Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), xuất khẩu ô tô của nước này trong nửa đầu năm 2023 đạt 2,34 triệu xe, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn theo báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nghiên cứu và phân tích quốc tế Moody’s, Trung Quốc đã vượt qua Đức trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ hai thế giới và hiện đang trên đường vượt Nhật Bản để soán ngôi đầu bảng.
Thành tựu trên của Trung Quốc là nhờ tập trung đầu tư cho xe điện. Nhu cầu về xe điện tăng cao khiến tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc vượt mức trước đại dịch.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023, doanh thu xuất khẩu xe điện của Trung Quốc tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng xuất khẩu ô tô từ Nhật Bản và Thái Lan (tính cả xe truyền thống và xe điện) chưa thể quay trở lại mức trước đại dịch.
Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện nói riêng và xuất khẩu ô tô nói chung vì tự sản xuất pin lithium, dùng trong xe điện.
Nước này sản xuất hơn 50% nguồn cung lithium cho thế giới với chi phí lao động thấp hơn so với đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời sở hữu nhiều công xưởng chế tác kim loại.
Ngoài ra, Trung Quốc đã nhận ra tiềm năng của xe điện và đầu tư cho lĩnh vực này từ rất sớm. Năm 2000, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra các gói ưu đãi, miễn giảm thuế để khuyến khích người dân mua ô tô điện nội địa, làm tiền đề để nước này xuất khẩu xe điện.
Làn sóng thúc đẩy xe điện đã giúp các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vươn ra toàn cầu nhưng con đường phía trước không phải là không có rào cản, nhất là khi nước này muốn “ghi dấu” trên thị trường châu Âu và Mỹ. Khó khăn lớn nhất nằm ở chính sách của chính phủ các nước và ảnh hưởng từ địa chính trị.
Đơn cử, hồi tháng 5, Pháp công bố kế hoạch trợ cấp cho người tiêu dùng mua xe điện mới được sản xuất ở châu Âu và đáp ứng các tiêu chuẩn cacbon của EU.
Động thái này được dự đoán giúp ngành công nghiệp ô tô trong khu vực chống lại mối đe dọa từ hàng nhập khẩu Trung Quốc, vốn có giá thành rẻ hơn.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thể hiện lập trường cứng rắn: “Chúng tôi sẽ không sử dụng tiền thuế của người dân Pháp để thúc đẩy các ngành công nghiệp ngoài châu Âu”.
Tiến chân vào thị trường Mỹ là thách thức khác của các hãng ô tô Trung Quốc.
Hồi tháng 8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó có điều khoản cho phép người mua ô tô nhận khoản thuế tín dụng lên tới 7.500 USD nếu mua một chiếc xe điện được lắp ráp ở Bắc Mỹ.
Động thái này được cho là chặt đứt ảnh hưởng của ô tô Trung Quốc tại thị trường Mỹ trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, nhu cầu ô tô trong nước của Trung Quốc đang đối mặt với sự trì trệ do nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, các gia đình giảm nhu cầu mua sắm.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc bán 11,4 triệu ô tô trong nước nhưng mức tăng trưởng chủ yếu đến từ xuất khẩu. Xuất khẩu tăng vọt lên 81% nhưng doanh số bán hàng trong nước chỉ tăng 1,7%.
Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí trong cuộc chiến giá xe điện với “ông lớn” Tesla.
Việc cắt giảm nhân sự sẽ khiến hàng triệu công nhân mất việc làm, biến lĩnh vực sản xuất ô tô trở thành lực cản với sự hồi phục kinh tế của đất nước sau Covid-19.