Thông tin này là tin vui đối với giới nghệ sĩ và là hi vọng vào một tương lai tươi sáng cho nghệ thuật nước nhà, kỳ vọng tạo ra cú hích cho nghệ thuật truyền thống.
Niềm vui của giới nghệ sĩ
Theo kế hoạch, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là địa điểm thường xuyên biểu diễn các chương trình nghệ thuật đỉnh cao ngay trong quý III năm nay. Tuy nhiên, để hướng đến phát triển bền vững, Bộ VH-TT&DL sẽ lên kế hoạch tìm thị trường cho loại hình nghệ thuật kén khán giả này.
Bộ VH-TT&DL đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn lên kế hoạch làm việc với các đơn vị để chuẩn bị cho kịch mục biểu diễn tại Nhà hát Lớn từ nay tới cuối năm. Trước mắt, các vở diễn từng đoạt huy chương tại hội diễn, cũng như gây tiếng vang với dư luận, như Hamlet, Lâu đài cát, Tai biến (Nhà hát Kịch Việt Nam), Công lý không gục ngã, Tất cả đều là con tôi (Nhà hát Tuổi trẻ), Vua Phật (Nhà hát Cải lương Việt Nam)… đang được ưu tiên nghiên cứu.
Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chia sẻ: “Với rất nhiều nghệ sĩ trẻ, việc một lần trong đời được biểu diễn tại Nhà hát Lớn luôn là giấc mơ với họ. Các nghệ sĩ đang háo hức với thông tin này. Vì họ muốn được một lần tỏa sáng tại Nhà hát Lớn”. Có lẽ đây sẽ là cú hích cho các nhà hát, là động lực cho các nghệ sĩ biểu diễn, tạo đà cho sự phát triển nghệ thuật nói chung.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh cho rằng, đây là cơ hội để các nhà hát có niềm vui, niềm tin và nỗ lực có chương trình xứng đáng để hút khách. Lâu nay, nhiều tác phẩm lớn không dám đưa ra vì tiền thuê rạp lớn, không thể bù lại bằng tiền bán vé. Trước đây, khi làm xong vở Hamlet, Nhà hát có ý định ít nhất mỗi tháng diễn hai suất tại Nhà hát Lớn, nhưng may ra một năm được một vài đêm. Vé bán rất khó, không đủ bù đắp chi phí nếu không có nhà tài trợ.
Vẫn nhiều rào cản
Trong khi các nhà hát buộc phải dần tự chủ, trong khi sân khấu rơi vào khủng hoảng thiếu vắng khán giả, nhiều ngành đào tạo truyền thống không tuyển được học viên thì việc đưa các môn nghệ thuật truyền thống vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn cũng gặp nhiều rào cản.
Không quá lời khi gọi việc biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một giấc mơ với bất cứ nghệ sĩ nào. Thế nhưng, mức giá thuê Nhà hát Lớn khá cao, dao động từ 35 - 45 triệu mỗi đêm diễn là một trong những rào cản quan trọng của những môn nghệ thuật truyền thống. Hiện tại, nếu không có những dự án hợp tác về biểu diễn, thì những môn nghệ thuật này không có cơ hội biểu diễn ở Nhà hát Lớn.
Thực tế, những loại hình nghệ thuật được coi là “hàn lâm” như sân khấu, ballet, nhạc cổ điển, nhạc kịch… cũng khó tiếp cận với Nhà hát Lớn, bởi việc tìm kiếm khán giả cho những loại hình nghệ thuật này với một mức giá tương xứng là điều không hề dễ dàng. Đặc biệt, với sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, việc tìm kiếm một hợp đồng biểu diễn đủ để trang trải mức phí thuê Nhà hát Lớn lại càng khó.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, lâu nay ngành chạy theo những vụ việc tầm thường bỏ quên nhiệm vụ hàng đầu là tạo ra nghệ thuật đỉnh cao. Sắp tới, Bộ sẽ quyết liệt chỉ đạo xây dựng đề án phát triển nghệ thuật đỉnh cao, trong đó chú trọng các giải pháp để nghệ thuật truyền thống không chỉ được gìn giữ, bảo tồn mà còn phát triển, có thị trường. Phải làm được điều đó thì mới có thể tạo sức hút đối với công chúng, thu hút người trẻ theo học và tham gia vào đội ngũ kế cận.