Tại hội thảo hướng dẫn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục, giai đoạn 2021-2025, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT các tỉnh thành đã đưa ra các giải pháp thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục.
Đồng thời, các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT đã trả lời một số thắc mắc của các Sở GD&ĐT trong quá trình thực hiện Bộ tiêu chí.
Nhiều thuận lợi song vẫn còn khó khăn
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho hay, ngành GD&ĐT TP. Đà Nẵng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, với xuất phát điểm vào năm 2010 tại Hòa Vang chỉ có 23/44 trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học thì đến nay, toàn huyện đã có 43/45 (96,66%) trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 20 trường học so với năm 2009. Cụ thể, 13/15 trường Mầm non, 19/19 trường Tiểu học, 11/11 trường THCS.
Về Tiêu chí 5 (Trường học) ngành GD&ĐT đã chủ động phối hợp cùng các ngành, xã liên quan rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp khớp nối với quy hoạch chung của thành phố, trình thành phố phê duyệt. Thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển cơ sở giáo dục, trên cơ sở quy hoạch quỹ đất công dành cho phát triển giáo dục và đào tạo, qua đó thực hiện việc mở rộng diện tích đủ chuẩn, điều chỉnh điểm trường cho phù hợp, đảm bảo có sân chơi, bãi tập cho học sinh…
Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng nêu ý kiến tại Hội thảo. |
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; trong 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, đã đầu tư xây mới 442 phòng học, 21 phòng bộ môn, nhà đa năng, khu vệ sinh,… Đến thời điểm hiện nay, diện mạo các trường ngày càng khang trang, đảm bảo; trang thiết bị dạy học hằng năm được bổ sung và hoàn thiện dần, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dạy và học trên toàn địa bàn huyện; có 45/45 trường mầm, tiểu học, THCS công lập có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, so với quy định của Trung ương thì Tiêu chí 5 đạt 100%.
Theo ông Linh, kết quả sau 10 năm thực hiện, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của ngành Giáo dục và đào tạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt chuẩn 100% trên cả 2 Tiêu chí liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới (Tiêu chí 5 về Trường học và Tiêu chí 14 về giáo dục) tại toàn bộ 11/11 xã thuộc huyện Hòa Vang và hoàn thành sớm vượt lộ trình so với Trung ương đề ra.
Vị đại diện ngành GD&ĐT TP. Đà Nẵng cũng cho hay, trong thời gian tới, ngành Giáo dục TP. Đà Nẵng tiếp tục đặt ra một số nhiệm vụ. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa về xây dựng cơ sở vật chất trường học, giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non, phổ thông, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; Tiếp tục phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên...
Học sinh mầm non ở miền núi Quảng Nam. |
Còn đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên cho hay, bên cạnh những thuận lợi, còn có một số khó khăn nhất định do địa bàn tương đối rộng, có 3 huyện miền núi, dân cư nằm rải rác, phần lớn học sinh là con em gia đình dân tộc thiếu số, gia đình nghèo, có thu nhập thấp, dân nhập cư nhiều biến động nên việc thực hiện công tác cập nhật và vận động học viên ra lớp giáo dục thường xuyên cấp THCS gặp rất nhiều khó khăn.
“Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phổ cập từ trường đến Sở GD&ĐT phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, nên việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS còn nhiều bất cập, hạn chế…”, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên nêu.
Ngành GD&ĐT tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị một số giải pháp, trong đó hướng dẫn cụ thể định biên giáo viên kiêm nhiệm công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho các địa phương nói chung. Có chế độ trừ tiết dạy cho giáo viên THCS phụ trách công tác phổ cập giáo dục THCS của xã, thị trấn, của phòng, Sở…
Chỉnh sửa, đề xuất nhiều nội dung quan trọng
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, tất cả nội dung liên quan đến tiêu chí Nông thôn mới về lĩnh vực giáo dục đều gắn với đội ngũ Nhà giáo. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Nội vụ có nhiều giải pháp để triển khai công tác phát triển đội ngũ nhà giáo về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
“Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 06, thông tư 16, các quy định định mức trong thông tư này là cơ sở để ngành Giáo dục và Nội vụ tính về biên chế đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, so với định mức ở 2 Thông tư này thì hiện cả nước còn thiếu gần 107.000 giáo viên. Chia ra các cấp học thì mầm non thiếu 44.000 giáo viên, tiểu học thiếu trên 32.000, THCS thiếu 18.000, THPT thiếu gần 12.000”, ông Tuấn Anh thông tin.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tại Hội thảo. |
Theo đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nguyên nhân thiếu giáo viên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, chế xuất… làm trường lớp tăng, học sinh tăng dẫn đến thiếu giáo viên. Bên cạnh đó là chế độ chính sách, tiền lương của giáo viên.
Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết thêm, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp. Trong đó, đề xuất sửa đổi các Thông tư quy định về số lượng người làm việc, định mức biên chế. Theo hướng tính tỷ lệ giáo viên/học sinh và theo vùng miền.
“Các Thông tư 06 và 16 trong thời gian trước không tính theo vùng miền mà chỉ tính 'cào bằng' chung trên toàn quốc. Vì thế sẽ gây khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện các định hướng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình Chính phủ bổ sung gần 66.000 biên chế. Trong đó, năm học 2022-2023 là 27.850 biên chế. Vấn đề này, Cục Nhà giáo tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT có văn bản gửi địa phương đề nghị tuyển dụng hết giáo viên đã được giao.
“Ngoài ra, tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem xét trình Chính phủ đề xuất về mức lương, chế độ phụ cấp cho đội ngũ nhà giáo. Cụ thể, đối với giáo viên mới ra trường đề xuất thẳng vào bậc 2 bỏ qua bậc 1. Mục đích để giải quyết khó khăn cho giáo viên ra trường.
Cạnh đó, đối với giáo viên hợp đồng đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình doanh nghiệp trên cùng địa bàn. Điều này giữ đội ngũ nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có ý kiến tại cuộc họp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội và họp Chính phủ là điều chỉnh phụ cấp cho giáo viên mầm non. Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để chúng ta giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đáp ứng được tiêu chí Nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
“Cơ hội vàng” trong ngành Giáo dục
Kết luận tại hội thảo, PGS.TS Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho hay, các ý kiến tham luận của đại diện các Sở GD&ĐT đã nêu ra đúng những khó khăn mà chúng ta đang đối mặt. “Trong những khó khăn này có những khó khăn bao trùm chung cả hệ thống, tuy nhiên cũng có khó khăn mang tính chất từng địa phương như thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu giáo viên mầm non…”, ông Trinh chia sẻ.
Đại diện Vụ Cơ sở vật chất cũng cho biết thêm, cạnh đó, các Sở GD&ĐT tỉnh, thành cũng chia sẻ những giải pháp trong đó những giải pháp mang tính chất bao trùm có thể kế thừa. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự chủ động tham mưu đề xuất của ngành Giáo dục các tỉnh, thành. Ngoài ra, có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị…
PGS.TS Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) giải đáp các thắc mắc tại Hội thảo. |
“Nhưng đầu tiên là vấn đề về nhận thức từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Đó là sự nhận thức của lãnh đạo và đặc biệt là nhận thức của những người thực thi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhận thức của những người trong ngành Giáo dục là xây dựng nông thôn mới, đó là cơ hội vàng trong ngành Giáo dục đặt trong bối cảnh chung của các tiêu chí khác đồng bộ trong chương trình. Bây giờ nguồn lực đầu tư cho giáo dục là nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Trinh nhấn mạnh.
Từ nhận thức này, chúng ta phải chuyển hóa thành hành động. Cụ thể, nghiên cứu các hệ thống văn bản, để trên cơ sở đó tham mưu xây dựng kế hoạch mang tính khả thi phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương, kế hoạch hằng năm, trung hạn cho việc xây dựng nông thôn mới trong ngành Giáo dục.
Đồng thời, trong kế hoạch phải dự toán kinh phí, để HĐND các tỉnh, thành có Nghị quyết về nguồn lực kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia cộng các chương trình khác để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng tiêu chí mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
“Phải có tầm nhìn xa, hiện các tỉnh, thành đều làm quy hoạch, trong đó chúng ta phải lưu ý phát triển mạng lưới giáo dục địa phương. Nhất là vùng thành phố, khu công nghiệp, phải có quỹ đất cho giáo dục. Tiếp tục tuyên truyền với quan điểm đi vào thực chất, tránh bệnh thành tích. Cạnh đó là công tác quản lý, kế hoạch, chỉ đạo kiểm tra”, ông Trinh lưu ý.