Cơ hội nào cho hòa bình?

GD&TĐ - Thế giới đang phải chứng kiến hai cuộc chiến tranh cùng một lúc giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thế giới đang phải chứng kiến hai cuộc chiến tranh cùng một lúc giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas. Sau một thời gian dài giao tranh đẫm máu đang xuất hiện những điều kiện ngừng bắn nhưng cơ hội hòa bình vẫn còn khá xa vời.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/11 tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin không bao giờ từ chối đối thoại và luôn sẵn sàng cho những cuộc đàm phán, đặc biệt là tại các hội nghị thượng đỉnh, với điều kiện đó là những cuộc đối thoại thực chất.

Nga cũng khẳng định vẫn để ngỏ đối thoại với Ukraine để tìm lối thoát cho cuộc chiến dai dẳng hiện nay, nhưng cáo buộc Kiev chịu sự chi phối của phương Tây nên không có thiện chí đàm phán.

Rào cản lớn nhất hiện nay là việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi cuối năm ngoái đã thông qua sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin, sau khi Nga sáp nhập 4 khu vực gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Quan điểm đình chiến lập lại hòa bình của ông Zelensky hiện nay gồm việc Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine và bồi thường chiến tranh. Moscow tuyên bố để ngỏ cho đối thoại nhưng bác bỏ quan điểm này và cho rằng điều kiện hòa bình mà Kiev nêu ra là phi thực tế. Do đó, dù tuyên bố mới nhất của Nga có thể làm lóe lên tia hy vọng hòa bình nhưng nó đã nhanh chóng vụt tắt như những lần trước đây.

Triển vọng ngừng bắn và lập lại hòa bình trong cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn mờ mịt khi các cuộc đàm phán song phương tiếp tục bế tắc. Việc các đồng minh phương Tây vẫn không ngừng bơm vũ khí cho Ukraine đối đầu với Nga cũng cho thấy việc đạt được thỏa thuận trong cuộc chiến này vẫn là điều xa vời vào thời điểm hiện nay.

Bối cảnh tương tự cũng đang diễn ra với cuộc chiến thứ hai trên thế giới hiện nay là cuộc xung đột Israel - Hamas. Cuộc chiến này mới chỉ diễn ra hơn một tháng, ngắn hơn nhiều so với cuộc chiến tranh kéo dài gần hai năm giữa Nga và Ukraine, nhưng mức độ khốc liệt có thể còn hơn, với số thương vong của dân thường cao hơn.

Cuộc xung đột trên Dải Gaza đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất khi lực lượng bộ binh Israel đang “cầy nát” thành phố Gaza để quyết tiêu diệt lực lượng Hamas đến cùng.

Đến ngày 14/11, một tia hy vọng ngừng bắn lóe lên khi Abu Obaida - người phát ngôn của Lữ đoàn al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, tuyên bố lực lượng này đề nghị trao đổi với Israel từ 50 đến 70 con tin, để đổi lại lệnh ngừng bắn kéo dài khoảng 5 ngày.

Theo tờ Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao Israel, nước này và Hamas có thể đang tiến gần đến một thỏa thuận trao đổi con tin, trong đó hầu hết phụ nữ và trẻ em bị Hamas bắt giữ có thể được trả tự do.

Kể từ khi xung đột nổ ra ngày 7/10, Hamas đã bắt giữ hơn 240 người tại Israel làm con tin, bao gồm cả các công dân nước ngoài. Đề xuất thả một nhóm con tin của Hamas nói trên đang vấp phải quan điểm trái ngược từ phía Israel khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn khẳng định sẽ chỉ ngừng bắn tại Gaza khi tất cả hơn 240 con tin được trả tự do an toàn.

Israel cũng giữ nguyên quan điểm sẽ phi quân sự hóa hoàn toàn Dải Gaza để đảm bảo trong tương lai không còn mối đe dọa nào từ dải đất này đối với người Do Thái. Để làm được điều này, cuộc chiến sẽ còn khốc liệt hơn và đề xuất ngừng bắn như Hamas đưa ra sẽ tiếp tục lâm vào bế tắc tương tự như cơ hội hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ