Cơ hội mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

GD&TĐ - Thông tin mới về diễn biến trên bán đảo Triều Tiên khiến cả thế giới chú ý, khi Hàn Quốc tuyên bố Triều Tiên đã sẵn sàng thảo luận với Mỹ về việc hủy bỏ vũ khí hạt nhân. Đây là diễn biến đáng ghi nhận nhất sau cuộc gặp gỡ chưa từng có tại Bình Nhưỡng.  

Cơ hội mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Le lói niềm hy vọng

Sau khi trở về từ Bình Nhưỡng, Giám đốc an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cũng cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng đồng ý sẽ dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân trong quá trình đàm phán với Hàn Quốc.

Ông Chung cho biết, Bình Nhưỡng đã thể hiện sự sẵn sàng để đàm phán với Mỹ “trong một cuộc thảo luận kết thúc mở về vấn đề phi hạt nhân và bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc”.

Theo ông Chung, Triều Tiên tỏ ra rằng không có lý do nào để tiếp tục duy trì vũ khí hạt nhân nếu “mối đe dọa đối với Triều Tiên được giải quyết” và an ninh đất nước này được đảm bảo.

Có thể nói, đây là một tuyên bố gây sửng sốt từ một đất nước mà chỉ mới một tháng trước còn khẳng định rằng họ có thể quét sạch nước Mỹ khỏi Trái Đất và được tung ra chỉ vài giờ trước cuộc trò chuyện của 5 lãnh đạo cao cấp của Hàn Quốc với lãnh đạo Triều Tiên.

Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng Triều Tiên chân thành trong nỗ lực đàm phán hòa bình với Hàn Quốc. “Tôi thật sự tin rằng họ chân thành, tôi hy vọng họ chân thành. Chúng ta sẽ biết sự thật”, ông Trump nói.

Mỹ muốn phi hạt nhân hóa trước khi đàm phán

Một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, nước Mỹ đang chờ đợi Triều Tiên thực hiện những hành động chắc chắn hoặc “những bước đi đáng tin cậy” hướng tới phi hạt nhân hóa trước khi đồng ý về các cuộc thảo luận trực tiếp. “Mọi sự lựa chọn vẫn còn trên mặt bàn và thái độ của chúng tôi đối với chính quyền (Triều Tiên) sẽ không thay đổi cho đến khi chúng tôi nhìn thấy những bước đi đáng tin cậy trong việc phi hạt nhân hóa”.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị cho các cuộc tập trận chung. Chính quyền ông Trump thường tuyên bố rằng, họ sẵn sàng thương lượng với Triều Tiên nếu nước này đặt lên bàn đàm phán việc phi hạt nhân hóa.

“Chính sách cố định của nước Mỹ là chúng tôi sẽ tiếp tục với mọi sự lựa chọn để đẩy các áp lực kinh tế và ngoại giao tăng lên cho đến khi Triều Tiên, một lần cho tất cả, cấm hoàn toàn chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo của mình và việc cấm này phải kiểm tra được”. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết sau chuyến đi thăm Hàn Quốc.

Một chiến thắng của ông Moon

Có thể nói, tuyên bố trên thể hiện một chiến thắng ngoại giao đáng ghi nhận của ông Moon, người đã sử dụng Thế vận hội Mùa đông để kích hoạt quá trình “tan băng” với Triều Tiên – một nước đi vốn được coi là xa vời trong tình thế Triều Tiên liên tục thử vũ khí và những căng thẳng ngôn từ giữa ông Trump và ông Kim.

Thắng cử từ năm 2017 sau khi nhà tiền nhiệm bảo thủ bị hạ bệ do những bê bối tham nhũng, ông Moon đã đề xướng cuộc đối thoại và tham gia với Triều Tiên kể từ những ngày ông còn là phụ tá cho cựu Tổng thống Roh Moo-hyun.

Kể từ đó, ông đã gánh vác một nhiệm vụ rất khó khăn trong vai trò một “đàm thoại viên” giữa chính quyền Triều Tiên đúng vào thời điểm nước này thể hiện một quyết tâm sắt đá trong việc đẩy mạnh vũ khí hạt nhân, còn chính quyền Mỹ thì tin chắc rằng, việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tấn công đất liền Mỹ với một đầu đạn hạt nhân là một rủi ro không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, sự giảm bớt căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong dịp Olympic vừa qua đã mang lại cho ông Moon cơ hội để gửi ông Chung và 4 quan chức hàng đầu của Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng để gặp ông Kim và phụ tá thân cận của ông. Trong đó có chị của ông là bà Kim Jo Jong.

Đây cũng là bước khởi đầu cho việc thiết kế một hội nghị thượng đỉnh sắp tới: Hội nghị thượng đỉnh tháng Tư sẽ diễn ra tại Nhà Hòa bình Panmunjon trong khu vực phi quân sự vùng biên phía Hàn Quốc. Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất giữa hai đất nước này diễn ra vào năm 2007, khi Tổng thống Hàn Quốc Roh gặp cha của ông Kim là Chủ tịch Kim Jong Il.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ