Có nên bổ sung sắt vào ngày 'đèn đỏ'?

GD&TĐ - Khi gặp tình trạng kinh nguyệt nhiều, phụ nữ có thể dùng thực phẩm chức năng bổ sung sắt.

Thịt đỏ, mận khô, ngũ cốc, đậu khô và đậu hà lan đều là những thực phẩm tốt cho phụ nữ bị kinh nguyệt nhiều. Ảnh minh họa.
Thịt đỏ, mận khô, ngũ cốc, đậu khô và đậu hà lan đều là những thực phẩm tốt cho phụ nữ bị kinh nguyệt nhiều. Ảnh minh họa.

Nguy cơ thiếu máu

Kinh nguyệt ra nhiều có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ không là một câu hỏi được nhiều phụ nữ đặt ra. Hiện tượng kinh nguyệt nhiều không chỉ ảnh hưởng tới việc sinh hoạt hằng ngày của phụ nữ, mà còn có thể là biểu hiện bất thường của sức khoẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Phan Chí Thành - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, kinh nguyệt ra nhiều là dấu hiệu không bình thường. Đồng thời, tình trạng này cũng cảnh báo một vấn đề liên quan đến sức khoẻ.

Thậm chí, kinh nguyệt ra nhiều cũng khiến việc sinh hoạt của chị em trở nên khó khăn, bất tiện. Theo chuyên gia này, nếu nhận thấy chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, phụ nữ nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa để được chẩn đoán chính xác.

Nếu phụ nữ ra máu nhiều hơn 1/3 cốc thì được định nghĩa là ra máu nặng. Trong một vài trường hợp, lượng máu có thể mất hơn hai cốc trong mỗi chu kỳ.

Một số phụ nữ hứng lượng dịch trong cốc nguyệt san. Đây là dụng cụ thay thế cho băng vệ sinh hoặc tampon, thân thiện với môi trường và dễ dàng tái sử dụng. Tuỳ vào thương hiệu mà một số cốc có dây đo bên trong. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ cần trợ giúp để đo lượng dịch đã mất.

“Chảy máu quá nhiều là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phải cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, đôi lúc, có những ca phẫu thuật là không cần thiết, xảy ra do sự trao đổi thông tin sai lệch giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Ví dụ, tùy vào chu kỳ bình thường của người phụ nữ là nhiều hay ít mà khái niệm “chảy máu nặng” là khác nhau giữa mỗi người. Vì họ cho rằng, lượng máu trong các chu kỳ trước là bình thường.

Và mô tả của họ trong thời gian này là so với mức “bình thường” trước đó”, bác sĩ Thành cho biết. Vì vậy, bác sĩ Phan Chí Thành khuyến cáo, nếu thấy những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Ngoài ra, một số chị em gặp phải tình trạng ra máu nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt đến mức cảm thấy mệt mỏi. Không ít người có xu hướng tìm đến thực phẩm chức năng bổ sung sắt để giải quyết vấn đề.

Theo ThS Thành, phụ nữ ra máu nhiều, bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt thường có nguy cơ cao xuất hiện thiếu máu. Đây là một tình trạng rối loạn do thiếu hồng cầu. Triệu chứng bao gồm đau đầu, mệt mỏi và choáng váng.

“Khi xuất hiện tình trạng này, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn. Bạn có thể dùng thực phẩm chức năng bổ sung sắt. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn sẽ dễ dàng và an toàn hơn”, chuyên gia chia sẻ.

Thịt đỏ, mận khô, ngũ cốc, đậu khô và đậu hà lan đều là những thực phẩm tốt. Chị em có thể dùng chung với các thức ăn giàu vitamin C để tăng khả năng hấp thu những thực phẩm này. Trong trường hợp thiếu máu trầm trọng, có thể phải cần đến truyền máu. Do đó, khi được bác sĩ thăm khám, chị em nên trao đổi về vấn đề này. Đồng thời, hỏi về cách để giảm ra máu quá nhiều.

Nguyên nhân kinh nguyệt nhiều

Trong khi đó, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến hiện tượng chảy máu kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn. Một số nguyên nhân có thể là do: U xơ và polyp tử cung; Lạc nội mạc tử cung; Ngày rụng trứng không đều; Rối loạn chảy máu.

Ngoài ra, việc sử dụng aspirin và các nhóm thuốc làm loãng máu cũng có thể dẫn đến chảy máu kinh nguyệt trầm trọng hơn. Phụ nữ cũng có thể bị kinh nguyệt nhiều hơn khi sử dụng dụng cụ tránh thai (vòng tránh thai) hoặc mắc ung thư nội mạc tử cung. Các nguyên nhân khác có thể là do liên quan đến mang thai (như mang thai ngoài tử cung và sảy thai), viêm vùng chậu...

Để chẩn đoán tình trạng kinh nguyệt ra nhiều, người bệnh có thể cần được thực hiện một số xét nghiệm. Trong đó, bao gồm thử thai và các xét nghiệm đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Dựa trên các triệu chứng và độ tuổi của bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện siêu âm vùng chậu, nội soi tử cung. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần sinh thiết nội mạc tử cung, siêu âm bơm nước lòng tử cung và chụp cộng hưởng từ.

Trong đó, với sinh thiết nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ tách lấy một phần mô nội mạc tử cung và soi dưới kính hiển vi. Siêu âm bơm nước lòng tử cung là một thủ thuật siêu âm sử dụng chất lỏng vô trùng bơm vào tử cung thông qua cổ tử cung, ghi nhận hình ảnh bên trong lên màn hình vi tính. Chụp cộng hưởng từ là thủ thuật sử dụng từ tính cực mạnh của nam châm. Từ đó, tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ