Có một dòng sông thao thiết chảy

GD&TĐ - Đọc “Những đứa con trong gia đình”, ấn tượng đọng lại không chỉ là hình tượng Việt và Chiến – những người con can trường, dũng cảm nơi thành đồng Tổ quốc trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, mà đó còn là một dòng sông cứ thao thiết chảy, gieo vào lòng người những ấn tượng khó phai.

Nhà văn Nguyễn Thi và “Những đứa con trong gia đình”.
Nhà văn Nguyễn Thi và “Những đứa con trong gia đình”.

“Trăm sông đổ vào một biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển, mà biển thì rộng lắm... rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta ...” - Lời nói của chú Năm trong tác phẩm không chỉ thể hiện sự chiêm nghiệm của một con người từng trải, mà nó còn minh chứng cho sự thấu hiểu sâu sắc cảnh sắc miền Nam của nhà văn Nguyễn Thi. Bởi thế, hình tượng dòng sông trong tác phẩm, bản thân nó đã chứa đựng nhiều tầng nghĩa sâu sắc, thú vị.

Ý nghĩa thực

Có nhiều người đã từng nhận định: Việt Nam là đất nước của những dòng sông. Nhưng có lẽ, không vùng miền nào lại có nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt như mảnh đất miền Nam. Bởi thế, việc lựa chọn không gian sông nước chính là một trong số những nhân tố tạo nên màu sắc Nam Bộ rất đặc trưng cho tác phẩm. Dòng sông ấy gắn liền với cuộc đời mưu sinh chèo ghe, chèo thuyền mướn của nhân vật chú Năm. Nó còn thao thiết vỗ về, bồi đắp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nơi ấy đã từng in dấu chân người má vất vả, tảo tần của Chiến và Việt; khắc sâu nỗi đau gia đình bởi cái chết tức tưởi của người ba.

Không những vậy, nó còn êm đềm tỏa bóng kỉ niệm xuống tuổi thơ của cả hai chị em. Đó là những đêm mưa, đi soi ếch, hai chị em cười vui từ lúc đi cho đến lúc về, cho đến những ngày đi theo du kích đánh tàu Mỹ trên sông Định Thủy... Tất cả dường như đã trở thành những kỉ niệm rất lắng, rất sâu, hình thành ở hai chị em Chiến và Việt một tình yêu quê hương giản dị mà chân thành. Vì vậy, cũng dễ hiểu vì sao, khi bị thương nặng, bị lạc đồng đội, nằm lại giữa chiến trường, trong sự miên man đứt nối của những lần tỉnh dậy và ngất đi, Việt lại nhớ về những dòng sông, những ruộng vườn, bờ bãi. Đó là vàm sông trong hồi ức gắn liền với con ma cụt đầu trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những câu chuyện kể của các chị hồi còn ở nhà; đó còn là phù sa bồi đắp cho ruộng đồng màu mỡ in dấu chân của chị em Việt khi khiêng bàn thờ ba má sang gửi nhà chú Năm trước lúc lên đường ra mặt trận. Họ đã men theo chân vườn thoang thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác ... Dòng sông - cánh đồng - chân vườn thoang thoảng mùi hoa cam bất chợt gieo vào lòng người đọc những rung cảm sâu xa của tình yêu quê hương tha thiết và cảm động...

Ý nghĩa biểu tượng

Có một dòng sông cứ thao thiết chảy mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mà con sông nào ở nước ta cũng lắm phù sa, lắm nước bạc. Ruộng đồng mát mẻ cũng sinh ra từ đó, lòng tốt con người cũng sinh ra từ đó... Có lẽ vì thế, dòng sông trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi đã trở thành biểu tượng cho dòng sông truyền thống, gắn kết những con người trong gia đình ấy lại với nhau. Ở đó, ta cảm nhận được những lớp phù sa màu mỡ đang đêm ngày mải miết bồi đắp để hình thành nên nhân cách cho những con người Việt Nam chân chính như Việt và Chiến – đại diện cho cả một thế hệ trẻ đang dàn hàng ngang gánh đất nước trên vai trong cuộc xuống đường vĩ đại của dân tộc chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Con sông truyền thống ấy đang được hợp thành từ những dòng chảy đầy sức ám ảnh.

Học sinh Trường THPT Rạch Kiến, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vào vai các nhân vật chính trong phim ngắn tự dựng từ tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”, một hoạt động ngoại khóa môn Văn. Nguồn: baolongan
Học sinh Trường THPT Rạch Kiến, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vào vai các nhân vật chính trong phim ngắn tự dựng từ tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”, một hoạt động ngoại khóa môn Văn. Nguồn: baolongan

Truyền thống gia đình

Toàn bộ tác phẩm kể về câu chuyện của một gia đình nông dân Nam Bộ bình thường, bé nhỏ cũng như hàng vạn, hàng triệu gia đình đang sinh sống trên cái dải đất hình chữ S này. Nhưng ở đó, ta cảm nhận được một nội lực ngầm với sức mạnh và sự bền chặt đến kì lạ của truyền thống yêu nước, gan góc, dũng cảm và lòng căm thù giặc sâu sắc. Trong cái giọng hò đục và tức như tiếng gà gáy của hình tượng chú Năm, Việt và Chiến đều linh cảm được một điều gì thật thiêng liêng và hệ trọng, mà dường như chú đang như muốn thầm nhắn gửi tới cả hai chị em để chuẩn bị cho cả một cuộc hành trình dài phía trước đầy khó khăn, gian khổ, mất mát, hi sinh nhưng cũng hết sức cao cả và vinh quang. Bởi vậy, giọng hò ấy tuy không hay, nhưng cả hai người con trong gia đình ấy mỗi khi nghe nó cất lên đều cảm thấy thiêng liêng và vô cùng cảm động. Và ngay cả cuốn sổ gia đình mà chú Năm đang lưu giữ cũng vậy. Đọc những câu chuyện được ghi chép lại trong đó, ban đầu chúng ta có cảm giác như nó vô cùng tản mạn, rời rạc, khó chắp nối. Đó là cái chết của thím Năm, cái chết của ông nội, cái chết của ba má Việt và cả đến những đòn roi mà bà nội Việt phải gánh chịu... Ấy vậy nhưng khi lắng lòng mình lại, người đọc chợt nhận ra rằng, đằng sau những câu chuyện ấy là cả một mạch ngầm đang đêm ngày vỗ về, nhắc nhở những đứa con trong gia đình phải luôn khắc ghi, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước vẻ vang của gia đình và quê hương. Được bồi đắp bởi lớp phù sa màu mỡ ấy, nên dễ hiểu vì sao cả Việt và Chiến đều nhanh chóng trưởng thành, đủ sức mạnh để đương đầu và gánh vác những trách nhiệm nặng nề mà thế hệ cha ông đang làm dang dở, đang kì vọng ở lớp lớp cháu con...

Những đau thương

Câu chuyện của gia đình Việt và Chiến tạo được sự cộng hưởng sâu xa và xúc động trong lòng người đọc bởi những đau thương, mất mát mà gia đình ấy phải gánh chịu. Cái vết thương của chú Năm, cái chết của ông nội, hình ảnh người ba bị Tây chặt đầu, người má chết bởi đạn đại bác quân thù khắc sâu vào tâm trí độc giả một nỗi đau nhức nhối. Song tận cùng nỗi đau bao giờ cũng tạo cho con người ta bản lĩnh và sức mạnh để đứng lên, bởi không có gì cao cả hơn là một nỗi đau buồn lớn. Đau thương, mất mát là cội nguồn của lòng căm thù. Bởi thế, ở Việt và Chiến, ta thấy họ luôn luôn có một ý nghĩ thường trực: Phải xung phong đi bộ đội, giết giặc để trả thù cho ba má, cho quê hương và gia đình. Cái hành động cả hai chị em đều xung phong ghi tên tòng quân lên đường ra trận, chính là minh chứng rất rõ ràng cho sức mạnh được tạo nên từ dòng chảy của những đau thương, mất mát mà gia đình ấy phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam!

Sự gắn kết và tình yêu thương

Không phải ngẫu nhiên mà trong những lần tỉnh dậy, trong sự miên man đứt nối của những dòng hồi tưởng khi Việt đang bị thương, anh lại thao thiết nhớ tới những hình bóng của gia đình thân thương: chú Năm, ba má, chị Chiến... Tất cả dường như đang được bồi đắp bởi một dòng chảy vô hình, xa xôi mà rất đỗi thiêng liêng trong tâm linh của Việt. Dòng huyết quản đang tuôn chảy trong cơ thể của chàng giải phóng quân mười tám tuổi ấy không chỉ có truyền thống gia đình và những đau thương mất mát, mà quan trọng hơn là tình yêu thương của Việt dành cho gia đình và quê hương. Bởi ở đó, Việt nhận được sự bênh vực của chú Năm, sự nhường nhịn, yêu thương của chị Chiến và đặc biệt là sự chở che, bao bọc, hi sinh hết lòng của người má thân thương. Tất cả dường như đã hội tụ lại trở thành một bầu khí quyển cung cấp sức sống cho Việt, giúp anh quên đi tất cả nỗi đau thể xác của vết thương đang hành hạ, quên đi sự hiện diện của kẻ thù, quên đi sự cô độc của bản thân trong khu rừng đầy vắng lặng. Việt phải sống.

Việt không thể chết, bởi một lẽ đơn giản, anh không sợ cái chết, nhưng anh sợ cái cảm giác không còn được chiến đấu, không còn được gặp anh Tánh và không còn được sống với chị Chiến, nên chắc chắn Việt phải tự đấu tranh để tồn tại. Vì thế, trong cái thân hình không còn chỗ nào lành lặn, Việt vẫn đủ sức để chống chọi suốt ba ngày, vẫn sẵn sàng chiến đấu khi tưởng quân giặc tới vì một ngón tay của cậu vẫn còn nhúc nhích, một viên đạn đã lên nòng. Sức mạnh diệu kì ấy được tạo nên từ đâu? Đơn giản, khi con người ta không còn đủ sức mạnh về thể xác, thì tinh thần chính là một liều thuốc thần kì giúp con người ta đứng dậy. Việt lúc ấy đang sống, đang sẵn sàng chiến đấu bởi sức mạnh từ truyền thống gia đình, từ lòng căm thù giặc, từ tình yêu quê hương... Tất cả dường như đã hợp thành một dòng sông tâm linh với sức mạnh kì lạ giúp con người ta đứng dậy, chiến đấu và chiến thắng!

Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã đi qua, nhưng dòng sông thao thiết trong “Những đứa con trong gia đình” vẫn mãi lưu giữ dấu ấn trong tâm trí người đọc nhiều thế hệ. Truyện viết về một dòng sông nhưng gợi liên tưởng tới biển cả. Truyện kể về một gia đình nhưng người đọc lại cảm nhận được một đất nước, một dân tộc đang hào hùng chiến đấu bằng sức mạnh sinh ra từ chính những nỗi thương đau. Dòng sông ấy chính là biểu tượng cho sự tiếp nối thế hệ, mãi mãi trường tồn, thao thiết chảy, bay lên cùng chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã đi qua, nhưng dòng sông thao thiết trong “Những đứa con trong gia đình” vẫn mãi lưu giữ dấu ấn trong tâm trí người đọc nhiều thế hệ. Truyện viết về một dòng sông nhưng gợi liên tưởng tới biển cả. Truyện kể về một gia đình nhưng người đọc lại cảm nhận được một đất nước, một dân tộc đang hào hùng chiến đấu bằng sức mạnh sinh ra từ chính những nỗi thương đau. Dòng sông ấy chính là biểu tượng cho sự tiếp nối thế hệ, mãi mãi trường tồn, thao thiết chảy, bay lên cùng chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.