Cơ hội để nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc đua tài

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhạc cụ dân tộc được ví như những viên ngọc quý báu làm nên sức sống của âm nhạc Việt Nam.

Nhạc cụ dân tộc cần được bình đẳng với các nhạc cụ đương đại. Ảnh: Bộ VH,TT&DL
Nhạc cụ dân tộc cần được bình đẳng với các nhạc cụ đương đại. Ảnh: Bộ VH,TT&DL

Các loại hình nhạc cụ dân tộc cần được bình đẳng nhằm phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông vừa ký Quyết định số 1258/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức cuộc thi “Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023” nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam.

Cơ hội để nghệ sĩ đua tài

Bộ VH,TT&DL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Hòa Bình cùng các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi “Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023”, dự kiến diễn ra vào tháng 6/2023 tại Khánh Hòa và Hòa Bình.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, cuộc thi là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên và học sinh - sinh viên chuyên ngành nhạc cụ dân tộc thể hiện khả năng.

Đồng thời, là dịp giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, góp phần bảo tồn, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Từ đó rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng và tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống trong thời kỳ mới.

Theo quyết định, đối tượng tham gia cuộc thi là các nghệ sĩ, diễn viên, dàn nhạc, nhóm nhạc dân tộc chuyên nghiệp thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập và thuộc lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó là các giảng viên và học sinh - sinh viên, dàn nhạc, nhóm nhạc dân tộc thuộc các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong và ngoài công lập.

Nội dung cuộc thi được chia thành 4 bảng. Bảng 1 là Độc tấu và Bảng 2 là Hòa tấu dành cho các đơn vị kịch hát dân tộc, như: Dàn nhạc, nhóm nhạc và thí sinh độc tấu đang hoạt động ở các đơn vị kịch hát dân tộc (Tuồng, Chèo, Cải lương, Đờn ca tài tử, Dân ca Kịch...).

Các tác phẩm tham gia thi là bài bản cổ nhạc, làn điệu trong các loại hình kịch hát dân tộc, nguyên bản hoặc được chỉnh lý, cải biên, phát triển và sáng tác mới nhưng vẫn giữ được phong cách, âm hưởng dân gian đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật và phải được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ dân tộc.

Bảng 3 Độc tấu và Bảng 4 Hòa tấu dành cho các đơn vị ca múa nhạc, cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, như: Dàn nhạc, nhóm nhạc hòa tấu và thí sinh độc tấu nhạc cụ dân tộc đang hoạt động ở các đơn vị ca múa nhạc, cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp.

Các tác phẩm là những làn điệu dân ca truyền thống nguyên bản hoặc tác phẩm do các nhạc sĩ sáng tác dựa trên những làn điệu âm nhạc truyền thống Việt Nam được hòa âm, phối khí mới cho hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Nghệ nhân Lê Văn Quảng truyền dạy kỹ thuật sáo Mông cho học trò.

Nghệ nhân Lê Văn Quảng truyền dạy kỹ thuật sáo Mông cho học trò.

Để truyền thống sống giữa đời sống đương đại

“Tiếng sáo chỉ sống trong lòng người khác khi người ta cảm nhận được sự ngọt ngào hoặc day dứt. Tôi đã cố gắng cải tiến cả kỹ thuật chơi lẫn cấu trúc của cây sáo Mông để làm sao cho tiếng sáo có được điểm riêng và sự phóng khoáng. Làm sao cho người khác biết rằng, đó không chỉ là tiếng sáo của đồng bào Mông, của văn hóa Mông mà còn phải để người khác cảm nhận được âm điệu đặc biệt ấy và giữ lại trong lòng”, nghệ nhân Lê Văn Quảng.

Nhạc cụ dân tộc được ví như những viên ngọc quý báu làm nên sức sống của âm nhạc Việt Nam. Đồng thời, nhạc cụ dân tộc cũng là những báu vật văn hóa trong kho tàng âm nhạc truyền thống - để hình thành một nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Tuy nhiên, lâu nay những định hình ấy chỉ như một khái niệm trên giấy. Nhạc cụ dân tộc luôn bị lép vế trước các loại hình nhạc cụ ngoại lai, dẫn tới âm nhạc truyền thống bị âm nhạc hiện đại lấn át.

Theo giới nghiên cứu, các quốc gia đều xác định nhạc cụ dân tộc mình và coi văn hóa truyền thống như một nền văn hóa “mẹ” trước khi tiếp nhận các nền văn hóa khác. Theo đó, nhạc cụ dân tộc và âm nhạc truyền thống cũng là nền âm nhạc “mẹ” trước khi du nhập âm nhạc của văn hóa khác.

Nhiều quốc gia không chỉ làm tốt việc bảo tồn mà còn lan toả rất rộng nền văn hóa nhạc cụ của họ. Ví dụ như đàn ghi-ta, được biết đến với tên gọi Tây ban cầm do người Tây Ban Nha cải tiến từ một nhạc cụ cổ xưa.

Cây đàn theo các con đường, từ thám hiểm cho tới ngoại giao, truyền đạo… du nhập đến các nước và trở thành nhạc cụ phổ biến nhất thế giới.

Chúng ta không so sánh nhạc cụ dân tộc mình với Tây ban cầm, song phải thấy được quá trình hình thành, cải tiến và lan toả. Đặc biệt, trong thời đại hội nhập và công nghệ số - nếu không làm sống lại âm hưởng của các loại hình nhạc cụ truyền thống thì chắc chắn sẽ bị quên lãng trong đời sống đương đại.

Nghệ nhân Lê Văn Quảng ở xã Chiềng Sinh (TP Sơn La, tỉnh Sơn La) là người góp công rất lớn trong việc truyền dạy sáo Mông, chia sẻ rằng: “Nếu chúng ta không khơi dậy niềm tự hào của người Mông về cây sáo Mông thì không chỉ họ sẽ quên đi mà còn không biết cây sáo ấy là do dân tộc mình sáng tạo ra. Khi họ không biết, không yêu thích thì việc bảo tồn là không thể. Ngược lại, khi họ biết tự hào về nhạc cụ của dân tộc mình, thì tự nhiên cây sáo ấy được lan toả, người này dạy cho người kia”.

Từ khoảng những năm 2000, thấy nguy cơ nhạc cụ sáo Mông bị thất truyền, dù là người Kinh nhưng nghệ nhân Lê Văn Quảng đã ra sức truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò người Mông biết về cây sáo truyền thống dân tộc Mông.

Những tên tuổi như Thào A Tùng, Thào A Vàng đoạt giải Nhất cuộc thi các trường nghệ thuật toàn quốc năm 2007 đã khiến cho nhạc cụ sáo Mông sống lại sau bao năm quên lãng.

Ngày nay, ngoài thưởng thức âm nhạc giao hưởng phương Tây, công chúng đòi hỏi âm nhạc truyền thống cần phải sáng tạo để phù hợp với thị hiếu thời đại. Bởi vậy, ngoài việc lan toả các nhạc cụ dân tộc trong đời sống đương đại, âm nhạc truyền thống cũng cần những cải tiến mới mẻ - như cây đàn ghi-ta đã và đang được người Tây Ban Nha cải tiến ở mọi góc độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ