Chính sách truy quét và ân xá
Theo thông báo, chính phủ Hàn Quốc sẽ truy quét và xử phạt đối với các hành vi sử dụng lao động bất hợp pháp trong ngành xây dựng, các công việc ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người bản địa và những công việc ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục như kinh doanh giải trí không lành mạnh, kinh doanh massage;
Trường hợp bị phát hiện làm việc bất hợp pháp trong ngành xây dựng sẽ bị trục xuất về nước ngay kể cả khi vẫn còn thời hạn cư trú và áp dụng cho những trường hợp vi phạm lần đầu; Trường hợp người lao động nước ngoài bị bắt trong các đợt truy quét sẽ bị trục xuất về nước, hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc trong thời hạn tối đa 10 năm, liệt kê vào danh sách và thông báo với cơ quan chức năng nước nhà.
Thời gian áp dụng chính sách này là từ ngày 1/10/2018 đến hết ngày 31/3/2019. Đối tượng áp dụng là người lao động nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu tự nguyện về nước trong khoảng thời gian nêu trên sẽ không bị hạn chế nhập cảnh, không bị đưa vào danh sách và thông báo với Cơ quan chức năng nước sở tại.
Theo Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), để làm thủ tục tự nguyện về nước, người lao động khai báo trên website http://www.colab.gov.vn tại mục “Đăng ký khai báo thông tin của người lao động làm việc tại Hàn Quốc”; Khai báo tự nguyện về nước và làm các thủ tục xuất cảnh tại Văn phòng xuất nhập cảnh ở sân bay Incheon hoặc sân bay Gimhae. Để được hỗ trợ thông tin và tư vấn thủ tục tự nguyện về nước, người lao động liên hệ với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hoặc Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc.
Nỗ lực từ hai phía
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có gần 50 nghìn lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 38 nghìn người làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) với mức lương bình quân từ 1.000 - 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là tình trạng lao động Việt Nam hết hợp đồng nhưng không về nước, mà cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, phía Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu chủ sử dụng lao động Hàn Quốc không sử dụng lao động bất hợp pháp người Việt Nam thì tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp sẽ giảm. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội làm việc tại Hàn Quốc cho những người lao động khác.
Mới đây, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó đề cập trách nhiệm của cơ quan phái cử và tiếp nhận, đi kèm với đó là chi phí, quy trình tuyển chọn, giới thiệu và ký hợp đồng với các ứng viên. MOU cũng quy định các công tác chuẩn bị trước khi đi, hỗ trợ quá trình phái cử và tiếp nhận lao động; các biện pháp phòng ngừa tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp. Bản MOU đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan liên quan của cả Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thực hiện EPS.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, mỗi năm Hàn Quốc có nhu cầu tuyển từ 60.000 - 70.000 lao động nước ngoài. Số lượng này được phía Hàn Quốc phân bổ căn cứ vào tỷ lệ lao động tuân thủ đúng pháp luật và làm việc theo đúng hợp đồng, nếu tỷ lệ lao động bỏ trốn làm việc bất hợp pháp cao thì số lượng sẽ giảm và ngược lại. Đối với lao động Việt Nam, do có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp cao nên ảnh hưởng đến việc tuyển chọn người sang Hàn Quốc làm việc.