Có nên duy trì hệ THCS trong trường chuyên?

GD&TĐ - Học sinh tiểu học cần có thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, thể chất để phát triển toàn diện.

Học sinh thi khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2023.
Học sinh thi khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2023.

Không nên ép các em vào cuộc chạy đua khốc liệt, nhiều áp lực chỉ vì kỳ vọng của cha mẹ.

Áp lực từ gia đình

Câu chuyện trong nhóm phụ huynh Hà Nội, một bà mẹ bật khóc, mất ngủ cả đêm trước thông tin Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) có thể dừng tuyển sinh lớp 6 vì thương con suốt 5 năm qua không có nghỉ hè đặt ra nhiều trăn trở.

Chị Trần Khánh Linh có con học Trường Tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Đọc những tâm sự này, thương các con còn nhỏ đã bị áp lực học hành, lại càng giận người mẹ. Hành trang của những cô, cậu học trò chưa tròn 10 tuổi vốn đã không ít vất vả, lại gánh thêm bao kỳ vọng, mong muốn của bố mẹ thì thực sự đáng thương”.

Để được vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hàng nghìn gia đình đã chuẩn bị cho hành trình này từ khi các con học lớp 3, thậm chí lớp 1, 2. Tiêu chí xét tuyển vào trường không chỉ thông qua bài thi, mà cần có học bạ thật trọn vẹn gồm “toàn điểm 10”.

Lên lớp 5, nhiều gia đình còn chạy sô đưa con đến “lò luyện” tập dượt với các bài kiểm tra được cho là của thầy, cô giáo uy tín Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam phụ trách. Điều này dần trở thành bình thường, bởi chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 hằng năm của trường chỉ khoảng 200, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển thường là 2 nghìn, thậm chí có năm đến 3 nghìn.

Anh Nguyễn Quốc Hưng - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho rằng, với tỷ lệ chọi 1/10, thậm chí 1/15, học sinh phải dồn sức để ôn luyện là đương nhiên, nếu không sẽ chẳng bao giờ “có cửa” vào trường. Chưa kể, trẻ phải gồng mình suốt những năm học tiểu học để có một học bạ đẹp từ lớp 1.

“Việc bỏ hệ THCS trong trường THPT chuyên là thực hiện theo Luật Giáo dục và được đề cập nhiều lần. Tôi cho rằng lúc này cần có sự dứt khoát để việc thực hiện thống nhất trên cả nước. Nếu thực hiện được sẽ góp phần giảm gánh nặng học hành cho học sinh tiểu học”, anh Hưng nêu quan điểm.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học đến từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc chạy đua vào lớp 6 chỉ có ở một bộ phận phụ huynh. Vì kỳ vọng của bố mẹ nên nhiều trẻ không có thời gian vui chơi và học ngày học đêm trong các lò luyện thi. Bố mẹ đã vô tình tước đoạt quyền được nghỉ ngơi, vui chơi, phát triển tự nhiên của các em.

Tuy vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng, chỉ còn 3 tháng nữa là tới kỳ tuyển sinh, việc dừng đột ngột sẽ khiến các gia đình bị động. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm có thông tin chính thức về kế hoạch cũng như phương án tuyển sinh năm học tới với tinh thần giữ ổn định và xét tới nguyện vọng của phụ huynh, học sinh.

Học sinh dự thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Học sinh dự thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đang xây dựng kế hoạch, phương án tuyển sinh đầu cấp, gồm tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024 - 2025 để báo cáo UBND thành phố trên tinh thần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Đồng thời, sở cũng nghiên cứu tham mưu thành phố đề xuất cơ chế đặc thù với những giải pháp phù hợp trong công tác tuyển sinh vào các trường THPT chuyên trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, học sinh. Việc tổ chức bậc THCS trong Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam căn cứ theo Luật Thủ đô nên sở sẽ tham mưu để tiếp tục tuyển sinh hệ này.

Nên tuân thủ theo quy định

Tại TPHCM, hằng năm việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thu hút sự quan tâm của khá nhiều phụ huynh, học sinh. Trung bình tỷ lệ chọi lớp 6 ở ngôi trường này dao động xung quanh mức 1/8, với chỉ tiêu mỗi năm khoảng 500 học sinh nhưng có tới 4 nghìn em đăng ký khảo sát.

Vì vậy, trước thông tin việc tuyển sinh lớp 6 vào trường THPT chuyên có thể phải dừng lại từ năm nay, phụ huynh có con em dự định tham dự tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rất lo lắng.

Theo chia sẻ của anh Phạm Văn Tiến (TP Thủ Đức, TPHCM), việc không biết Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có tuyển hệ THCS nữa không khiến gia đình anh “sốc”. Bởi từ khi con bước vào tiểu học, anh đã đầu tư cho học thêm môn Toán và Tiếng Anh để mong vào lớp 6 trường này.

“Nếu Trường chuyên Trần Đại Nghĩa không được tuyển sinh lớp 6, chúng tôi rất tiếc nuối. Tất nhiên nếu trong trường hợp không được tuyển sinh lớp 6 nữa thì gia đình sẽ có phương án khác; tiếp tục đầu tư cho cháu ôn luyện hết THCS để thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa”, anh Tiến tâm sự.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) cho rằng: “Trong số các tỉnh, thành chỉ có TPHCM và Hà Nội là duy trì bậc THCS (không chuyên) trong trường chuyên, mà cụ thể là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với Luật Giáo dục. Do đó, chúng ta nên tuân thủ theo quy định của Bộ GD&ĐT”.

Thầy Phú cũng phân tích, trên thực tế sự kỳ vọng của người dân khi cho con vào học bậc THCS tại các cơ sở giáo dục cũng rất cao. Do đó nên chăng nếu tách hệ THCS trong trường THPT chuyên hoạt động như một trường THCS, tất nhiên vẫn sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy cũng như chương trình đó. Việc này sẽ không vi phạm luật, quyền lợi của học sinh không bị mất đi.

“Chẳng hạn tại TPHCM, cơ sở dạy THCS của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng có tại TP Thủ Đức. Nếu tách ra, những thầy cô và chương trình vẫn như vậy. Chỉ có điều cơ sở giáo dục này không còn trực thuộc trường chuyên nữa. Tuy nhiên, cách này vẫn đảm bảo quyền lợi của học sinh và phải tuân thủ, làm đúng luật”, thầy Phú cho hay.

Còn theo ThS Võ Minh Thành - giảng viên khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, việc “luyện thi” cho các em ngay từ lớp 1, 2, 3 để đến bậc THCS đậu vào trường chuyên là chưa phù hợp về nhiều mặt. Cụ thể, lứa tuổi từ 6 - 9 cũng là giai đoạn đầu của cấp tiểu học, việc quan trọng là thích nghi với môi trường học tập để tiếp thu tốt nhất kiến thức cơ bản theo chương trình học.

Ngoài ra, chương trình GDPT hiện tại đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực theo độ tuổi. Nếu “luyện thi” cho học sinh lớp 1, 2, 3 sẽ tạo thêm nhiều áp lực, dẫn tới việc học không hiệu quả.

“Các bậc phụ huynh phải xác định, không phải vào trường chuyên mới học tốt. Cần lựa chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích của học sinh, tránh tâm lý làm mọi việc để có suất vào trường chuyên, lớp chọn. Nếu vào trường “điểm” mà năng lực của học sinh không theo nổi thì càng thêm áp lực. Vì vậy, việc cần làm bây giờ là đồng hành, chia sẻ để cùng các em lựa chọn trường phù hợp. Việc học hiện tại khá áp lực, không nên tạo thêm từ việc luyện thi sớm”, ông Thành cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ