Cô Hiệu trưởng vùng cao và bí quyết tập hợp đoàn kết nội bộ

GD&TĐ - Với 34 năm công tác trong ngành Giáo dục, kinh qua nhiều vị trí công việc khác nhau từ giáo viên đứng lớp, Bí thư Đoàn… và nay là Hiệu trưởng, nhưng dù ở bất cứ ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cô Trần Thị Kim Thu, luôn được lãnh đạo TP Cao Bằng tin tưởng giao nhiệm vụ
Cô Trần Thị Kim Thu, luôn được lãnh đạo TP Cao Bằng tin tưởng giao nhiệm vụ

Hiệu trưởng là trung tâm của đoàn kết

 Hiệu trưởng với vai trò của một người lãnh đạo, luôn là trung tâm đoàn kết của tập thể sư phạm, chân tình chỉ dẫn, nhắc nhở và tin tưởng khi giao việc cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của mình.
Cô Trần Thị Kim Thu

Nhân vật mà chúng tôi muốn nói tới chính là cô Trần Thị Kim Thu (sinh năm 1962) – Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Giang (Thành phố Cao Bằng). Bản thân cô từng là giáo viên dạy giỏi môn Toán và có hơn 24 năm trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Năm 2006 cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Đến năm 2008, cô được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Sông Hiến I. Cuối năm 2011, được bổ nhiệm làm Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Giang - Đơn vị anh hùng trong thời kì đổi mới.

Cô Thu cho biết: Làm quản lý trong một tập thể sư phạm đông vào bậc nhất khối các trường THCS của Thành phố Cao Bằng, với 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên; độ tuổi của giáo viên cũng phân rõ thành 3 nhóm tuổi khác nhau.

Vì thế để tập hợp đội ngũ giáo viên, sự đồng thuận giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giữa các đồng nghiệp, giữa các lứa tuổi với nhau là điều không đơn giản.

Mặt khác, nội bộ một tập thể lớn, đa số là nữ, với những gia cảnh và điều kiện khác nhau, khiến cho công tác quản lý của Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường thêm nhiều khó khăn, áp lực.

Yêu cầu tập hợp đội ngũ, tạo sự đồng thuận giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giữa các đồng nghiệp khác lứa tuổi với nhau là điều mà cô Thu luôn trăn trở.

Từ thực tiễn nêu trên, cô Thu tự nhủ: Muốn nhà trường phát triển thì việc đầu tiền là phải xây dựng mối đoàn kết nội bộ. Trên tinh thần ấy, cô đã thống nhất với Ban giám hiệu và tập thể sư phạm nhà trường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Cô luôn xác định: Bản thân mình là người đứng đầu nên phải gương mẫu và là nòng cốt trong công tác giáo dục t¬ư t¬ưởng cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Thông qua các đợt học tập chính trị, sinh hoạt Đảng, các cuộc họp hội đồng, giao ban và các hoạt động đoàn thể, cô đã định hướng cho mỗi giáo viên nhận thức sâu sắc rằng:

Sự tồn tại và phát triển của nhà trư¬ờng nói chung và mỗi giáo viên nói riêng đều phụ thuộc vào chất lượng giáo dục, giảng dạy của đội ngũ giáo viên, mọi người trong nhà trường cần cùng đồng tâm, hợp lực, tập hợp được toàn thể đội ngũ, biết phát huy dân chủ, biết khơi dậy năng lực của mỗi người. Điều đó nghĩa là: Lợi ích và nghĩa vụ của nhà trư¬ờng với mỗi cá nhân là thống nhất và gắn liền với nhau.

Từ đó mọi người, cùng đoàn kết xây dựng bầu không khí s¬ư phạm ấm tình đồng chí, trọng tình đồng nghiệp, cùng nhau phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa - một hình thức để tập hợp, đoàn kết nội bộ nhà trường
 Tổ chức các hoạt động ngoại khóa - một hình thức để tập hợp, đoàn kết nội bộ nhà trường

Sắp xếp, sử dụng, cán bộ, giáo viên hợp lý

 Một điều có ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ, đó là tác phong của Hiệu trưởng, của các đồng chí lãnh đạo nhà trường. Lãnh đạo nhà trường có mẫu mực, nghiêm túc thì các nề nếp của nhà trường sẽ nghiêm túc đi vào trật tự, kỷ cương.

Cũng theo cô Thu, một yếu tố quan trọng khác đó là: Phải biết sắp xếp, sử dụng giáo viên, cán bộ hợp lý. Bởi theo cô Thu, đội ngũ cán bộ, giáo viên là người quyết định chất lượng giáo dục đào tạo.

Nếu được bố trí ở những vị trí thích hợp sẽ phát huy năng lực, sở trường, vị trí thích hợp. Vì thế việc phân công sử dụng đội ngũ phải có sự cân nhắc để vừa đảm bảo nguyên tắc chung vừa phù hợp với tình hình thực tế đơn vị.

“Khi phân công chúng tôi chú ý đến nguyên tắc xuất phát từ quyền lợi của học sinh và chất lượng đào tạo của nhà trường để lựa chọn giáo viên phụ trách các công việc phù hợp trong từng năm học" – Cô Thu chia sẻ.

Cô cho rằng, cần căm lo bồi dưỡng và sử dụng tốt nguồn nhân lực, phân công đúng ngư¬ời, đúng việc hợp với khả năng của từng người, để tạo thành một ê kíp thống nhất; lấy lực lượng giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có uy tín làm nòng cốt, nắm bắt được những năng lực, sở trường và tính cách của từng giáo viên để có cách ứng xử phù hợp.

“Chẳng hạn khi phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy cùng chuyên môn, cùng khối: Cứ 1 giáo viên có chuyên môn vững vàng cặp đôi với một giáo viên yếu hơn, hoặc 1 giáo viên cũ với 1 giáo viên mới.

Qua đó nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên giao lưu, trao đổi, giúp đỡ và truyền cho nhau những kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm, chuyên môn, đồng thời thể hiện sự đồng tâm hợp ý trong công tác" – Cô Thu phân tích.

Cũng theo cô Thu, một tập thể sư phạm chỉ vững mạnh khi ý thức tổ chức kỉ luật đã trở thành nhu cầu của mỗi người, các thành viên đều chấp hành tốt các nội quy, quy chế với tinh thần tự giác.

Trên tinh thần đó, cô đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tiếp tục củng cố kỉ cương nề nếp hoạt động của nhà trường tập trung vào các mặt còn yếu, dựa vào những văn bản quy định của ngành về các nề nếp cần đạt như:

10 điều quy định về tác phong nhà giáo; Quy định về việc thực hiện quy chế chuyên môn; Thực hiện “Nếp sống văn minh trường học; Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”. 

Gắn bó với sự nghiệp trồng người 34 năm, nay sắp về nghỉ hưu, phần thưởng lớn nhất mà cô có được chính là niềm tin của đồng nghiệp, của các em học sinh và các bác phụ huynh dành cho cô.

Đặc biệt, thật vinh dự và tự hào đó là cách đây 2 năm vào Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014 cô đã vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Điều này đã tạo động lực và tiếp thêm sức mạnh để tôi tiếp tục cống hiến trong sự nghiệp “trồng người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ