Cơ hội nào để học sinh tiếp cận nghiên cứu KHKT?

GD&TĐ - Hiện nay, có những HS THPT không chỉ học kiến thức trong sách vở, sự tò mò, ham hiểu biết đã thu hút các em đến với khoa học kỹ thuật (KHKT) một cách say mê, sáng tạo và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, việc hỗ trợ HS tham gia nghiên cứu KHKT vẫn còn nhiều cái khó, cần sự chung tay của các lực lượng trong và ngoài ngành GD.

SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mang sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật đến trường phổ thông để truyền cảm hứng cho HS
SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mang sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật đến trường phổ thông để truyền cảm hứng cho HS

Luôn có ngọn lửa đam mê tìm hiểu KHKT trong HS phổ thông, tuy nhiên, việc khích lệ HS tiếp cận KHKT và tham gia các cuộc thi sáng tạo ở lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế.

Dùng sản phẩm sáng tạo KHKT để “hút” học sinh

Say sưa giới thiệu với một nhóm HS THCS về sản phẩm đo chất lượng không khí do chính mình sáng tạo, Nguyễn Hữu Kim (tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) nói: “Tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn hiện nay rất đáng lo ngại. Những hạt bụi có bán kính nhỏ hơn 2,5 micromet tương đương kích thước 1/30 một sợi tóc là bụi có hại cho sức khỏe. Có thể gây ảnh hưởng trực tiếp với cơ thể, có thể vào phổi, xâm nhập vào máu và gây ra một số bệnh ung thư…”. Mục đích sáng tạo sản phẩm này của nhóm Kim và vừa làm ra máy đo mức độ ô nhiễm của không khí, vừa là sản phẩm trực quan sinh động hỗ trợ dạy STEM cho HS.

Dự án mang những sản phẩm sáng tạo KHKT đến với HS của nhóm của Kim đã nhận được tài trợ của một số đại sứ quán (ĐSQ), như Mỹ, Cộng hòa Séc… Nhờ có sự tài trợ này, nhóm của Kim thời gian qua đã tích cực mang sản phẩm sáng tạo đến các trường phổ thông, giới thiệu về STEM, về KHKT cho HS.

Nguyễn Hữu Kim cho biết, trong lúc chờ thực hiện “offer” du học thạc sĩ ở nước ngoài, thời gian rảnh cậu cùng nhóm SV trong dự án đến nhiều trường THCS, THPT, với mong muốn truyền cảm hứng yêu thích sáng tạo KHKT cho HS. “Nếu một HS phổ thông sớm có điều kiện thể hiện đam mê sáng tạo KHKT, sau khi tốt nghiệp THPT cũng có thể sẽ theo đuổi công việc gắn với sáng tạo KHKT” - Kim nhận xét - “Việc nghiên cứu KHKT thường được SV các trường ĐH đi sâu hơn, vì đây là nội dung có trọng điểm rõ ràng ở bậc ĐH. Còn ở các trường phổ thông chủ yếu chỉ hướng tới GD kiến thức nền tảng cho HS”.

Theo chân dự án, tiếp xúc với HS nhiều trường phổ thông, Nguyễn Hữu Kim cho rằng hoạt động nghiên cứu KHKT ở môi trường GD phổ thông tại Việt Nam chưa được phổ biến. “HS các trường phổ thông chủ yếu mới được học những kiến thức trên lớp, trong sách giáo khoa. Nhiều kiến thức rất khô khan, HS lại ít được tiếp cận thực tiễn và rất ít tiếp xúc với các dự án KHKT”, Kim chia sẻ. “Tuy nhiên, khi nhóm mang các sản phẩm KHKT đến những trường phổ thông ở Hà Nội, như: THPT Amsterdam, THPT Tạ Quang Bửu, THPT Kim Liên… thì thấy rằng thực tế có rất nhiều HS đam mê nghiên cứu KHKT. Nếu có điều kiện, được khuyến khích, chắc chắn rất nhiều HS sẵn sàng tham ra các dự án KHKT”.

Học sinh mong đợi gì?

May mắn được tham gia một dự án (project) thực tế, Lê Tuấn - HS chuyên Toán (Trường THPT Chuyên Hạ Long, một trong hai HS đoạt giải thưởng về nghiên cứu KHKT quốc tế) chia sẻ: “HS phổ thông không có nhiều cơ hội tiếp cận với các dự án nghiên cứu KHKT. Ngay nhiều HS trong trường em có tiềm năng tham gia các dự án, nhưng vẫn ít điều kiện để thể hiện đam mê và năng lực”. Tuấn cho biết, trong cuộc thi quốc tế, được tiếp xúc với HS THPT của các quốc gia khác, em thấy rằng ngay từ phổ thông HS ở các trường nước ngoài đã được tham gia những project, có nghiên cứu riêng và được nhà trường, gia đình, doanh nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện.

Lâu nay trong và ngoài ngành GD vẫn nói nhiều đến sự hợp tác, liên kết giữa trường ĐH với doanh nghiệp song dường như sự hợp tác, gắn kết tương tự vẫn bỏ trống ở các trường phổ thông, trong vấn đề hỗ trợ HS tìm hiểu, nghiên cứu KHKT. Hiện nay vẫn tồn tại tâm lý cho rằng HS phổ thông còn nhỏ tuổi, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị ngoài ngành GD chưa nhìn thấy “lợi ích” của việc hợp tác với trường phổ thông. 

Còn Mạnh Tuấn Hưng - HS chuyên Lý (cùng đội nghiên cứu với Lê Tuấn) thẳng thắn: “Khi tham gia một dự án nghiên cứu KHKT, em có cơ hội tiếp xúc với nhiều HS ở các trường tỉnh/thành khác. Qua trao đổi với các bạn, em thấy hiện nhiều trường THPT vẫn xem trọng vấn đề học văn hóa hơn nội dung khác, không coi trọng đam mê nghiên cứu KHKT của HS. Thậm chí, có những trường THPT không biết (hoặc không giới thiệu) về những cuộc thi sáng tạo KHKT trong và ngoài nước dành cho cho HS, không khuyến khích HS tham gia”.

Tuấn Hưng cũng cho rằng, việc tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa KHKT chưa được xem trọng ở trường phổ thông là một thiệt thòi cho HS. Mặc dù, với kinh nghiệm đã tham gia dự án KHKT, theo Tuấn Hưng, việc đầu tư cho một dự án tốn khá nhiều thời gian, song điều lý thú là thực hiện dự án về KHKT giúp HS THPT vận dụng được rất nhiều kiến thức đã học trong sách giáo khoa.

Là HS chuyên Khoa học tự nhiên, Tuấn Hưng cho rằng bản thân và nhiều HS THPT khác, kể cả HS chuyên đều có mong muốn tìm hiểu và biết thêm những kiến thức thực tiễn ngoài sách vở. Theo Tuấn Hưng, nếu có điều kiện tham gia nhiều “project” và các cuộc thi về sáng tạo KHKT thì HS sẽ có cơ hội thể hiện khả năng và niềm đam mê sáng tạo.

“Thể hiện bản thân và để lại được một dấu ấn gì đó trong thời gian học phổ thông là mong muốn của nhiều HS. Chỉ cần có được sự khích lệ và tạo điều kiện để tham gia một “project” phù hợp với năng lực, điều đó khiến HS THPT như em cảm thấy rất tự hào” - Tuấn Hưng tâm sự. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ