“Cơ hội để các trường ĐH ngoài công lập có thêm nhiều cơ hội phát triển”

GD&TĐ - Đó là điều mà GS Nguyễn Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) tin tưởng nếu như Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sắp tới một số điều luật ràng buộc được gỡ bỏ, hoặc điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống các trường ĐH ngoài công lập (NCL).

“Cơ hội để các trường ĐH ngoài công lập có thêm nhiều cơ hội phát triển”

Tự chủ ĐH cần tự chủ toàn hệ thống

Theo GS Nguyễn Lộc, Luật GDĐH sửa đổi đã tương đối bao quát các hoạt động, phát triển của hệ thống GDĐH. Tuy nhiên, GS cho rằng Bộ GD&ĐT cần xem xét lại các loại đánh giá trong phân tầng xếp hạng, chuẩn quốc gia, kiểm định trọng điểm để tạo sự nhất quán, rõ ràng và thực hiện được.

Nói về kiến nghị này GS Lộc phân tích: Hiện trong Luật GDĐH năm 2012 đọc kỹ ta thấy có 5 hệ thống đánh giá chất lượng của trường ĐH. Thứ nhất, chúng ta có phân tầng ĐH - hiện có ít nhất là 3 tầng, kèm theo đó là hướng dẫn cụ thể về phân tầng ĐH, như vậy ta đã có một hệ đánh giá.

Hệ đánh giá thứ 2 là kiểm định chất lượng (KĐCL). Đây được xem là một hệ đánh giá chuẩn, nhằm xác thực trường ĐH có đủ điều kiện làm công tác đào tạo hay không. Cái thứ 3 trong Luật GDĐH năm 2012 là chuẩn quốc gia, đây cũng là một hệ đánh giá chất lượng trường ĐH. Thứ 4 là hệ đánh giá “phân loại” trường, gồm có trường ĐH trọng điểm và trường ĐH không phải trọng điểm. Hệ đánh giá cuối cùng là xếp hạng…

Với một hệ tham chiếu các quy định, cách tiếp cận và đánh giá các trường ĐH bằng nhiều hệ thống như vậy, rõ ràng sẽ gây bối rối cho các trường, cũng như tính khả thi không cao. GS Lộc ví dụ, một trường xếp theo tầng nghiên cứu nhưng lại không qua chuẩn KĐCL vậy chúng ta sẽ nhìn trường này như thế nào? Hay như một trường đã được công nhận KĐCL nhưng lại không đạt chuẩn quốc gia thì sẽ thế nào?...

“Cho nên rõ ràng chúng ta thấy, việc có nhiều hệ đánh giá, quy định của Luật khiến cái nhìn của các nhà quản lý đối với bản chất vấn đề chất lượng của một trường sẽ theo nhiều góc khác nhau” - GS Lộc nói. Vì vậy, ông đề nghị trong hướng sửa đổi Luật GDĐH sắp tới, Bộ GD&ĐT nên bớt hệ đánh giá các trường lại, chỉ nên giữ lại hệ đánh giá bằng KĐCL, phân tầng giáo dục ĐH. GS Lộc cũng đề nghị thêm trong Luật GDĐH sắp tới không nên dùng từ phân tầng nữa mà thay vào đó bằng từ phân loại.

Ông cho biết, thuật ngữ phân tầng là dưới góc độ quốc tế. Các nước dùng thuật ngữ này nhằm chỉ nhóm các trường ĐH thu hút người học theo mức độ giàu có trong xã hội. Còn ở ta, phân tầng hiện nay thực tế nó tương ứng với cách tiếp cận, phân loại trường ĐH của Mỹ và châu Âu. Cho nên để phù hợp với thông lệ quốc tế nên đổi từ phân tầng thành phân loại.

Bên cạnh kiến nghị về các quy định trong xếp hạng, phân tầng, GS Nguyễn Lộc cũng cho rằng, Luật GDĐH cần mở rộng quy định tự chủ qua các trường ĐH NCL, nêu tiêu chuẩn được tự chủ về các mặt chương trình, mở ngành, hợp tác quốc tế… Bởi theo GS, việc được tự chủ toàn diện không chỉ giúp các trường ĐH NCL có sự chủ động, sự tham vấn hỗ trợ từ Bộ chủ quản, mà còn có cơ hội tự chủ về việc đưa các chương trình giảng dạy, đào tạo, mở ngành… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu và mục tiêu trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cần một chương riêng cho hệ thống trường NCL

Đây là điều GS Nguyễn Lộc nhắc đi nhắc lại khi trao đổi với chúng tôi. Theo ông, hệ thống các trường ĐH NCL (ĐH tư thục) đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ kể từ năm 1993 đến nay, đóng góp và chia sẻ rất lớn ngân sách đầu tư cho Nhà nước. Hiện số lượng trường ĐH NCL đã chiếm 20% các trường ĐH trên cả nước, với khoảng 15% tổng số SV đang theo học. Trong đó, khoản thuế các trường ĐH NCL đóng góp vào ngân sách trong suốt 20 năm qua là trên 1.000 tỉ đồng.

Sự đóng góp của hệ thống các trường ĐH NCL là rất rõ ràng, ngoài việc giảm bớt gánh nặng tài chính của ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục trong suốt thời gian qua, hệ thống các trường ĐH NCL còn đảm bảo công tác đào tạo nguồn nhân lực rất lớn cho xã hội.

GS Lộc cũng cho rằng: Với một hệ thống trường ĐH NCL đang phát triển như hiện nay, theo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tốt, kể cả các nước đang phát triển như Việt Nam, hệ thống vẫn rất cần hơn nữa số lượng và chất lượng ở tương lai (Riêng Việt Nam, hệ thống các trường NCL hay gọi là tư thục đã xấp xỉ 50%). Rõ ràng để tăng cường sự gánh vác của hệ thống các trường này, chúng ta cần có sự hỗ trợ cho sự phát triển của nó. Đó là khung pháp lý rõ ràng, chi tiết và minh định.

“Luật GDĐH năm 2012 đã có đề cập đến các chính sách, cơ chế quản lý loại hình trường này. Tuy nhiên, các vấn đề về quản lý các trường ĐH NCL được trình bày rải rác ở nhiều chương mục, không tạo khung pháp lý thống nhất, xuyên suốt cho hệ thống này. Để cho các chính sách, điều luật về quản lý hệ thống các trường ĐH NCL được tập trung, có hệ thống chúng ta cần phải có một chương riêng cho GDĐH NCL. Chương này cần viết thẳng và rõ ràng mọi quy định và chính sách phát triển” - GS Lộc kiến nghị.

Trong nhiều kiến nghị Bộ GD&ĐT cần thêm và sửa đổi trong Luật GDĐH, GS Nguyễn Lộc cho rằng, công tác kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH hiện nay vẫn chưa thật minh định và ít nhiều mang đến những nghi ngại từ xã hội khi các trường thực hiện KĐCLGD. Vì vậy, GS Lộc đề nghị Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn giao công tác tổ chức kiểm định/xếp hạng cho các tổ chức độc lập bên ngoài. Đặc biệt, cần thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các trường tham gia vào kiểm định/xếp hạng quốc tế bằng cách thừa nhận các hệ thống xếp hạng này.

Bàn về các quy định, tiêu chí giảng viên, tỉ lệ GV/SV cũng như nhằm minh định các hình thức hỗ trợ GV trong quá trình giảng dạy, NCKH… GS Nguyễn Lộc cho biết: Báo cáo tập hợp các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật GDĐH mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thực hiện, nhiều CBQL, GV đề nghị bỏ khái niệm giáo viên cơ hữu, chỉ tiêu sinh viên/số lượng giảng viên cũng cần được xem xét lại một cách phù hợp cho từng loại hình đào tạo… nhằm giúp các trường có được sự linh hoạt hơn trong đề án tuyển sinh.

“Việc sửa đổi và điều chỉnh một số điều trong dự thảo Luật GDĐH đang thu hút sự chú ý nhất định của các nhà quản lý giáo dục. Đặc biệt là những sửa đổi, bổ sung cho hệ thống các trường ngoài ĐH NCL mang rất nhiều ý nghĩa và kỳ vọng của các trường”. GS Nguyễn Lộc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ