Trong những năm gần đây, bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất châu Á ngày càng phổ biến, với hình thức đánh giá, xếp loại khá giống với bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi về giá trị của bảng xếp hạng nói trên.
Tại bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2023 do tổ chức giáo dục QS bình chọn, Trung Quốc là quê hương của 2 trong top 15 trường với Đại học Bắc Kinh (xếp thứ 12) và Đại học Thanh Hoa (xếp thứ 14). Tương tự, Singapore là quê hương của một trong những trường đại học trẻ phát triển nhanh nhất thế giới là Đại học Quốc gia Singapore.
Có thể thấy, vị thế của các trường đại học châu Á trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đang tăng lên. Tỷ lệ biết chữ ở châu Á cũng tăng cao và nhiều học sinh châu Á đạt thành tích tốt trong các kỳ thi quốc tế. Điều này khẳng định chất lượng giáo dục của nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc.
Nhưng những điều trên có thể phản ánh đúng tính chất của bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất châu Á hay không là vấn đề mà nhiều học giả nghi ngại.
Theo các chuyên gia tại tổ chức giáo dục quốc tế Study International thông tin, bảng xếp hạng đại học châu Á của QS hay THE đã đánh giá 760 tổ chức tại châu Á với các tiêu chí chung như số lượng sinh viên, khả năng tìm việc làm của cử nhân, mức độ hài lòng của sinh viên hay số lượng nghiên cứu khoa học...
Dù đây là những tiêu chí tốt, nhưng những thống kê trên khó có thể vẽ nên một bức tranh toàn cảnh. Hiệu suất của một trường đại học nằm trong bảng xếp hạng không thể khẳng định 100% số lượng và chất lượng đào tạo cũng như tôn chỉ, mục đích của ngôi trường đó.
Lấy ví dụ như tiểu thuyết gia, nhà làm phim Giddens Ko. Ông lấy bằng cử nhân Khoa học Quản lý tại Đại học Quốc gia Chiao Tung và thạc sĩ Khoa học Xã hội tại Đại học Tunghai, Đài Loan, Trung Quốc. Nhưng cả hai trường trên đều không nằm trong top 10 hay top 50 dù Giddens Ko tương đối nổi tiếng và thành công tại châu Á.
Bên cạnh đó, mỗi bảng xếp hạng sử dụng tiêu chí đánh giá khác nhau, dẫn đến kết quả cũng khác nhau. Bảng xếp hạng của QS dựa trên 11 tiêu chí còn THE là 13. Một số trường đại học có thể được đánh giá cao ở lĩnh vực này nhưng chưa tốt ở lĩnh vực khác.
Do đó, thứ hạng của một trường cao không đồng nghĩa chất lượng giáo dục là tốt hơn các trường khác trong khu vực. Đáng chú ý, một số trường có thể tập trung đầu tư vào một số tiêu chí nhất định như kết quả nghiên cứu khoa học để nâng vị thế trên bảng xếp hạng nhưng bỏ qua các yếu tố khác như mức độ hài lòng của sinh viên.
Từ các phân tích trên, các học giả tại Study International khuyến nghị sinh viên quốc tế nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn trường đại học phù hợp với mục tiêu, hoàn cảnh của mình. Ngôi trường tốt nhất là nơi tạo cho sinh viên cảm giác hài lòng và thoải mái từ học tập đến sinh hoạt.