Cơ hội đổi mới

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT TPHCM có tờ trình gửi UBND TP đề xuất xét tuyển vào lớp 10 cho cả hệ thường và hệ chuyên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Quyết định này được ngành GD-ĐT TPHCM đưa ra sau nhiều lần tính toán dời lịch thi nhưng vẫn không thể tổ chức được do dịch bệnh. Trước đó, đầu tháng 6, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện xét tuyển vào lớp 10 thay thế cho thi tuyển và đến nay đã công bố kết quả. UBND tỉnh Long An mới đây cũng đã phê duyệt phương án xét tuyển vào lớp 10 dựa trên kết quả 4 năm học THCS.

Hai phương án tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM khác nhau ở chỗ một bên xét theo quá trình 4 năm học THCS, một bên quan tâm hơn đến năm tăng tốc (lớp 9) là năm học sinh đã dồn sức cho kỳ thi. Tuy có khác nhau về thời gian nhưng các phương án vẫn giữ được hồn cốt là học sinh được chọn nguyện vọng vào ngôi trường THPT mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực cá nhân. Điều này phù hợp với Luật Giáo dục là người học được lựa chọn nơi phù hợp để học chứ không chỉ chọn trường THPT trên địa bàn.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TPHCM được đánh giá khá căng thẳng, nhiều áp lực bởi tìm một chỗ học công lập ưng ý ở TP này không hề dễ dàng, nhất là ở các trường tốp đầu. Những năm gần đây, với việc đẩy mạnh công tác phân luồng sau THCS, mỗi năm TP chỉ còn khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập.

Như năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 15.335 học sinh không vào được trường công. Dùng  những tiêu chí nào trong xét tuyển để gạt từng đó học sinh không đơn giản. Vì thế,  ngành GD-ĐT TPHCM và đông đảo phụ huynh học sinh đặt niềm tin khá lớn vào kỳ thi tuyển sinh 10 vốn có tính sàng lọc cao, bảo đảm sự công bằng…

Mặc dù có những mặt tích cực nhưng cũng không thể phủ nhận kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng đồng thời tạo nên quá nhiều áp lực. Đặc biệt chỉ với ba môn thi, khối lượng kiến thức tập trung ở lớp 9, sẽ khó đánh giá toàn diện sự nỗ lực, rèn luyện của học sinh trong cả một quá trình. Trong khi đó, hiện việc kiểm tra đánh giá học sinh đã có nhiều thay đổi. Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh khá mạnh mẽ về cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh.

Thay vì tập trung đánh giá tiếp cận nội dung (kiến thức, kĩ năng), việc đánh giá học sinh được quan tâm đến hướng tiếp cận năng lực. Trong đánh giá thành tích học tập của học sinh không chỉ đánh giá kết quả mà chú ý cả quá trình, không giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp.

Phương thức tuyển sinh nào cũng tồn tại những ưu, nhược điểm nhất định, nên việc xét tuyển dĩ nhiên cũng có những hạn chế. Việc đề xuất chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển lớp 10 thực tế cũng gây chút hụt hẫng cho học sinh và phụ huynh, nhất là những em học không đều, chỉ tập trung đầu tư cho 3 môn thi hoặc một số đến năm cuối cấp mới có tiến bộ vượt trội.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây là hình thức tuyển sinh đỡ áp lực và an toàn cho cả học sinh và những người làm công tác thi, khi toàn TPHCM đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Đặc biệt với lợi thế đánh giá quá trình học tập, phương thức xét tuyển sẽ phù hợp với thực tiễn chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá về mặt tiếp cận kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phù hợp với  Chương trình GDPT 2018 và xu thế quốc tế.

Bên cạnh lợi thế về đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá, cũng cần thấy rằng hiện nay điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục ở các trường học đã gần đồng đều, nhất là ở các đô thị lớn. Từ giải pháp tình thế chuyển thi thành xét tuyển do dịch bệnh Covid-19 năm nay, phải chăng các địa phương là điểm nóng tuyển sinh 10 cũng nên nghiên cứu tiến tới việc đổi mới tuyển sinh, trong đó cần quan tâm hơn đến phương thức xét tuyển trong những năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.