Cơ hội nào cho giáo dục vùng khó: Để thoát khỏi 'vùng trũng'

GD&TĐ - Giáo dục vùng khó cần nắm bắt cơ hội để có những bước bứt phá, thoát khỏi “vùng trũng” và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 96/NQ-CP ra đời là cơ hội lớn để phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng, môi trường của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Ông Phùng Quốc Lập (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ): Rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách

Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW là cơ hội lớn để phát triển KT-XH, hạ tầng và môi trường của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Với 2 Nghị quyết này, Phú Thọ nói riêng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung có các điều kiện bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho vùng và cho cả nước.

Để tận dụng các chính sách từ các Nghị quyết nói trên, Phú Thọ và các tỉnh trong vùng cần làm tốt công tác dự báo, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng về phát triển KT-XH nói chung, GD-ĐT nói riêng. Tuyên truyền, quán triệt sâu rộng tới các cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV) trong các cơ sở giáo dục và người dân về mục đích, ý nghĩa việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 96/NQ-CP.

Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên quỹ đất sạch cho phát triển mạng lưới, loại hình trường lớp. Khuyến khích phát triển các trường tư thục. Tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và tranh thủ, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực của Trung ương, địa phương để đầu tư cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị trường học; ưu tiên các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Cần đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ CBQL, GV. Chú trọng việc thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng khó khăn trong tỉnh, vùng.

Cũng cần đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục, nhằm phát huy sự chủ động sáng tạo. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục; từng bước giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục với các vùng thuận lợi. Tăng cường sự liên kết vùng trong công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

Để giáo dục vùng trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển bền vững, có nhiều cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung. Trước hết, cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ ngân sách Trung ương để các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục theo yêu cầu của Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025.

Có cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện phát triển công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Cần giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục theo định mức quy định; Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành GD-ĐT để đáp ứng nhiệm vụ giáo dục tại địa phương.

Đơn giản hóa thủ tục hợp đồng GV để giải quyết GV thiếu theo Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ, trả lương GV hợp đồng tính theo lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến việc phát triển các trường nội trú, bán trú theo tinh thần tạo mọi điều kiện cho con em đồng bào dân tộc được tiếp cận môi trường giáo dục tốt nhất.

Bà Bùi Thị Kim Tuyến (Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình): Cần có lối đi riêng

Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó có Hòa Bình và các tỉnh vùng trung du - miền núi Bắc Bộ. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, giáo dục Hòa Bình cần có định hướng và đường đi riêng để phù hợp với điều kiện dân trí, kinh tế, xã hội của tỉnh.

Với nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, giáo dục Hòa Bình cần tích cực chủ động tham mưu để ưu tiên, dành nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp khác từ công tác xã hội hóa giáo dục; huy động tổng hợp các nguồn lực mua sắm thiết bị dạy học, thiết bị dạy - học tiếng Anh, Tin học trong trường phổ thông theo hướng chuẩn hóa, hiện đại.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại cơ sở giáo dục. Vận động xã hội hóa giáo dục bằng nhiều biện pháp sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó chú trọng các hoạt động giao lưu, trực tiếp tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư, đối tác đầu tư. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư, phát triển giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục - nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục, cần được quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng; củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển GD-ĐT.

Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết số 96/NQ-CP được ban hành thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó có Hòa Bình. Ngành Giáo dục các địa phương trong vùng cần tranh thủ tận dụng thời cơ để huy động sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội nhằm tạo động lực cho sự phát triển của GD-ĐT. Xác định rõ vị trí, vai trò của sự nghiệp giáo dục đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân để chăm lo sự nghiệp giáo dục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để khơi dậy sức mạnh toàn xã hội tham gia vào công tác giáo dục. Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước để đầu tư cho GD-ĐT.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 11-NQ/TW và Nghị quyết số 96/NQ-CP, Bộ GD&ĐT đã xác định mục tiêu cụ thể. Để triển khai thực hiện được các mục tiêu đó, tại Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng trung du - miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Đầu tiên là quy hoạch mạng lưới cơ sở GD-ĐT. Theo đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập; giảm các điểm trường lẻ, bảo đảm trẻ em, HS được chăm sóc, giáo dục ở các điểm trường trung tâm. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH và quy mô phát triển giáo dục từng địa phương trong vùng.

Chú trọng giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và tạo cơ hội phát triển khu vực giáo dục tư thục để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng công bằng thành quả giáo dục. Ưu tiên quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương.

Thứ 2 là bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục với việc đa dạng hóa các mô hình giáo dục, chương trình giáo dục, phương thức học tập để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường sự tham gia của các thiết chế văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường và truyền thông đại chúng trong cung cấp cơ hội học tập suốt đời đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người. Ưu tiên củng cố, phát triển các trường PTDT nội trú, bán trú, trường phổ thông có HS bán trú, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Thứ 3 là tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng GD-ĐT, gồm: Đội ngũ GV; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Về đội ngũ GV, vấn đề cần quan tâm là thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao bảo đảm về số lượng và chất lượng. Có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu GV, nhất là những môn học mới theo Chương trình GDPT 2018. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng hợp lý đội ngũ GV nhất là các môn học đặc thù, môn học tích hợp liên môn.

Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp GV dạy liên trường bảo đảm GV thực hiện đủ định mức chế độ làm việc theo quy định. Rà soát, hoàn thiện chế độ làm việc của GV; định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, GDPT phù hợp với vùng miền. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045. Tiếp tục thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của GV theo lộ trình.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cần thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với các dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhà công vụ cho GV, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, quản lý giáo dục. Tiếp tục đầu tư bổ sung phòng tin học, phòng học có ứng dụng CNTT ở các cơ sở GDPT. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tài trợ, đầu tư xây dựng trường, lớp học. Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập góp phần giải quyết nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất trường học.

Về ngân sách Nhà nước đầu tư cho GD-ĐT, cần tăng cường sự phối hợp, thực hiện đồng bộ cơ chế phân bổ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục tại các địa phương trong vùng, bảo đảm chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục của vùng đạt tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước theo hướng tăng chi đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất và tăng cường quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục trong vùng.

Các nhiệm vụ khác cũng được Thứ trưởng nhấn mạnh, gồm: Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, GDPT, giáo dục thường xuyên. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển nhanh và bền vững của vùng. Hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển GD-ĐT. Xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển GD-ĐT.

Chia sẻ tại Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng trung du - miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW mới đây, bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư hơn nữa các nguồn lực cho GD-ĐT đối với các tỉnh trong vùng. Có chính sách thu hút để CBQL, GV, nhân viên bảo đảm mức sống phù hợp với sự phát triển của KT-XH và thu hút được HS giỏi vào sư phạm. Nghiên cứu xem xét khi thực hiện Quyết định 861, có chính sách đặc thù riêng cho giáo dục với những xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới. Nghiên cứu xem xét cho phép các tỉnh miền núi trong giai đoạn trước mắt có thể được tuyển dụng GV đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của giai đoạn trước, đặc biệt là GV Tiếng Anh, Tin học. Cùng với đó, nghiên cứu, điều chỉnh, thay thế một số Thông tư quy định về định mức GV cho phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ