Thông điệp của Bộ trưởng tại Hội nghị các trường ĐH ngoài công lập

GD&TĐ - “Chất lượng đào tạo không gắn với cam kết ban đầu sẽ bị xem xét xử lý” - Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị các trường đại học ngoài công lập diễn ra tại TPHCM ngày 14/4.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị các trường ngoài công lập. Ảnh: Tạ Thúy
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị các trường ngoài công lập. Ảnh: Tạ Thúy

Theo Bộ trưởng đây là điều mà Bộ GD&ĐT buộc các trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) phải nhanh chóng kiện toàn, thực hiện để mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục ĐH NCL đi đúng lộ trình và hiệu quả.

Hội nghị chất lượng nhất từ trước đến nay

Đánh giá Hội nghị “Diên Hồng” của các trường ĐH NCL diễn ra thật sự chất lượng, với nhiều ý kiến đóng góp, phản biện, được chia sẻ một cách thẳng thắn, Bộ trưởng tin tưởng hội nghị sẽ mang lại cho các cán bộ quản lý, các hiệu trưởng những góc nhìn trực diện hơn về các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng cho hệ thống.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, phản biện và cả các giải pháp mà các đại biểu hiến kế tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng dù những thành tựu mà các trường ĐH NCL đạt được sau chặng đường hơn 20 năm hình thành và phát triển là rất đáng ghi nhận, nhưng khu vực này vẫn còn nhiều vấn đề cần nhìn lại một cách nghiêm túc hơn.

Bộ trưởng phân tích: Đó là sự vướng mắc của các các hệ văn bản; các quy định và hành pháp lý còn nhiều bất cập khiến cho các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn; chặng đường phát triển của các trường ĐH NCL sau 20 năm có sự tươi mới rất rõ nét nhưng đánh giá một cách tổng thể vẫn còn không ít trường phát triển nhỏ về quy mô, điều kiện phát triển, đảm bảo chất lượng vẫn còn khó khăn; các hoạt động của nhà trường còn thiếu đồng bộ, trong đó, phần lớn mới chỉ chú trọng vào công tác đào tạo.

Đặc biệt, nhiều trường dù đã trải qua một chặng đường không ngắn trong tiến trình phát triển nhưng vẫn chưa chú trọng vào công tác NCKH, xây dựng đội  ngũ cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Một đại biểu đề xuất kiến nghị nhiều vấn đề cho sự phát triển của các trường ĐH NCL
 Một đại biểu đề xuất kiến nghị nhiều vấn đề cho sự phát triển của các trường ĐH NCL

Bộ trưởng ghi nhận những kiến nghị mang tính thiết thân, gấp rút của các trường về cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ mà các đại biểu gửi gắm….; đồng thời cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát các quy định hiện có dựa trên căn cứ hoạt động thực tế cũng như trên cơ sở tự chủ của các trường để thay đổi những gì chưa hợp lý, điều gì cần phải có trong tương lai…

Qua đó, xây dựng các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, chỉnh sửa những vấn đề cần thiết nhằm hướng đến sự phát triển hệ thống một cách bền vững.

“Những điều chỉnh về cơ chế chính sách sắp tới sẽ rất chú ý đến sự bình đẳng. Bình đẳng mà chúng ta hướng đến không có nghĩa cào bằng mà là tạo cơ hội cho các trường ĐH NCL có thể tiếp cận với các nguồn lực về đất đai, thuế, học bổng cho sinh viên, nguồn lực giáo viên…để qua đó xây dựng một hệ thống ĐH NCL phát triển ổn định” - Bộ trưởng khẳng định.

Tổng kết các vấn đề cấp thiết tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết tinh thần là quy định nào thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT Bộ sẽ phân loại và giải quyết ngay, quy định nào thuộc thẩm quyền Chính phủ hay địa phương Bộ sẽ có kiến nghị.

“Nguyên tắc là tạo thuận lợi cho các trường. Với những kiến nghị về chính sách mở ngành mới, Bộ GD&ĐT cơ bản là đồng ý về quan điểm.

Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho các trường có điều kiện mở ngành, tự chủ toàn diện… nhưng sẽ hậu kiểm chặt chẽ. Trường nào trong quá trình thực hiện không thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết về chất lượng sẽ bị dừng” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ NCKH của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được đánh giá cao trong hệ thống các trường ĐH NCL vì có nhiều công trình Khoa học cấp Nhà nước
 Đội ngũ giảng viên, cán bộ NCKH của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được đánh giá cao trong hệ thống các trường ĐH NCL vì có nhiều công trình Khoa học cấp Nhà nước

Bản thân các trường cũng phải tự thân đổi mới

Trong hàng loạt các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, các chính sách cần thay đổi trong tương lai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt lưu ý bản thân các trường cũng cần phải tự thân đổi mới, tự rà soát lại chiến lược để nắm bắt thị trường, nhất là việc rà soát các cơ cấu ngành nghề đào tạo theo hướng bám sát với hướng ứng dụng. Theo Bộ trưởng, nếu chỉ chú trọng đến công tác đào tạo, bỏ lỏng công tác NCKH thì đấy không thể gọi là trường ĐH.

“Chúng ta biết với các trường ĐH NCL công tác tuyển sinh luôn là bài toán thách thức. Tuy nhiên, không phải vì áp lực tuyển sinh, vì lợi nhuận mà các trường “nhắm mắt” trong các khâu về chất lượng, công tác tuyển sinh mà “bỏ lỏng” chất lượng đầu vào. Đây là điều hết sức sai lầm, vì điều đó không thể giúp ích các trường phát triển bền vững”- Bộ trưởng lưu ý.

Đẩy mạnh công tác NCKH trong sinh viên, giảng viên tại các trường ĐH NCL là điều mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt lưu ý với các trường
 Đẩy mạnh công tác NCKH trong sinh viên, giảng viên tại các trường ĐH NCL là điều mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt lưu ý với các trường

Về lĩnh vực hợp tác quốc tế và kết nối doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các trường phải nhanh chóng lựa chọn các lĩnh vực có thế mạnh để hợp tác chuyển giao chương trình, giúp trình độ của các thầy cô tiếp cận được nhanh, sớm hội nhập với quốc tế. Trong đó, đội ngũ GV cần phải coi là “tài sản” quý giá của nhà trường.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nếu xây dựng được một đội ngũ GV giỏi sẽ không chỉ nâng chất lượng đào tạo, vị thế của nhà trường mà qua kênh này, sự kết nối với các Doanh nghiệp, người tài sẽ rộng mở hơn.

Song song đó, các trường cần lưu ý phải gắn chặt trình độ GV với các chương trình đào tạo, trình độ đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường vấn đề này để sớm nâng chất lượng đội ngũ cho hệ thống các trường ĐH NCL nhằm thực hiện nhiệm vụ đổi mới thắng lợi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ