dầu khí, phân bón...
Ngoài ra, gói kích thích kinh tế của Việt Nam sẽ là động lực lớn, trực tiếp giúp ngành thép phát triển. Các công trình đầu tư công, xây dựng... tạo nên nguồn cầu trong nước rất lớn. Những đơn vị nào sở hữu lượng hàng tồn kho lớn, giá thấp thì đơn vị nó sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Không những thế, cổ phiếu thép cũng hưởng lợi lớn từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi mà quỹ đất dành cho xây dựng nhà máy sản xuất lớn, giá thuê và nhân công thuộc loại rẻ nhất khu vực.
Từ những động lực trên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, cổ phiếu thép đang thuộc loại “thiên thời” khi hưởng lợi thế từ cả tình hình trong nước lẫn quốc tế.