Thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển sẽ 'giảm thiểu rủi ro'

GD&TĐ - Việc iều chỉnh công tác tuyển sinh năm nay được coi là giải pháp giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn không đáng cho thí sinh...

Thí sinh dự thi Đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: INT
Thí sinh dự thi Đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: INT

Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh theo hướng: Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm 2022. Đây được xem như giải pháp giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn không đáng cho thí sinh.

Đơn giản hóa

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho biết, ở mùa tuyển sinh năm trước, một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển. Nhiều em gặp khó khăn trong truy nhập Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung để nộp lệ phí. Đối với phương thức xét tuyển sớm, thí sinh phải đăng ký thông tin lên cả hai hệ thống gồm: Hệ thống của cơ sở đào tạo - nơi thí sinh đăng ký xét tuyển và Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, năm 2022, thí sinh phải đăng ký ngành, trường đại học và kèm theo mã phương thức xét tuyển tương ứng. Trong số 20 phương thức tuyển sinh, một số có tên gần giống nhau, khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn, dẫn đến trượt đại học.

Thống kê phương thức xét tuyển những năm qua cho thấy, có phương thức xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học không có thí sinh xác nhận nhập học. Một số phương thức xét tuyển có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt dưới 1%. Khi các trường sử dụng quá nhiều phương thức sẽ gây nhiễu thông tin cho thí sinh và xã hội, trong khi đó một số phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký. Ngoài ra, các phương thức xét tuyển chưa đảm bảo công bằng.

Từ thực trạng trên, để giảm thiểu những sai sót, nhầm lẫn không đáng có; năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh theo hướng, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm trước. “Sự thay đổi này nhằm đơn giản hóa việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho thí sinh” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Viện dẫn cách thức đăng ký xét tuyển nguyện vọng dự kiến được điều chỉnh năm nay, TS Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - ví dụ: Giả sử thí sinh A muốn đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học B. Ngành này có 4 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức tương ứng với một số mã tổ hợp.

Nếu như năm 2022, thí sinh A có đủ điều kiện tham gia xét tuyển 3/4 phương thức của Trường B thì phải đăng ký thành 3 nguyện vọng. Mỗi nguyện vọng tương ứng với 1 mã phương thức, 1 mã tổ hợp.

Năm nay, nếu theo dự kiến điều chỉnh nêu trên thì thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin; kèm theo đó là cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến điểm, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có), kết quả kỳ thi riêng (nếu có) lên hệ thống.

Sau đó, phần mềm sẽ tự sắp xếp nguyện vọng cho thí sinh để có cơ hội trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin cao nhất. “Như vậy, thí sinh chỉ cần đăng ký mã ngành, mã trường, tên trường mà không phải đăng ký tổ hợp xét tuyển, mã phương thức xét tuyển” - TS Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TG

Không thêm việc cho trường

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính - cho rằng, việc cải tiến theo hướng thí sinh không phải đăng ký phương thức xét tuyển là cách làm mới, thuận lợi và tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Nếu áp dụng theo cách này, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành hướng dẫn để thí sinh và cơ sở giáo dục đại học nắm được; từ đó vận hành thuần thục hơn.

Ngoài ra, phần mềm hỗ trợ tuyển sinh cũng cần được điều chỉnh nhằm bảo đảm tính chính xác và công bằng cho thí sinh. “Phía Học viện, chúng tôi sẽ chủ động các phương án để có thể bắt nhịp với những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh năm nay” - PGS.TS Nguyễn Đào Tùng khẳng định.

Cho rằng, việc thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển là ý tưởng tốt, PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương – nhìn nhận, phương án này góp phần giảm thiểu nhầm lẫn, sai sót. Theo đó, thí sinh sẽ được “giải phóng” một số thủ tục đăng ký; bởi suy cho cùng các em chỉ quan tâm đến việc có trúng tuyển vào ngành yêu thích hay không.

Đáng nói, điều chỉnh này cũng không “thêm việc” cho cơ sở giáo dục đại học. Các trường vẫn được tạo điều kiện thuận lợi trong tuyển sinh và quyền tự chủ tiếp tục phát huy. Các trường cần thực hiện đúng quy trình xét tuyển và bám sát theo kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Trao đổi về mặt kỹ thuật, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin: Năm 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục nâng cấp Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm hạn chế những nhầm lẫn không đáng có của thí sinh. Cùng đó, Bộ sẽ tăng cường một số giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh và thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển. Mặt khác, đơn giản hóa giao diện đăng ký xét tuyển.

“Bộ GD&ĐT dự kiến, thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo mã xét tuyển/ngành đào tạo mà không cần đăng ký phương thức xét tuyển. Điều này để tránh sự nhầm lẫn mà vẫn đảm bảo thí sinh có thể trúng tuyển ngành học ưu tiên của mình” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi.

Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 và có điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật; trong đó có dự kiến thí sinh đăng ký theo mã xét tuyển/ngành đào tạo mà không cần đăng ký phương thức xét tuyển. Năm 2023, lần đầu tiên quy định mới về cộng điểm ưu tiên có hiệu lực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...