Cô Lê Thị Bích Dung miệt mài với sự nghiệp "trồng người" tại Trường Newton

GD&TĐ - Nhân dịp năm mới Xuân Nhâm Dần 2022, Báo GD&TĐ trao đổi với cô Lê Thị Bích Dung về cái duyên và những thành công trong sự nghiệp trồng người...

Cô Lê Thị Bích Dung nhận bằng khen từ hệ thống Equest Group.
Cô Lê Thị Bích Dung nhận bằng khen từ hệ thống Equest Group.

Quan điểm giáo dục: “Đơn giản hóa mọi khái niệm” - cô giáo Lê Thị Bích Dung, người đặt nền móng cho hệ thống trường Liên cấp Newton đã miệt mài với sự nghiệp trồng người. Với sáng tạo của mình, cô đã đem những tiết học hứng thú, dấp dẫn cho học trò. Trong đó, mang cả chương trình lớp 11 dạy cho học sinh lớp 5 hiểu và hứng thú…

Nhân dịp năm mới Xuân Nhâm Dần 2022, Báo GD&TĐ trao đổi với cô Lê Thị Bích Dung về cái duyên và những thành công trong sự nghiệp trồng người...

PV: Cô giáo Lê Thị Bích Dung chia sẻ về cái duyên với sự nghiệp giáo dục? 

Cô Lê Thị Bích Dung: Từ bé tôi vẫn thích chơi trò chơi làm cô giáo. Tôi rất kính phục những thầy cô dạy mình. Trong những năm học cấp 3, tôi tình nguyện tham gia lớp dạy chữ cho những người chưa đi học tại Khối 84 – Phường Cửa Nam và tôi rất thích.

PV: Quá trình hình thành ngôi trường như thế nào? Tại sao lại đặt tên là Newton?

Cô Lê Thị Bích Dung: Sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa Toán, tôi dạy Toán và dạy lập trình tại khoa Toán - Trường Đại học Mỏ Địa chất và gắn bó 13 năm.

Sau đó tôi đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Tôi có 12 năm ở nước bạn vừa học vừa làm kinh tế.

Năm 2008, sau khi gặp lại các thầy giáo cũ, tôi chính thức quay trở lại với giáo dục và cùng nhau mở Trường Newton. Lúc đó có thầy Trần Văn Nhung (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) đứng đầu.

Thầy Nhung nói rằng: “Ông Newton là một nhà bác học đứng trên vai những người khổng lồ”. Định hướng của trường là hội nhập quốc tế, trong khi cái tên Newton rất phổ cập, học sinh nào cũng biết, dễ nhớ, ngắn gọn.

PV: So với thời điểm hiện tại, trường Newton đã phát triển như thế nào?

Cô Lê Thị Bích Dung: Thời điểm 2008, trường tư rất ít, tuy nhiên cũng có những nhóm phụ huynh định hướng cho con em phát triển theo hướng hội nhập quốc tế.

Vì thế, các học sinh đầu tiên nộp hồ sơ lại là học sinh cấp III. Năm đầu tiên trường tuyển được 3 lớp cấp III, 45 học sinh. Mỗi lớp có 15 học sinh. Cấp II có 1 lớp, 14 học sinh, còn lại là cấp 1. Tổng khoảng 70 học sinh.

Trong suốt 5 năm thuê cơ sở vật chất tại Cung thể thao dưới nước, thời điểm cao nhất trường chỉ có 260 học sinh. Ở đó chỉ thuê 15 phòng nên không có cơ sở vật chất để phát triển. Hiện nay chúng tôi có gần 6.000 học sinh, trong đó có gần 4.000 học sinh Tiểu học.

PV: Trong câu chuyện kinh doanh giáo dục, đâu là điểm khó khăn nhất?

Cô Lê Thị Bích Dung: Có 3 điểm khó nhất: Thứ nhất là tạo môi trường đào tạo nhân cách cho học sinh. Thứ 2 là phương pháp giảng dạy và cuối cùng là cơ sở vật chất. Nhà trường phải cố gắng để tạo ra sự phát triển  cả 3 yếu tố này.

PV: Sự khác biệt trong cách giáo dục của trường Newton với các ngôi trường khác trong khu vực?

Cô Lê Thị Bích Dung: Rất nhiều trường đã làm như trường Newton nhưng chỉ khác là chú trọng điểm gì trước và sau mà thôi.

Chúng tôi luôn suy nghĩ làm thế nào cho các con ngoan,  hiểu bài, được trang bị các phương tiện học tập được đầy đủ và đến trường vui. Chúng tôi luôn luôn suy nghĩ để đổi mới. Phương pháp giảng dạy gắn liền với tình hình phát triển của xã hội. Chỉ cần mình đứng yên nghĩa là mình lùi nên luôn phải tìm tòi và kết hợp với sự phát triển của xã hội để thích nghi. Trong đó, việc kết hợp với công nghệ thông tin vô cùng quan trọng. Tất cả bài giảng hiện tại đều phải số hóa.

PV: Đối với nhà trường, việc dạy và học online đáp ứng được bao nhiêu phần trăm so với học truyền thống?

Cô Lê Thị Bích Dung: Dạy trực tuyến phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có gia đình. Tuy nhiên, thông qua các phương pháp quản lí chặt chẽ thì việc dạy và học online của trường Newton khá hiệu quả.

Cô giáo Lê Thị Bích Dung chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giáo viên nhà trường.
Cô giáo Lê Thị Bích Dung chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giáo viên nhà trường.

Giáo viên và học trò đều sử dụng thành thạo khá nhiều phần mềm CNTT để tương tác. Giáo viên luôn bao quát được học sinh cả lớp trong quá trình các con làm bài tập ở lớp để giáo viên nhắc nhở học sinh kịp thời.

Tại các buổi học online từ cấp 1 đến cấp 3, ngoài cô giáo giảng dạy còn có 1 phó chủ nhiệm chỉ chuyên quản trị lớp, quản lí, nhắc nhở kỉ luật của học sinh. Đối với các trường công sẽ khó có yếu tố này. Vì vậy khi dạy online, giáo viên dạy chỉ cần tập trung vào việc giảng dạy mà không bị xao nhãng để quản lí kỉ cương lớp học. Không những thế, đối với cấp Tiểu học thì chúng tôi chia lớp thành 2 lớp nhỏ.

PV: Trường Newton coi các trường lớn, các trường chuyên tại khu vực là đối thủ hay là mục tiêu hướng tới?

Cô Lê Thị Bích Dung: Mỗi trường đều có điểm mạnh. Cũng có những điểm mình cần phải học hỏi các trường bạn. Newton là một trường tư, định hướng là hội nhập quốc tế nên cũng có những cái riêng.

Ví dụ như thi đại học, trường Newton phủ hết cho học sinh thi IELTS để có thể đổi sang điểm 10 môn ngoại ngữ. Đây là lợi thế và là bước đi đúng hướng của nhà trường.

Năm vừa rồi điểm thi đại học của học sinh rất cao. Năm nay, nhà trường đặt ra mục tiêu 100% học sinh đạt điểm IELTS có thể quy đổi sang điểm 10 ngoại ngữ.

PV: Một tiết học gây sửng sốt do cô đứng lớp, đó là mang toán lớp 11 dạy các bạn học sinh lớp 5, chị có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?

Cô Lê Thị Bích Dung: William Arthur Ward - nhà giáo dục người Mỹ - từng để lại câu danh ngôn nổi tiếng: "Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất sắc biết minh họa. Và người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng".

Đối với tôi, truyền cảm hứng nghĩa là đổi những khái niệm phức tạp, khó trở nên đơn giản, đời thường để học sinh dễ hiểu và quá trình dạy mang lại sự hứng thú cho học sinh. Cũng chỉ là một tìm tòi của tôi theo hướng đó, cũng bình thường và đơn giản vậy thôi.

Về tiết học đó là Cấp số nhân của lớp 11. Tôi xây dựng gộp 2 bài cấp số cộng và cấp số nhân để học sinh so sánh tốc độ tăng của các các loại cấp số.

Tuy nhiên bài này dùng hình ảnh số hạt thóc cho vào 64 ô của bàn cờ vua đến clip sự tàn phá 2 thành phố Hirosima và Nagashaki bởi 2 quả bom nguyên tử để minh họa thì học sinh và giáo viên dự thấy lạ và dễ hiểu.

Học sinh rất hứng thú và tự xây dựng lên các công thức một cách nhanh chóng. Đó là việc đơn giản hóa vấn đề, bài này tôi kết hợp giữa môn Toán và môn Vật lý để học sinh hiểu khái quát vấn đề.

Để cho học sinh ngoan hơn, phương pháp làm học sinh tích cực hơn trong giờ học, để học sinh tiếp cận bài học dễ dàng hơn và ý nghĩa của bài học đó là gì ? luôn là điều tôi trăn trở.

PV: Trong 12 năm của trường Newton, đối với cô đâu là quyết định đúng đắn nhất? đâu là quyết định gây nhiều lấn cấn?

Cô Lê Thị Bích Dung: Quyết định đúng đắn nhất là lựa chọn hướng đi cho nhà trường: Trước sau cũng phải hội nhập. Chính vì vậy, cách đây 12 năm đã xác định phải đưa chương trình nước ngoài vào dạy song song với chương trình Việt Nam. Mong muốn thế hệ mai sau sẽ hội nhập quốc tế dễ dàng. Đó là thế hệ tương lai của Việt Nam phải đạt được như thế.

Trường rất chú trọng vào Ngoại ngữ, Toán và Công nghệ thông tin. Bắt đầu từ khi dịch bùng phát, Newton xác định công nghệ thông tin làm mũi nhọn. Newton có lực lượng giáo viên rất tốt về công nghệ.

PV: Sự kiện tranh chấp ảnh hưởng như thế nào đối với Newton?

Cô Lê Thị Bích Dung: Sự việc tranh chấp của trường đúng là sự việc đáng tiếc cho nhà trường và buồn là tất cả đều thua.

Tuy nhiên, các con đã có một ngôi trường khang trang, rộng đẹp, phụ huynh ở trường đều hiểu và mọi người chỉ quan tâm tới việc con đến trường hạnh phúc, học tốt. Chúng tôi đã sửa sang lại và đón các con. Mong một năm mới an lành đến tất cả mọi người.

PV: Trân trọng cảm ơn cô giáo Lê Thị Bích Dung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ