Cơ hội nào cho giáo dục vùng khó: Mang chữ đến bản xa

GD&TĐ - Vượt qua những khó khăn, gian khổ, nhiều thầy, cô giáo tình nguyện dành cả thanh xuân cho những học trò ở những bản làng xa xôi nhất...

Thầy Sùng A Trừ dạy học sinh đọc chữ. Ảnh: NVCC
Thầy Sùng A Trừ dạy học sinh đọc chữ. Ảnh: NVCC

Người Mông trở về dạy chữ

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) có 530 học sinh con em đồng bào Mông theo học. Cùng là người Mông, hiểu rõ những vất vả học trò gặp phải nên từ khi ngồi ghế nhà trường, Sùng A Trừ đã mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ trở về dạy học tại quê hương.

“Các em nhỏ phải đi bộ từ 6 - 7 tiếng đồng hồ để đến trường. Xa xôi như vậy, nếu không đủ giáo viên thì giáo dục càng trở nên khó khăn, học trò thiệt thòi. Trở về, mình quyết dùng tất cả nhiệt huyết, yêu thương để dạy dỗ học trò từ kiến thức đến kĩ năng. Mình luôn mong các em yêu thích học tập, đến trường lớp đầy đủ. Có như vậy chất lượng giáo dục vùng khó mới nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới…”, thầy Sùng A Trừ chia sẻ.

Nhớ lại những ngày băng rừng, vượt núi vận động các gia đình cho con đến trường, thầy Trừ tâm sự: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là những ngày vận động trò đi học. Đường sá xa xôi, khó đi vô cùng, thầy cô phải đi bộ hàng chục km để đến từng nhà thuyết phục học sinh lẫn phụ huynh. Có gia đình hiểu và nghe theo thầy cô sau khi được tuyên truyền vận động, nhưng cũng không ít học sinh, phụ huynh lạc hậu, chưa coi trọng giáo dục nên lẩn tránh, thuyết phục chẳng dễ dàng. Thế nhưng, càng khó giáo viên vùng khó chúng tôi càng quyết tâm đưa bằng được học trò đi học, duy trì chuyên cần trường lớp...”.

Gắn bó với giáo dục vùng cao nhiều năm, thầy Trừ rút ra cho mình kinh nghiệm: Với học sinh nhỏ tuổi chưa đọc được bằng tiếng phổ thông thì nhất định, thầy cô phải kiên nhẫn khi giảng dạy, hướng dẫn bằng tiếng địa phương bên cạnh tiếng phổ thông để học sinh hiểu, tiếp nhận được kiến thức cơ bản. Sau tan học, thầy cô nên dành thời gian tâm sự, hỏi thăm cuộc sống xa gia đình, dạy các em cách sống tự lập, hướng dẫn những kĩ năng cơ bản như gội đầu, rửa tay chân, tắm, giặt quần áo...

Để cải thiện việc học tiếng phổ thông cho học trò, thầy Trừ đề ra sáng kiến nhờ học sinh lớp lớn kèm học sinh lớp bé. Thầy khai thác, mở rộng những phương pháp dạy học để các em hứng thú, yêu thích tiết học. Trong quá trình dạy, kết hợp tổ chức trò chơi gây hứng thú trước, sau đó giảng nội dung bài học chính khóa và kết thúc bằng những động tác thể dục...

Như biết bao thầy cô gắn bó với giáo dục dân tộc, niềm vui lớn nhất của thầy Trừ là chứng kiến sự tiến bộ từng ngày, tương lai thêm rộng mở của học trò. “Qua nhiều năm công tác, tôi nhận thấy, nhận thức của học sinh dân tộc đã tốt hơn, đời sống thay đổi tích cực nên phụ huynh cũng quan tâm nhiều đến chăm sóc, nuôi dạy con cái. Giáo dục vùng khó đã khởi sắc. Tôi muốn dành trọn nhiệt huyết, yêu thương cho học trò trên mảnh đất Mù Cang Chải…”, thầy Trừ bộc bạch.

Thầy Mùa Thế Quỳnh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Chế Tạo, nhận xét: Thầy Trừ là người có năng lực trong giảng dạy, nhiều năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thầy thường xuyên quan tâm đến học sinh, giáo dục kỹ năng sống và sát sao với học sinh. Nhờ những sáng kiến của thầy, học sinh thích đi học, tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới hào hứng…

Thầy Mua Mí Lầu và học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy Mua Mí Lầu và học sinh. Ảnh: NVCC

Chắp cánh ước mơ cho trò nghèo

Kể về những khó khăn của giáo dục vùng cao, thầy Mua Mí Lầu, giáo viên Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), chia sẻ: Thượng Phùng là một trong 54 xã đặc biệt khó khăn của cả nước, khí hậu khắc nghiệt, quanh năm lạnh giá. Đường đến trường của học sinh ở các thôn bản xa trung tâm xã khó khăn, nhất là vào mùa đông và ngày mưa bão.

Giống như học trò vùng khó ở nhiều nơi, học sinh Thượng Phùng còn tình trạng bỏ học giữa chừng. Do đó, ngoài lên lớp dạy chữ, giáo viên thêm nhiệm vụ tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh không nghỉ, bỏ học. Quá trình vận động học sinh đến trường, không ít lần thầy Lầu đối diện với hoàn cảnh khó quên.

“Đầu năm học 2017 - 2018, tôi đến nhà gọi học trò Vàng Thị Si, xóm Thín Ngài đi học. Quãng đường dốc, hẹp, dài hơn 10km phải chạy xe máy mất một tiếng đồng hồ. Đến nơi, phải thuyết phục, vận động và chờ nửa ngày em ấy mới chịu theo thầy đến trường. Hai thầy trò về tới trường lúc 22 giờ tối. Kỉ niệm như mới đây, vậy mà Si đang là sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Tân Trào…”, thầy Lầu kể lại.

Là người Mông nên việc giao tiếp của thầy Lầu với học sinh, phụ huynh thuận lợi hơn so với nhiều đồng nghiệp. Thế nhưng để vận động học sinh đi học cũng không dễ dàng, nhiều trường hợp phải đến nhà nhiều lần, thậm chí lên nương tìm trò, tìm bố mẹ để tuyên truyền, thuyết phục cho tới khi nhận được sự đồng ý. Với sự nỗ lực trong công việc, gần gũi trong cuộc sống, thầy Lầu được học sinh, phụ huynh yêu quý, tin tưởng. Nhiều suy nghĩ, thay đổi tích cực về việc học, cuộc sống… cũng bắt đầu từ đây.

Điều thầy Lầu ấn tượng nhất khi dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới suốt 2 năm nay là có sách và dành thời lượng phù hợp cho nội dung giáo dục địa phương; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Những tiết học giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu sâu về địa lý, danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình... Từ đó, hun đúc, giáo dục hiệu quả kiến thức và tình yêu quê hương, đất nước.

Thầy Nguyễn Mạnh Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng, trao đổi: Gần 7 năm công tác giảng dạy, thầy Lầu luôn cố gắng, học hỏi, trau dồi kiến thức để mỗi tiết học sinh động, dễ hiểu hơn. Thầy Lầu luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học để học sinh hiểu từng chữ, từng ý… cần truyền đạt. Nhờ tâm huyết của thầy Lầu, học sinh đã duy trì sĩ số đầy đủ, phụ huynh phấn khởi, ủng hộ và đồng hành với nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục...

Dạy học ở vùng cao, với học sinh dân tộc thì người thầy không chỉ đơn thuần là dạy kiến thức, mà còn thêm trách nhiệm làm cha, làm mẹ học sinh, chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Tuy vất vả nhưng tôi thấy may mắn, hạnh phúc khi được dạy học ở nơi đây, được chứng kiến nhiều thế hệ học trò hiểu biết, trưởng thành…”. - Thầy Mua Mí Lầu (Trường PTDTBT THCS Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.