Dấu ấn năm học bản lề
Năm học 2016 - 2017 là năm học bản lề, năm học đầu tiên toàn ngành GD-ĐT thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã tác động đến nhận thức và hành động của toàn ngành.
Các địa phương đã quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.
Các chủ đề giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh. Việc triển khai dạy và học ngoại ngữ được điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.
Đáng lưu ý, hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh thông qua việc ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác về GD-ĐT, tiếp nhận công nghệ mới về dạy học, quản lý nhà trường. Việc đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; nhiều cuộc thi, hội thi đã được cắt bỏ để giảm áp lực.
Một trong những “điểm sáng” của năm học là Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đảm bảo khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Cùng với đó, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành, Bộ GD&ĐT hiện đang tích cực rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các điều kiện đảm bảo chất lượng…
Đánh giá về những kết quả khả quan mà 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản mang lại, ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang - cho biết: “Sự cụ thể, trọng tâm của các nhiệm vụ, giải pháp giúp địa phương chủ động hơn”.
Theo ông Khanh, nội dung của từng nhiệm vụ và giải pháp của năm học 2017 - 2018 được định hướng khá cụ thể, có trọng tâm và trọng điểm. Trong từng nhiệm vụ và giải pháp có phân công trách nhiệm rõ nội dung nào thuộc trách nhiệm của Bộ, nội dung nào thuộc trách nhiệm của các địa phương…
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, năm học 2016 - 2017, chất lượng GD&ĐT của tỉnh từng bước được nâng lên. Ông Lê Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết:
Trong năm học vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song toàn ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau - đã có nhiều cố gắng nỗ lực và tập trung triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản theo Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm trong năm học của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Ngành Giáo dục Cà Mau đã quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; công tác định hướng nghề được tăng cường, lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh…
Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học; rà soát, đánh giá toàn diện việc triển khai dạy và học ngoại ngữ, tin học trong giai đoạn 2011 - 2016; điều chỉnh bổ sung dạy và học ngoại ngữ, tin học giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo để phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng Công nghệ thông tin được đẩy mạnh, triển khai hiệu quả hệ thống các phần mềm; tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục và đào tạo; cơ sở vật chất nhiều trường được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa; hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ trẻ em mầm non được đến trường tăng đáng kể; mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được triển khai và đạt hiệu quả rất tốt…
Nắm bắt cơ hội để tạo đột phá
TP Cần Thơ là thành phố trẻ, với xuất phát điểm thấp so với 5 thành phố lớn của cả nước nên việc thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản được xác định giải pháp để tạo bước đột phá về GD&ĐT.
Theo bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Năm học 2017 - 2018, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Đặc biệt chú trọng việc tiếp tục đảm bảo nề nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục.
Chú trọng các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên cốt cán đảm bảo đủ năng lực triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tập trung công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu của thành phố…
Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả bước đầu đạt được của việc thực hiện Kế hoạch “Trường điển hình đổi mới” năm 2017, ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Trường điển hình đổi mới” giai đoạn 2018 - 2020.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm học qua, ngành GD-ĐT Cà Mau xác định năm học 2017 - 2018 là năm học “Vì chất lượng giáo dục, vì học sinh”. Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau: Năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục Cà Mau tiếp tục thực hiện có hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Cụ thể là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng giáo dục phẩm chất, năng lực của người học; đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông…
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Cà Mau cũng đẩy mạnh thực hiện những giải pháp cơ bản như: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh...