Hội thảo có sự tham dự của: ông Ed Vaizey – Đặc phái viên Thương mại và Văn hóa của Vương Quốc Anh tại Việt Nam, Lào, Campuchia; bà Hoàng Vân Anh – Giám đốc Chương trình giáo dục Hội đồng Anh VN; bà Phan Thị Bảo Phi – Quản lý dự án đại học Hội đồng Anh VN; Giáo sư Alex Kendall – Chủ nhiệm dự án ĐH Birmingham City; PGS. TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng hơn 100 cán bộ, giảng viên và nghiên cứu sinh đến từ trường ĐH Birmingham City (Anh Quốc); ĐH Vũ Hán (Trung Quốc); ĐH Nguyễn Tất Thành; ĐH Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Sư phạm TPHCM; ĐH Tài chính Marketing; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn…
Tại hội thảo, 18 bài tham luận đã được các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục trình bày xoay quanh các vấn đề về phương pháp sư phạm, giúp hỗ trợ người học trong các bối cảnh quốc tế hóa từ đó đề xuất phương hướng triển khai tại Việt Nam.
Cụ thể là xây dựng/thiết kế kinh nghiệm học tập lấy sinh viên làm trọng tâm; đào tạo hướng nghiệp; hỗ trợ sinh viên nâng cao hiệu quả học tập tại cơ sở làm việc; tăng khả năng chuyên môn thông qua việc áp dụng những ứng dụng công nghệ hỗ trợ học tập tiên tiến từ trường ĐH Birmingham City (Anh quốc)….
Sau hội thảo, các chuyên gia sẽ xây dựng một diễn đàn nhằm giúp các nhà làm giáo dục có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như áp dụng những phương pháp giảng dạy mới.
Hội thảo còn là dịp tổng kết lại những thành quả đạt được từ dự án “Hỗ trợ nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên thông qua phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm” được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Birmingham City cùng thực hiện trong năm 2016 và với sự mở rộng tham gia của ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Sư phạm ĐH TPHCM trong năm 2017.
Quang cảnh hội thảo |
PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “Dự án bắt đầu từ năm 2016, với việc áp dụng phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trọng tâm, nhà trường đã nhận được nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo cũng như học tập của sinh viên. Tiếp nối thành công đó, năm 2017 nhà trường tiếp tục tìm hiểu và triển khai phương pháp học tập phản chiếu tích cực.
Cụ thể, trong công tác đào tạo, nhà trường sẽ vận dụng mô hình thực tế, nơi mà sinh viên có thể thực hành trực tiếp những kiến thức mà mình đã học ngay tại trường. Với phương pháp này, sinh viên có thể tự tin hơn, hiểu biết hơn, không bị tình trạng xa rời thực tế. Sinh viên biết mình học cái gì, áp dụng ở đâu và vận dụng ra sao.
Trong phương pháp này, không chỉ có sinh viên thay đổi mà cả giảng viên cũng có những chuyển biến tích cực. Giảng viên trở thành những “hình mẫu” để sinh viên noi theo. Họ không chỉ truyền thụ kiến thức, kỹ năng mà cả thái độ giảng dạy.
Chủ đề năm học 2017-2018 là Chất lượng cao – Việc làm tốt, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chú trọng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo mang tính thực tế ứng dụng, đổi mới trong giáo dục đại học với mô hình Giáo dục 4.0 giúp hoạt động dạy và học tập diễn ra ở mọi nơi.
Cùng với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, trong tương lai, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ hợp tác với nhiều tổ chức Anh Quốc hơn trong tổ chức các hội thảo chuyên đề bổ ích và mang tính chuyên môn cao giúp các nhà giáo, nhà nghiên cứu, sinh viên gặp gỡ, chia sẻ về tầm nhìn, định hướng, và kinh nghiệm đổi mới trong phương pháp giảng dạy, qua đó định hình và phát triển một nền giáo dục hiện đại cho thế kỷ 21.
PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng hi vọng: “Trong tương lai, những thành quả của các phương pháp này mang lại sẽ được nhân rộng ra không chỉ trong khoa, ngành mà cả phạm vi toàn trường ĐH Nguyễn Tất Thành và hơn thế nữa là các trường đại học trên địa bàn thành phố”.