Cơ hội trong thách thức

Cơ hội trong thách thức

Tôi nhớ mãi chia sẻ của một giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Từ những người luôn nói công nghệ thông tin là dành cho giới trẻ, để đáp ứng yêu cầu mới, các giáo sư của chúng tôi cũng đã trở nên thành thạo với việc mở lớp dạy trực tuyến, giảng dạy trên nền tảng LMS, đã tham gia vào các chat-room của Skype, của Zoom, và giảng dạy trên Microsoft Teams.

Khi PGS.TS, Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương phát biểu tại buổi nhậm chức, muốn phát triển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành trường ĐH thông minh của kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều người trong số chúng tôi còn nghi ngờ, không biết đến bao giờ kỳ vọng đó sẽ thành hiện thực. Thì cho tới hôm nay, dường như công việc giảng dạy của cả trường đã đi vào nề nếp trên nền tảng trực tuyến. “ĐH thông minh” đã dần hiển hiện tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Không chỉ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mà các cơ sở giáo dục trong cả nước đã và đang tận dụng nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 để “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”. Dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình được đẩy mạnh hơn lúc nào hết. Với các bài giảng trên truyền hình, học sinh ở vùng khó khăn cũng có thể được tiếp cận với những giáo viên giỏi nhất. Với các bài giảng trực tuyến, giáo viên, giảng viên có cơ hội khai thác được nguồn dữ liệu phong phú hơn, cung cấp cho người học nhiều ví dụ minh họa hơn và tìm ra các cách thức giao tiếp với người học hiệu quả hơn.

Với tình hình mới, người học giờ đây không chỉ dùng các thiết bị đầu cuối thông minh để lướt web, vào mạng xã hội, mà là để học, tiếp thu kiến thức và tập luyện để sử dụng các thiết bị đó hiệu quả hơn. Như vậy, rõ ràng trong nguy có cơ, trong thách thức có cơ hội. Cơ hội này từng được người đứng đầu ngành Giáo dục nhấn mạnh trong một sự kiện mới đây.

Nhưng điểm mấu chốt là cần làm gì để có thể biến khó khăn thành cơ hội? Trước câu hỏi này, PGS.TS Phạm Thị Huyền – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, đã nhấn mạnh trước tiên đến sứ mệnh của những nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các cơ sở giáo dục: Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chấp nhận thử thách, dám thử những điều mới mẻ. Song, cũng cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng bởi giáo dục luôn có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng.

Bên cạnh đó, không thể thiếu sức mạnh tập thể, sự đồng tâm, hiệp lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, HSSV toàn ngành để cùng tìm ra và thực hiện các giải pháp mà trong điều kiện bình thường, chưa chắc chúng ta đã dám làm và làm được. Dịch bệnh đã tạo ra một sức ép không hề nhỏ tới các quốc gia, tới ngành Giáo dục, tới các nhà quản lý giáo dục, tới từng thầy/cô giáo, từng gia đình và từng học sinh, sinh viên. Nhưng nó cũng đồng thời tạo ra một động lực để cả hệ thống quyết tâm biến đào tạo trực tuyến dường như còn xa lạ, trở thành hiện hữu trong gia đình, tại hầu khắp các cơ sở giáo dục.

Chúng ta hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi, HSSV sẽ quay trở lại trường học; thầy cô sẽ lại được đứng trên bục giảng. Nhưng chúng ta cũng đầy niềm tin để khẳng định rằng, hệ thống giáo dục nói chung và từng thành viên trong hệ thống giáo dục đó đã tạo cho mình một thói quen mới, một hành vi mới để tận dụng tốt hơn thành tựu của khoa học công nghệ, để thích nghi với kỷ nguyên của số hóa.

Khi các hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ theo cách truyền thống là cơ hội để sáng tạo những cách vận hành mới để cuộc sống tiếp diễn, học tập, làm việc, giải trí. Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, ngành GD-ĐT luôn được ưu tiên số một. “Một quốc gia chuyển đổi số thành công thì đầu tiên phải thành công trong chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. Chính ngành này chuẩn bị lực lượng công dân và nhân lực có kỹ năng số” - như lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ