Cơ hội việc làm ngành công nghệ thực phẩm

GD&TĐ - Những năm gần đây, ngành công nghệ thực phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ khi bước vào ngưỡng cửa đại học.

Những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp chế biến thủy sản, nông sản đang ngày càng phát triển và đóng góp rất lớn vào nền kinh tế quốc dân. Do đó mà ngành công nghệ thực phẩm cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ khi bước vào ngưỡng cửa đại học.

Ngành công nghệ thực phẩm được hiểu như nào?

Ngành công nghệ thực phẩm hay tên tiếng Anh còn gọi là Food Technology là lĩnh vực liên quan đến bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản, kiểm tra chất lượng của thực phẩm và nghiên cứu phát triển thực phẩm dựa trên những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Ứng dụng của ngành này được sử dụng trong lĩnh vực ăn uống, an toàn thực phẩm, nhằm tối ưu hóa dinh dưỡng trong thức ăn và phục vụ nhu cầu ăn uống của cộng đồng.

Những ngành nghề kỹ thuật ứng dụng công nghệ thực phẩm tại Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, có thể kể đến như: công nghệ chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt (thịt đông lạnh, thịt hộp, thịt khô,...), công nghệ sản xuất sữa và chế biến các chế phẩm từ sữa, sản xuất bia, rượu, nước giải khát, sản xuất đường, bánh kẹo, các sản phẩm ăn liền, bảo quản hoa quả, bảo quản và chế biến thủy hải sản,...

Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm sẽ được đào tạo những gì?

Khi theo học ngành công nghệ thực phẩm, bạn sẽ được đào tạo những kiến thức nền tảng, chuyên sâu về hóa học, sinh học, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm, phương pháp chế biến thực phẩm,... Ngoài ra, bạn sẽ được đào tạo về kỹ năng nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, vận hành dây chuyền sản xuất, tổ chức, quản lý công nghệ, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và điều hành việc sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.

Đặc biệt, người học sẽ được thường xuyên thực hành trong phòng thí nghiệm, tập làm quen với việc phân tích thực phẩm, đánh giá mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện các quy trình công nghệ chế biến, sản xuất, bảo quản thực phẩm.

Nhu cầu của thị trường lao động ngành công nghệ thực phẩm

Với sự phát triển ngành càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và nền kinh tế, thu nhập trung bình tăng lên thì nhu cầu sử dụng các thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường ngày càng tăng lên, mục đích là để đảm bảo sức khỏe.

Việt Nam là một trong thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm tiềm năng với quy mô dân số lớn. Ngoài ra, nước ta còn có thế mạnh về nguồn nguyên liệu phong phú và đặc sắc ở các nhóm hàng hóa như gạo, cà phê và hoa quả cùng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước. Tất cả tạo nên một thị trường kinh doanh hấp dẫn và đầy sức hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm.

Công nghệ thực phẩm chính là một trong những nhóm ngành được Chính phủ ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035. Việc đầu tư phát triển công nghệ thực phẩm còn giúp cho các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu từ Việt Nam ra nước ngoài được tin dùng hơn so với các mặt hàng của quốc gia khác.

Trong bối cảnh tiềm năng đó, những đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thực phẩm ngày càng nâng cao, đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao và cốt lõi như đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên gia và các nhà nghiên cứu.

Cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp thực phẩm

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thực phẩm thì cơ hội việc làm của ngành này cũng vô cùng đa dạng và phong phú, có thể kể đến như:

Chuyên viên phụ trách kỹ thuật, dây chuyền chế biến, bảo quản, kiểm định thực phẩm.

Chuyên viên nghiên cứu phát triển sản phẩm: nhiệm vụ là nghiên cứu, nâng cao chất lượng, cải thiện kỹ thuật chế biến thực phẩm, đồng thời nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm mới.

Kỹ sư chế biến nông sản.

Kỹ sư chế biến thủy sản.

Giám sát chất lượng sản xuất, nhân viên kỹ thuật QC.

Nhân viên phụ trách kỹ thuật trong hệ thống phân phối và tiếp thị sản phẩm thực phẩm.

Nhân viên tư vấn và quy định và luật thực phẩm tư.

Chuyên viên kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ quan kiểm nghiệm, trung tâm dinh dưỡng và sức khỏe.

Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng tại các trung tâm dinh dưỡng về vệ sinh và an toàn thực phẩm, trung tâm, y tế dự phòng.

Nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về công nghệ thực phẩm của Việt Nam và nước ngoài, làm việc tại phòng thí nghiệm của các nhà máy, quản lý nhà máy, quản lý chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu có đam mê trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, người học có thể tiếp tục học lên hệ đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên sâu về khoa học và công nghệ thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ