Cơ hội nào cho giáo dục vùng khó: Vượt lên nghịch cảnh

GD&TĐ - Trên hành trình chạm đến ước mơ, học sinh dân tộc phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. 

Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Ngô Chuyên
Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Ngô Chuyên

Tuy nhiên, các em luôn vững tin phấn đấu bởi bên cạnh luôn có sự đồng cảm, sẻ chia, động viên của các thầy, cô giáo.

Học trò trải lòng

Mùa Thị May, sinh viên năm nhất của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), là một trong 142 học sinh, sinh viên, thanh niên cả nước được vinh danh tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu năm 2022, chia sẻ: “Em sinh ra tại huyện bản Bó Chạy, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Vào tiểu học, mỗi ngày em bộ 3km đường núi để đến trường. Nhiều hôm trời rét, đường đất trơn trượt em phải xách dép, đi chân đất, quần áo ướt sũng, lạnh… đến trường”.

Thế nhưng, May không đầu hàng khó khăn, vẫn miệt mài học tập. Hết tiểu học, May được chuyển lên trường nội trú huyện. “Tại ngôi trường mới, em không còn phải lo đói hay những ngày đến trường trong giá rét, chân trần. Em được ăn no, mặc ấm, thầy cô chăm sóc…”, May chia sẻ và cho biết thêm: “Trong quá trình học THCS, em chứng kiến cảnh bạn mình bỏ học đi lấy chồng, cuộc sống chạy ăn từng bữa không đủ, đói nghèo bủa vây. Điều đó càng thôi thúc em phải học. Học là con đường giúp em thay đổi cuộc đời…”.

Theo Đinh Thị Lệ Quyên, lớp 10 Trường PTDTNT THCS&THPT Bắc Yên (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), để truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh phấn đấu, nhà trường đã mời cựu học sinh thành đạt, đỗ vào các trường đại học lớn từ nhiều khóa về chia sẻ kinh nghiệm, cách khắc phục khó khăn, phương pháp học hiệu quả tăng cơ hội đậu vào trường đại học mong muốn.

“Câu chuyện về ý chí, nghị lực từ các cựu học sinh người DTTS thành công và được vinh danh đã giúp em loại bỏ tự ti khi sinh ra ở miền núi, địa phương điều kiện khó khăn. Em cũng tự dặn bản thân cố gắng học tập, phấn đấu để thực hiện ước mơ cuộc đời…”, Quyên bộc bạch.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Mùa Thị May đạt 27,25 điểm, trúng tuyển chuyên ngành Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Giáo Dục - ĐH Quốc gia Hà Nội). May chia sẻ: “Em muốn làm cô giáo để sau này trở về quê hương dạy cho các em nhỏ quê mình, muốn góp một phần công sức bản thân để thay đổi suy nghĩ, nhận thức người dân quê em…”.

Sầm Thị Hiền Diệu, sinh viên năm nhất Khoa Đông Phương học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội là người dân tộc Thái, ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Hiền Diệu cho biết: “Ngày em có giấy báo trúng tuyển đại học, cả bản đến nhà chúc mừng. Họ gửi gắm vào em niềm hi vọng và coi em như tấm gương để dạy trẻ nhỏ trong bản…”.

Hiền Diệu kể thêm, bản em chủ yếu có người dân tộc Thái sinh sống. Trước em, nhiều anh chị học xong THCS, THPT đều nghỉ học đi làm thuê, có người lấy chồng. Số người đi học đại học, cao đẳng rất ít. Do vậy khi nghe tin ai trong bản đỗ đại học hay THPT thì mọi người vui mừng như trảy hội. Tất cả đều hi vọng thế hệ trẻ có thể thay đổi cuộc đời, giúp bản thoát nghèo. Hiền Diệu đã đặt mục tiêu, trong 4 năm đại học sẽ hoàn thành tốt chương trình, năm thứ hai học thêm văn bằng 2 ngành Báo chí để sau khi ra trường cơ hội kiếm việc làm tốt hơn.

Cũng giống như Diệu Hiền và May, Cao Thùy Linh Son, sinh viên năm đầu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn trở thành cô giáo để truyền đạt kiến thức cho trẻ nhỏ vùng cao. Từ nhỏ, Son đã chứng kiến cảnh bố mẹ mưu sinh vất vả kiếm tiền cho Son và các chị em ăn học. Do đó, dẫu nhà cách trường 12km nhưng Son vẫn cố gắng đến trường đầy đủ. Ba năm học THPT, Son luôn xếp loại giỏi và lớp 12 đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn. Năm học 2021 - 2022, Cao Thùy Linh Son vinh dự được kết nạp Đảng tại Trường THPT Cẩm Thủy 1 (Thanh Hóa).

Mùa Thị May - một trong 142 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS cả nước năm 2022. Ảnh: NVCC

Mùa Thị May - một trong 142 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS cả nước năm 2022. Ảnh: NVCC

Tạo điều kiện tốt nhất cho học trò

Tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), ngoài chú trọng xây dựng chương trình dạy học, chăm sóc học sinh nội trú, Ban giám hiệu, thầy cô còn quan tâm truyền cảm hứng để học sinh học tập, phấn đấu.

Hiệu trưởng nhà trường, cô Vương Xuân Thuận, chia sẻ: “Mỗi học sinh khi vào trường nội trú, điều đầu tiên chúng tôi quan tâm là làm sao để các em khỏe mạnh, yên tâm học tập. Sau khi nắm bắt tâm lý, mong muốn, thầy cô cùng bàn bạc, lên kế hoạch hướng dẫn các em học tập tốt nhất…”.

Cô Thuận cũng cho biết, luôn động viên học sinh dù xuất phát điểm khó khăn, vất vả tới đâu cũng không đầu hàng, khuất phục; càng khó khăn thì ý chí, nghị lực phải mạnh mẽ hơn nữa. Học ngành nghề gì cũng được, miễn các em có ý chí, chăm chỉ rèn luyện… thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở.

Năm học 2021 - 2022, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn có Ninh Việt Hoàng (sinh viên năm nhất Trường ĐH Nội vụ) góp mặt tại Lễ tuyên học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022. Cô Thuận khẳng định: “Hoàng là tấm gương sáng để các thế hệ học sinh sau này noi theo, học hỏi…”.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: “Để hỗ trợ học sinh vùng khó an tâm học tập, tỉnh Lạng Sơn chú trọng đầu tư toàn diện cơ sở vật chất, giáo viên cho các trường DTNT. Tỉnh có 11 trường DTNT (bậc THCS, THPT), học sinh theo học tại đây được bố trí nơi ở, cấp học bổng, sách vở, dụng cụ học tập và trang phục… Môi trường học tập, sinh hoạt bảo đảm, các hoạt động giáo dục đa dạng, phù hợp sẽ phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh…”.

Ông Huyên cũng cho biết thêm, với giáo viên tuyển chọn vào trường DTNT giảng dạy sẽ ưu tiên người có chuyên môn giỏi, kinh nghiệm dạy học và chăm sóc học sinh. Tỉnh Lạng Sơn có 97 trường PTDTBT các bậc học (TH, THCS, THPT). Hàng tháng học sinh được hỗ trợ ăn, ở bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nhiều mô hình trường trọng điểm, lớp trọng điểm chất lượng cao được áp dụng nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng học tập các môn, nội dung nâng cao của học sinh trong các trường này.

Chính sách về phát triển giáo dục – đào tạo ở vùng đồng bào DTTS, miền núi là con đường ngắn nhất góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng DTTS và miền núi”, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.