Cô học trò đam mê sách

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi khóa học đi qua, tôi thường chọn một vài học trò để viết với mong muốn động viên các em tiếp tục cố gắng...

Huyền Thanh và thầy Nguyễn Đình Ánh.

Huyền Thanh và thầy Nguyễn Đình Ánh.

Đồng thời cũng vừa là tấm gương truyền cảm hứng cho các em khóa sau noi theo. Đó có thể là một học trò xuất sắc trong học tập, một học trò với năng khiếu và niềm đam mê bất tận. Đó cũng có thể chỉ là một học trò… cá biệt nhưng các em đã vượt qua được hoàn cảnh để trưởng thành hơn.

Huyền Thanh - là cô học trò A1K55 gây ấn tượng trong suốt ba năm học. Không hiểu sao khi nhắm mắt lại để nghĩ về một khuôn mặt xuất sắc của khóa học, hình ảnh em lại hiện về trong tâm trí tôi đầu tiên.

Kỷ niệm giữa hai thầy trò cũng khá nhiều nhưng tôi nhớ lần gặp em đầu tiên ở văn phòng Đoàn. Lần đó, khi mấy anh em đang tất tả chuẩn bị cho lễ mít tinh kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam thì thấy một cô bé dáng người dong dỏng cao lấp ló ở cửa. Sau khi mời em vào, tôi mới biết nguyện vọng của em muốn được dẫn chương trình văn nghệ cho buổi lễ sáng hôm sau.

Khi ấy, kịch bản chương trình văn nghệ đã chốt, người dẫn chương trình đã thống nhất là bạn Thắm - người dẫn rất ổn nên tôi đành phải từ chối. Thoáng một chút buồn, bạn ấy bảo “lần sau có chương trình nào thì thầy cho em dẫn cũng được ạ!”. Tôi hỏi bạn ấy đã khi nào dẫn chương trình chưa, bạn ấy trả lời đã dẫn một số chương trình ở lớp dưới. Vậy là, tôi chấp nhận cho bạn một cơ hội để bạn ấy dẫn cùng với bạn Thắm. Sáng hôm sau, không làm tôi thất vọng, Thanh dẫn chương trình đầy tự tin trước thầy cô và hơn một nghìn học sinh toàn trường.

Một lần khác, gần đến buổi Đại hội Đoàn đầu năm học, chúng tôi nhận được văn bản của huyện đoàn yêu cầu đổi mới phần đọc tham luận của các đoàn viên bằng cách thay thế một hình thức mới sôi nổi, thiết thực hơn. Vì thời gian quá gấp gáp, tôi chỉ trao đổi sơ qua được với Huyền Thanh trên nhóm Zalo về kế hoạch thay đổi của chương trình đại hội.

Huyền Thanh và bạn học.

Huyền Thanh và bạn học.

Mặc dù, tôi rất tin tưởng ở khả năng của em nhưng cũng không dám nghĩ rằng em lại có thể sáng tạo ra một phần thuyết trình trao đổi đầy thú vị về vấn đề “tình yêu học đường nên hay không nên”. Chủ đề ấy, đặc biệt là sự tự tin của hai MC đã thu hút được tất cả các bạn đoàn viên và khách mời cùng tham gia nhiệt thành. Nhiều đại biểu đã được các bạn đặt câu hỏi lôi cuốn vào trao đổi một cách tự nhiên. Đại hội Đoàn kết thúc, nhiều đại biểu khách mời đã gửi lời khen ngợi đến phần đổi mới.

Với tôi, Huyền Thanh còn là một học trò rất cầu thị. Lần chọn câu truyện khuyến đọc hay nhất để tham dự cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, tác phẩm của em không phải là xuất sắc nhất nhưng tôi vẫn chọn để hướng dẫn vì ý tưởng của câu chuyện rất tốt. Và còn bởi một lý do quan trọng nữa, em rất mê đọc sách. Vì bận, nên tôi chỉ có thể đọc kỹ từng đoạn ngắn và góp ý luôn đoạn đó. Cũng vì thế, em phải nhiều lần sửa chữa về nội dung câu chuyện.

Cứ mỗi lần nhận được góp ý, em đều chỉnh sửa và còn tạo ra một số chi tiết mới thú vị hơn để gửi tôi. Khi gặp khó khăn, em còn tìm hỏi cả anh Thái Bảo - Đại sứ văn hóa đọc cấp quốc gia trước đó để được tư vấn. Tôi hiểu, học lớp A1 khối lượng bài vở nhiều, em lại còn học thêm tiếng Anh ở trung tâm rất vất vả, nay còn tham gia thêm cuộc thi này nên vất vả còn nhân đôi.

Thế rồi, hơn ba tháng cố gắng, bài dự thi em cũng hoàn thành và gửi đi trong niềm hi vọng của cả thầy và trò. Ngày hai thầy trò nhận được thông báo vào chỉnh sửa thêm tác phẩm để gửi tham dự cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp quốc gia là một ngày rất vui.

Trước gần 50 bạn thí sinh, gia đình, thầy cô và các anh, chị trong ban tổ chức có mặt trong buổi hôm ấy, Huyền Thanh là thí sinh duy nhất mạnh dạn đứng lên trao đổi những thắc mắc, trăn trở về bài thi của mình. Cũng qua việc hướng dẫn em tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, tôi mới biết em có một gia đình rất hạnh phúc và tràn đầy yêu thương. Bố mẹ luôn tôn trọng những quyết định, ước mơ riêng của con. Cả bố mẹ luôn đứng sau đồng hành, động viên em trong suốt cuộc thi.

Ngày nhận được kết quả cuộc thi, chỉ đạt giải Nhì cấp tỉnh, em cười rồi bảo “còn một chút hối tiếc vì nếu có thời gian em sẽ còn làm tốt hơn thầy ạ!”. Nhưng đó là một trải nghiệm thú vị để về sau em còn nhận được nhiều niềm vui lớn hơn. Đó là thành tích đạt chứng chỉ Quốc tế IELTS 7.0, giải Ba “hội thi kể chuyện về những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, danh hiệu “Học sinh ba tốt”…

Những ngày cuối, gặp Huyền Thanh mới biết em đã đổi ý định thi vào trường Sư phạm. Em muốn tìm thử thách mới ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tôi có hỏi vì sao em lại thay đổi quyết định ban đầu. Em cười, trả lời rằng: “Đó cũng là cái cách em muốn vượt ra khỏi sự an toàn của bản thân để đạt được ước mơ mới”.

Thấm thoắt ba năm THPT đã trôi qua. Giờ đây, các bạn đang phải miệt mài nỗ lực cố gắng để ôn thi. Mỗi người rồi đây sẽ tung cánh muôn phương theo ước mơ của mình. Huyền Thanh cũng vậy, trong những ngày hè nắng gay nắng gắt, em cũng đang cố gắng từng ngày để đạt được ước mơ của riêng mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.