(GD&TĐ) - Là một giáo viên từng có “thâm niên” chấm văn THPT 23 năm, lại đã có sáng kiến kinh nghiệm về đề tài “chấm văn theo hướng mở” đạt giải cấp tỉnh, tôi rất tâm đắc với hướng dẫn chấm thi môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục&Đào tạo.
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi. Ảnh: gdtd.vn |
Với một đề văn được đánh giá là hay, thời sự, kích thích được hứng thú làm bài cũng như khả năng sáng tạo của học sinh thì việc chấm bài sao cho đảm bảo tính công bằng, đánh giá đúng được năng lực cảm, hiểu quả là không đơn giản chút nào.
Vì vậy, trước khi vào phần hướng dẫn chi tiếp đáp án và thang điểm, Bộ Giáo dục&Đào tạo đã có phần hướng dẫn chung với những lưu ý: Tránh cách chấm đếm ý cho điểm; giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo. Đây chính là hướng mở cho các giáo viên trong quá trình chấm văn.
Tuy nhiên, mở như thế nào và mở tới đâu thì lại tùy thuộc vào trình độ, năng lực của người chấm chứ không thể nói rằng, đáp án phải chỉ ra cụ thể được và nếu chỉ ra như vậy thì đã không còn gọi là “mở” nữa.
Việc gây tranh cãi về đáp án vừa qua ở một vài hội đồng chấm tập trung ở câu thứ hai - Bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam. Có thể nói, với tổng số điểm là 3 điểm ở câu này, đáp án của Bộ đưa ra 6 gợi ý, mỗi gợi ý 0,5 điểm đã rất chi tiết, khoa học và phù hợp với yêu cầu về cả thể loại lẫn nội dung.
Với đáp án chấm như vậy, có thể đánh giá được học sinh ở các mức độ từ hiểu (Giới thiệu: hiện tượng Nguyễn Văn Nam), tới cảm thụ (Phân tích: cảm phục trước hành động quên mình cứu người của Nam…), tới vận dụng (Bình luận việc làm của Nam; phê phán lối sống ích kỉ, vô cảm, đề cao ý thức nuôi dưỡng điều thiện và tính thiện. Liên hệ bản thân: học tập theo tấm gương Nguyễn Văn Nam…).
Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi tin chắc với một đáp án như vậy ứng với nội dung quá rõ ràng của đề, khi trích dẫn hẳn một đoạn diễn tả hành động cứu người của Nam thì không tới mức người chấm phải tới mức “tỏ ra lo lắng” như một tờ báo nào đó đã nêu.
Vì nếu có trường hợp đi ngược lại với chiều hướng tích cực (nghĩa là tiêu cực) thì thường rơi vào học sinh rất cá biệt về đạo đức. Tất học sinh này cũng không thể làm các câu khác trong bài theo chiều hướng tích cực được.
Tôi không đồng ý với ý kiến của ai đó cho rằng, Bộ phải hướng dẫn cụ thể thế nào là “lệch lạc”, "tiêu cực". Bất cứ một người bình thường nào cũng có thể nhận biết được hành động quên mình cứu người của Nam là tích cực, đúng theo đạo lý của dân tộc ta từ xưa tới nay: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Thương người như thể thương thân”.
Vậy, ngược với chiều hướng tích cực nói trên tức là tiêu cực, sống thiếu đạo lý, thấy người gặp nạn mà làm ngơ, hoặc giả còn đắn đo suy tính… huống hồ gì giáo viên chấm bài, lại là những giám khảo đã được chọn lựa, không thể có chuyện không biết thế nào là tiêu cực, là lệch lạc được.
Về những ý kiến đưa ra “những ý gọi là "tiêu cực" lại cảnh tỉnh được các bậc phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung về giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng xử lý tình huống”, hay là “chấp nhận việc có những chính kiến phản bác, như vậy có thể nắm bắt được suy nghĩ của đại bộ phận trẻ, qua đó có những định hướng giáo dục tốt hơn về sau này” tôi cho rằng đã rất cực đoan và lạc lõng, như thể cố tình “bắt bẻ cho có chuyện”.
Những ý kiến này có phần lạc lõng với mục tiêu và cả đặc trưng môn học. Xin thưa, đây là môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông chứ không phải là đề tài để đem ra mà bàn giữa chốn “chợ trời”, muốn nói kiểu gì cũng xong.
Hành động quả cảm của một học sinh lớp 12 quên mình cứu mạng sống của 5 em nhỏ là một hành động đáng được đưa vào sử sách. Mỗi người hãy đặt mình vào trường hợp của Nam? Chắc chắn không thể nói có chuyện nào khác cần bàn về kỹ năng sống hay tình huống ứng xử ở đây.
Cuối cùng, tôi rất có niềm tin vào kết quả chấm thi môn Ngữ văn năm nay, chắc chắn sẽ có nhiều bài văn hay, cảm động, để mở ra một chiều hướng ngày càng tốt đẹp hơn về dạy và học Ngữ văn ở Trường phổ thông!
Nguyễn Thanh Huế