Cô Nguyễn Thị Nga: Người ‘thuyền trưởng’ hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

GD&TĐ - Nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Nga luôn hết lòng với nghề dạy học. Không chỉ vậy, cô còn là một người vợ, người mẹ hết mực thảo hiền.

Cô Nguyễn Thị Nga (bên trái) trong Lễ trao Bằng Công nhận Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Cô Nguyễn Thị Nga (bên trái) trong Lễ trao Bằng Công nhận Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Từ xưa, người phụ nữ Việt Nam đã có vai trò rất quan trọng trong gia đình và xã hội. Bởi họ là những con người đảm đang, khéo léo luôn sống hết mình vì gia đình, đất nước. Ngày nay, khi đất nước đang ngày càng đổi mới và phát triển, họ càng thể hiện sự năng động, sáng tạo với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong ngành giáo dục. Một trong những người phụ nữ đó chính là cô hiệu trưởng trường tôi (Trường Mầm non Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) - cô giáo Nguyễn Thị Nga.

Hiện nay cô đang sống ở Bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cô có một gia đình hạnh phúc. Chồng cô là người luôn biết quan tâm, chia sẻ công việc gia đình cùng cô và hai người con rất ngoan ngoãn, học giỏi thành đạt, hiếu thảo. Có được những kết quả như vậy cũng là nhờ công lao dạy dỗ trời biển của cô. Cô Nguyễn Thị Nga là người vợ đảm đang, khéo léo, là một người mẹ tuyệt vời hết lòng vì gia đình. Dù bận rất nhiều công việc ở trường nhưng cô vẫn dành chút thời gian rảnh chăm lo, vun vén cho tổ ấm của mình. Cô đúng là người vợ, người mẹ thật tuyệt vời.

Góc vui chơi tại điểm trường trung tâm.

Góc vui chơi tại điểm trường trung tâm.

Bất kể ngày nắng hay ngày mưa thì cô cũng không ngại đến trường. Khi đến trường, cô ăn mặc rất giản dị. Có lúc là bộ vest, nhưng có lúc chỉ là chiếc áo sơ mi trắng cùng chiếc quần âu đen. Mái tóc xoăn màu hạt dẻ ôm lấy khuôn mặt càng làm cho cô thêm xinh đẹp nhưng vẫn có nét truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Sáng nào cũng vậy, cô đi kiểm tra vệ sinh trường lớp, thực hiện nề nếp ra sao của các lớp. Các lớp đều thực hiện tốt, chỉ còn một ít học sinh đến lớp còn “quấy” bố mẹ hoặc đòi quà cô ân cần đến bên trẻ dỗ trẻ nhẹ nhàng và cho trẻ vào lớp. Đến mỗi lớp ngoài theo dõi tình hình học tập cô còn hỏi xem không khí học thế nào, các con có thích đến lớp không? Có thích cô giáo không? Cô sống thật gần gũi với trẻ.

Công việc bộn bề, hầu như ngày nào cô cũng ở trường từ sáng sớm đến tối muộn. Có những tối mùa đông lạnh buốt, tôi vẫn thấy cô làm việc. Vất vả là thế, tận tụy là thế nhưng cô rất may mắn khi có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ, chồng con luôn ở bên động viên và ủng hộ cô. Không chỉ là một giáo viên giỏi, một người quản lý giỏi cô còn là người con ngoan ngoãn, hiếu thảo với bố mẹ.

Hỏi về bí quyết, cô tâm sự “Ước mơ của tôi từ nhỏ là được làm cô giáo. Tôi yêu trẻ con, yêu nghề giáo và yêu những đứa trẻ hồn nhiên, những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác. Tôi muốn truyền niềm đam mê và tình yêu ấy cho các cháu. Những điều này luôn là nguồn động lực để tôi làm tốt công việc của mình, mặc dù đôi khi có chút khó khăn, bởi lẽ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”

Những lời tâm sự ấy của cô như thôi thúc, thức tỉnh trong tôi phải phấn đấu, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Cô là một người rất sáng tạo, cô luôn nhắc nhở đồng nghiệp vận dụng các phương pháp dạy học mới giúp cho trẻ được tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh được trải nghiệm thực tế. Từ đó, giúp trẻ phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Cô thường xuyên tổ chức nhiều hội thi như hội thi làm đồ dùng đồ chơi tự tạo do các bậc phụ huynh làm, phát động nhiều phong trào thi đua khác. Năm nào cũng vậy cô đều tổ chức cho các cháu đi dã ngoại, giúp trẻ thăm quan học hỏi với mục đích để trẻ hiểu rõ hơn về di tích lịch sử địa phương mình. Từ đó biết ơn những thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu để cho chúng ta có cuộc sống hòa bình ngày hôm nay.

Vào các ngày như 20/10, 20/11, 8/3 cô Nga thường phát động phong trào văn hóa văn nghệ giữa các tổ như thi bóng chuyền, thi nấu ăn… Ngoài ra, cô còn xây dựng kế hoạch gọi các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng trường, lớp học, nhà ăn….

Nhiều điểm bản lẻ còn khó khăn về cơ sở vật chất, cần sự chung tay góp sức của xã hội.

Nhiều điểm bản lẻ còn khó khăn về cơ sở vật chất, cần sự chung tay góp sức của xã hội.

Ngoài việc kêu gọi ủng hộ cho nhà trường, cô còn giúp các cháu có hoàn cảnh khó khăn mà không được hưởng chế độ của nhà nước ở 20 trường mầm non trong huyện để trẻ có tiền ăn và xây dựng một số điểm trường cho trường bạn như: Năm học 2014 - 2015 hỗ trợ trường mầm non Mường Lói xây dựng 1 điểm trường kiên cố với trị giá 240 triệu đồng. Hay gần đây nhất là kết nối các nhà tài trợ giúp đỡ cho trường mầm non Hẹ Muông 2 phòng học, công trình vệ sinh, nhà kho kinh phí trên 230 triệu đồng...

Cô khiến ai cũng phải ngưỡng mộ và khâm phục. Cô chính là tấm gương nữ cán bộ xuất sắc "Đảm việc nước giỏi việc nhà" đáng để mọi người trong ngành noi theo. Cô luôn tìm những biện pháp sáng tạo, những cách làm hay, tạo môi trường tốt để làm sao ngôi trường này sẽ đạt được kết quả cao trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”; "Tạo môi trường lấy trẻ làm trung tâm".

Vào cuối tháng, khi họp hội đồng, cô thường đưa ra những ý kiến, nhận xét trong tuần, tháng qua về mọi mặt của giáo viên cũng như của học sinh. Lớp nào còn chưa thực hiện tốt thì cô yêu cầu giáo viên chủ nhiệm chấn chỉnh lại rồi đề ra kế hoạch cho tuần, tháng sau. Chính nhờ những kế hoạch xuất sắc, sự điều hành tốt của cô mà các kế hoạch của nhà trường, cũng như ngành đều gặt hái được thành tích cao trong phòng trào thi đua. Cụ thể: Hơn 15 năm phấn đấu và xây dựng, nhà trường luôn đạt thành tích xuất sắc. Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2014 - 2015, đặc biệt hơn là năm học 2016 – 2017, trường được nhận Bằng khen, cờ thi đua của UBND tỉnh và Chính phủ.

Cô Nga kết nối, thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa, hiệu quả, được đông đảo các tổ chức, cá nhân chung tay.

Cô Nga kết nối, thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa, hiệu quả, được đông đảo các tổ chức, cá nhân chung tay.

Cô rất hiền và hay giúp đỡ mọi người. Đối với giáo viên, nhân viên trong nhà trường, ai có việc vui hay buồn thì cô đều chia sẻ, giúp đỡ. Có những giáo viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, cô không ngần ngại chỉ bảo tận tình cho họ. Cô không chỉ quan tâm tới đồng nghiệp mà còn rất quan tâm đến học sinh. Có lần cô còn trích một phần lương của mình để mua quần áo, ba lô cho các em học sinh nghèo.

Đó chính là động lực lớn để các em vươn xa hơn để “chạm” tới ước mơ của mình. Những việc làm của cô giúp chúng tôi hiểu rằng cần phải biết đồng cảm chia sẻ với những người kém may mắn quanh mình. Cô là một người năng động, sáng tạo. Cô xứng đáng với tám chữ vàng “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Cô là người phụ nữ như vậy đó !

Những thành công mà cô đạt được đã đánh dấu trong sự nghiệp, đó là nền tảng, là động lực để cô phấn đấu, làm tốt hơn sứ mệnh của mình. Những cố gắng nỗ lực của cô góp phần không nhỏ vào bảng thành tích của nhà trường nói riêng và của nền giáo dục huyện Điện Biên nói chung, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ