Đây có lẽ là thời điểm phù hợp nhất để mỗi chúng ta cùng suy ngẫm và nhìn lại những mùa tựu trường đã qua, cùng chuẩn bị tâm thế để bước vào mùa tựu trường của năm học 2021 – 2022 với những cơ hội và nguồn xúc cảm mới!
Niềm tin bền vững
Nhưng hơn hết, trong đại dịch Covid-19, người ta vẫn thấy trân trọng và tràn đầy niềm tin vào giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong khi cả thế giới chứng kiến sự đổ vỡ của hàng loạt hệ thống y tế tiên tiến và hiện đại bậc nhất; sự khủng hoảng của hệ thống chính trị biết bao lần làm chao đảo chính trường thế giới, người ta thấy một dân tộc với nền kinh tế còn nhiều yếu kém vẫn điềm tĩnh, tự tin, kiên quyết, đúng đắn và vững vàng trong những quyết sách và hành động.
Dân tộc Việt Nam vẫn đứng vững và đang bước những bước tiến vững chắc trên hành trình chặn đứng sự lây lan của đại dịch làm cho cả thế giới phải kinh sợ. Hiếm có dân tộc nào có những cháu bé 7 – 8 tuổi sẵn sàng đập chú lợn tiết kiệm để ủng hộ chống dịch; có bà mẹ nào hơn trăm tuổi vẫn miệt mài may khẩu trang ủng hộ cho cộng đồng? Có quân đội nào nhường doanh trại khang trang cho người dân còn mình vào rừng lập lán trại? Có đất nước nào sẵn sàng tổ chức những chuyến bay vào tâm dịch để đón đồng bào mình về nước?…
Hơn lúc nào hết, người ta nhận thấy, căn cốt văn hóa Việt vẫn được giữ vững trước thiên tai, dịch họa. Tinh thần nhường cơm sẻ áo, tương thân tương ái, tình nghĩa đồng bào ruột thịt… và hơn hết là niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước vẫn bền chặt. Tất cả góp phần tạo nên một bản sắc Việt, một cốt cách Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới phải bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục.
Bằng bản lĩnh và khí phách văn hóa, dân tộc Việt Nam đang mạnh mẽ bước tiếp hành trình thời đại cách mạng 4.0 với những cơ hội và vận hội mới! Và chắc chắn, trong hành trình ấy, trong những kết tinh của giá trị văn hóa ấy, không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục, của những mùa tựu trường đã góp phần hình thành nên bản lĩnh, cốt cách văn hóa và những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam.
Những lỗ hổng cần phải vá…
Covid-19 vẫn tiếp diễn và đặt đất nước Việt Nam trong những thời khắc và thử thách đặc biệt. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mọi người dân mới chỉ đưa lại cho con người niềm tin chiến thắng đại dịch trong một tương lai gần, song chưa đủ sức để ngăn chặn tốc độ và sự tàn phá khủng khiếp của Covid-19.
Trong tâm điểm của đại dịch, những thái độ, hành vi cư xử của một bộ phận người dân (đặc biệt là giới trẻ) đã và đang cho thấy những “lỗ hổng” trong giáo dục nhân cách, đạo đức con người. Sự thiếu trung thực trong khai báo là một hành vi đáng phê phán. Nhưng nó còn chứng tỏ, việc giáo dục để hình thành cho giới trẻ hiện nay những đức tính cần thiết: Trung thực, trách nhiệm, nhân ái… vẫn còn vô số việc phải làm.
Giáo dục đạo đức, nhân cách trong nhà trường có lẽ mới chỉ dừng lại ở những sự rao giảng một chiều, những bài học giáo điều sách vở…, mà còn thiếu hơi thở của cuộc sống thực tại.
Giới trẻ cần được làm nhiều hơn, đi nhiều hơn để chứng kiến những cảnh đời, thân phận người… nhằm điều chỉnh hành vi, tính cách và tâm thế sống. Cần nhiều hơn những phong trào tình nguyện vì cộng đồng, đưa học sinh đến gần hơn những thân phận kém may mắn để nhận biết, thấu hiểu và sẻ chia, từ đó góp phần hình thành và hun đúc lên nhân cách các em.
Đó quả thực là trách nhiệm nặng nề mà xã hội đặt ra nhiều kì vọng ở ngành Giáo dục, ở những người thầy, người cô trong thời khắc năm học mới bắt đầu. Bởi suy cho cùng, nhân cách con người là đích đến quan trọng nhất của giáo dục và cũng chính là gốc rễ hình thành phẩm chất và năng lực cho người học trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay.
Niềm tin và hi vọng
Chưa bao giờ, người ta thấy quen thuộc với những cụm từ: Trực tuyến, online, đường truyền, tương tác… như thời điểm hiện tại. Câu khẩu hiệu quen thuộc trong những ngày này, không chỉ là Chống dịch như chống giặc, mà đó còn là Tạm dừng đến trường, không dừng học.
Dẫu học trò đã dần quen với những buổi tựu trường nhanh gọn, không có phần hội; đã quen với những buổi học cùng khẩu trang, nước sát khuẩn và khoảng cách giữa trò với trò, giữa trò với thầy cô… nhưng trên ánh mắt các em, thầy cô, cha mẹ vẫn cảm nhận được khao khát gặp gỡ, tụ họp và sum vầy với thầy cô, bè bạn.
Đại dịch Covid-19 diễn ra, đã và đang đặt nhiều vùng miền đất nước đứng trước ranh giới mong manh của sự sinh tồn. Song cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Rồi các em sẽ dần quen với màn hình, với khuôn mặt thầy cô trên máy tính, điện thoại thông minh.
Nhưng hơn lúc nào hết, các em sẽ nhận thấy giá trị hiện hữu và không thể phủ nhận của giáo dục đối với nhân cách, với cách cư xử, thái độ và hành vi của con người trong đại dịch. Cái tiêu cực, cái xấu xa, bóng tối sẽ vẫn còn, nhưng ánh sáng từ những anh chị sinh viên, giáo viên, giảng viên và những y, bác sĩ, chiến sĩ công an, bộ đội cùng vô vàn những con người bình lặng khác vẫn sẽ là gam màu chủ đạo trong bức tranh cuộc sống hiện tại.
Với thầy cô, giữa tâm điểm đại dịch, chưa bao giờ hơi thở cuộc sống lại ngồn ngộn và phong phú đến vậy. Những bài giảng chắc chắn sẽ sinh động hơn từ thanh âm và sắc màu cuộc sống. Trong thời điểm xa trường, xa lớp, xa bạn bè, thầy cô, chắc hẳn học trò sẽ trân trọng và gìn giữ hơn những mùa tựu trường đã có; sẽ mong ước nhiều hơn cho khoảnh khắc tựu trường trong tâm tưởng.
Và như thế, học trò sẽ càng yêu trường, yêu lớp và gắn bó với môi trường học đường nhiều hơn. Nếu các anh chị 2k3 đã từng than thở: Trường còn nợ các em một buổi lễ tổng kết, thì giờ đây, các em 2k6 cũng đang đăng dòng tâm trạng đầy xúc cảm: Mùa tựu trường ơi, em ở đâu? Biết đặt những câu hỏi như vậy, chứng tỏ các em chưa thờ ơ với hiện tại; chưa chán nản với trường lớp, thầy cô. Và như thế, công cuộc đổi mới giáo dục để hình thành những con người Việt Nam của thế kỷ mới ắt hẳn vẫn còn nhiều niềm tin và hi vọng!
Thế giới và Việt Nam đã dần quen với tâm thế sống chung cùng đại dịch. Các em học sinh cũng dần thích nghi với môi trường học đường trong kỉ nguyên số. Nhưng có lẽ xúc cảm đặc biệt từ những mùa tựu trường thì không bao giờ cũ. Tấm lòng thầy cô, học trò của biết bao thế hệ có lẽ sẽ vẫn còn ngân lên những rung cảm dịu dàng trong một thời khắc đặc biệt: Hằng năm, cứ vào độ cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại mơn man những kỉ niệm nao nức của buổi tựu trường.