Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại bày tỏ quan điểm ngược lại.
Máy tính và máy tính bảng là thiết bị giáo dục quan trọng đang được sử dụng rộng rãi trong lớp học. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, 46,7% lớp tiểu học trên thế giới có khả năng truy cập vào máy tính. Tỷ lệ này lên tới 98% ở Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng máy tính mang lại lợi ích cho giáo dục. GS Ralf Lankau, giảng viên Lý thuyết truyền thông Đại học Hochschule Offenbach, Đức, cho biết: “Máy tính bảng và máy tính xách tay không giúp trẻ thông minh hơn mà còn làm giảm đi, nhất là với trẻ em trên 10 tuổi”.
Ông Lankau là một trong 40 học giả kiến nghị lên Hiệp hội Giáo dục và Tri thức Đức để bày tỏ mối quan ngại về tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với sự phát triển của trẻ em. Họ kêu gọi tạm dừng số hóa trong các trường học, nhà trẻ ở Đức dành cho trẻ từ 4 – 11 tuổi.
Kiến nghị trên đưa ra vào thời điểm các trường học ở Đức nhận chỉ trích vì tụt hậu trong quá trình số hóa. Tuy nhiên, các học giả muốn Bộ Giáo dục Đức suy nghĩ lại về cách sử dụng công nghệ trong các trường mẫu giáo và phổ thông.
Tuy nhiên, theo ông Prakash Ranganathan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mạng tại Đại học Bắc Dakota, Mỹ, bằng chứng khoa học về tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với sự phát triển của trẻ em còn chưa rõ ràng.
Chuyên gia này cho biết, có một số bằng chứng về tác động của công nghệ lên sự phát triển nhận thức của trẻ em. Ví dụ, sau khi sử dụng máy tính quá mức có thể dẫn đến tình trạng khó tập trung, trải nghiệm học tập thụ động, từ đó cản trở tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhưng ông Ranganathan nhấn mạnh chưa rõ những tác động tiêu cực tiềm ẩn này sẽ tồn tại trong lâu dài hay ngắn hạn.
Trái lại, ông Ranganathan khẳng định công nghệ nói chung và máy tính nói riêng mang lại những mặt tích cực rất lớn. Các can thiệp công nghệ kỹ thuật số có thể nâng cao kỹ năng đọc viết và tính toán, kỹ năng sử dụng đôi tay khéo léo và trí nhớ về thị giác không gian...
Các nghiên cứu đồng thời ghi nhận việc trẻ em sử dụng công nghệ kỹ thuật số tương tác giúp tăng cường khả năng học ngôn ngữ, chức năng điều hành (như khả năng tập trung và hoàn thành công việc), khả năng ghi nhớ...
Bà Maria Hatzigianni, chuyên gia về giáo dục mầm non và công nghệ kỹ thuật số Đại học West Attica, Hy Lạp, cho biết: “Chúng ta có robot, mã hoá... Công nghệ là công cụ giúp chúng ta truy cập thông tin và học cách sáng tạo. Nó giúp ích rất nhiều cho siêu nhận thức”.
Chuyên gia này đã hợp tác với Chính phủ Hy Lạp để xây dựng các ứng dụng học tập kỹ thuật số cho trẻ em ở các trường mẫu giáo từ 4 – 6 tuổi. Hoạt động học này cũng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa trẻ em, phụ huynh và nhà trường để đem lại kết quả tốt nhất.
“Câu hỏi đúng là chúng ta phải sử dụng công nghệ như thế nào để nâng cao việc học và cải thiện giảng dạy mà không sợ hãi công nghệ”, bà Hatzigianni nhận định.
“Mục đích không phải cấm công nghệ kỹ thuật mà là tập trung vào giảng dạy. Chúng ta nên đặt câu hỏi mục tiêu học tập là gì và làm thế nào để các phương tiện truyền thông, kỹ thuật số giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó thay vì hỏi công nghệ nào là mới và sử dụng nó ở trường như thế nào”, GS Ralf Lankau cho biết.